Tại thôn Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam), hơn 10 năm qua, hàng chục hộ dân nơi đây đã có biện pháp bảo vệ hàng ngàn cây ươi ở địa phương, nhằm tránh loài cây quý hiếm này bị hủy diệt.
Chặt cây sẽ bị phạt
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trước đây, diện tích cây ươi ở Quảng Nam khoảng 1.000ha, tập trung ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Trà My, Phước Sơn. Tuy nhiên, do những năm gần đây, giá hạt ươi bay (ươi khô) liên tục tăng, để có nhiều hạt ươi, nhiều nơi, đồng bào không ngần ngại khai thác theo kiểu tận diệt - hạ cây lấy hạt - khiến diện tích cây ươi thu hẹp chỉ còn khoảng 100ha.
Ươi là một loại cây thân gỗ cao từ 20 - 30m, thân to, mọc thẳng, chỉ ra nhánh và kết trái ở phần ngọn. Cây ra hoa vào tháng 3 và trái chín từ tháng 6 đến tháng 8. Mỗi cây trưởng thành khi ra trái cho khoảng 40kg hạt khô. 1kg hạt ươi khô bán khoảng 200 nghìn đồng.
Khi đến mùa thu hoạch ươi, người dân đổ xô dùng cưa máy lùng sục khắp các cánh rừng để đón hạ cây ngã xuống để nhặt hạt. Để rừng ươi không bị tận diệt, đồng bào dân tộc thôn Công Dồn thành lập đội tuần tra, bảo vệ ươi nhằm ngăn chặn người dân các xã xung quanh đến chặt hạ.
Những ngày giữa tháng 6.2012, dẫn chúng tôi đi thăm rừng ươi với hàng nghìn cây trải dài khắp địa bàn thôn, anh Bliên Tiền - Trưởng thôn Công Dồn, kiêm Trưởng ban bảo vệ rừng ươi, cho biết: “Chi bộ thôn chúng tôi đã thành lập 4 tổ bảo vệ, mỗi tổ 5 người và ban hành quy chế về việc bảo tồn cây ươi. Khi đến mùa ươi, hàng ngày các tổ này thường xuyên đi kiểm tra những cánh rừng ươi trong thôn. Khi thu hoạch ươi thì chỉ được trèo lên cây hái trái và cho đốn nhánh, việc đốn hạ cả cây thì tuyệt đối bị nghiêm cấm. Nếu ai khai thác mà đốn cả cây thì bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng/cây” - anh Tiền nói.
Có tiền nhờ biết bảo vệ ươi
Theo anh Tiền, vào mùa thu hoạch, tất cả các hộ dân trong thôn đều đi hái lượm ươi, trung bình một mùa, mỗi hộ thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.
Già Jơrâm Hạnh vui mừng nói: “Từ khi có quy chế của chi bộ thôn đưa ra, tuy khai thác ươi vất vả hơn nhưng cả thôn ai nấy đều vui mừng tuân thủ vì cây ươi của mình có thể lấy hạt mùa này qua mùa khác không như các nơi chỉ thu hoạch một lần do chặt hạ cây. Đây là chủ trương đúng, có lợi cho đồng bào”.
Để rừng ươi không bị tận diệt, đồng bào dân tộc thôn Công Dồn thành lập đội tuần tra, bảo vệ ươi nhằm ngăn chặn người dân các xã xung quanh đến chặt hạ.
Anh Ploong Bốt - Phó Bí thư xã Zuôih, cho biết: “Có thể thấy quy chế bảo vệ cây ươi của thôn Công Dồn những năm qua mang lại kết quả rất đáng biểu dương. Từ mô hình này, Đảng ủy xã Zuôil đã ban hành Nghị quyết về chủ trương bảo tồn cây ươi trên địa bàn xã. Qua đó sẽ có những biện pháp để bảo vệ cây ươi trên toàn xã”.
Theo anh Bốt, nếu chặt hạ cả cây xuống hái hạt thì một ngày 1 người có thể thu được từ 1 - 2 triệu đồng tiền hạt. Nhưng chỉ có một lần đấy thôi. Sau đấy, người đó phải chờ 30 năm sau thì mới có một cây ươi khác lớn lên, ra trái để lại thu hoạch hạt. Còn nếu trèo lên hái hạt, thu nhập một ngày có thể ít hơn nhưng lại thu hoạch thường xuyên, môi trường cũng không bị xâm hại”.
Trước việc bảo tồn, giữ gìn cây ươi của đồng bào thôn Công Dồn, thiết nghĩ người dân các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nên học hỏi để góp phần giữ gìn cây ươi - một tài sản tự nhiên quý giá của địa phương.