Trồng Đậu Phụng Méo Mặt
Năng suất tụt đã đành, đằng này giá thu mua đậu phụng khô trên thị trường cũng giảm theo tỷ lệ thuận.
Nhìn mấy người buôn khiêng những bao đậu phụng (lạc) khô chất lên xe chở đi, bà Ngô Thị Thu Thủy ở thôn Mông Nghệ Bắc (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) lắc đầu: “Gần 4 tháng ròng cần mẫn chăm sóc, kết quả thu về là âm cả vốn, hỏi sao mà không nản lòng”.
Bà Thủy cho biết, vụ đông xuân năm ngoái bà tỉa 3 sào đậu phụng quanh khu đất vườn. Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên vụ đó bà lặt được tổng cộng 360kg đậu phụng khô, bán tại nhà với giá bình quân là 25 ngàn đ/kg, bà kiếm không dưới 9 triệu đồng. Trừ tất cả các khoản chi, bà lãi ròng 5 triệu đồng.
Vụ này, bà Thủy cũng làm ngần ấy diện tích nhưng sản lượng chỉ đạt 180kg đậu phụng khô, giảm một nửa so với trước.
“Sở dĩ năm nay năng suất tụt giảm nghiêm trọng là do khi ruộng đậu phụng đồng loạt ra hoa thì trời mưa lạnh kéo dài nhiều đợt khiến quá trình cây đậu phụng thụ phấn gặp khó khăn nên khi nhổ lên dây nào cũng lưa thưa trái” – bà Thủy nói.
Năng suất tụt đã đành, đằng này giá thu mua đậu phụng khô trên thị trường cũng giảm theo tỷ lệ thuận. Bà Thủy than phiền: “Năm ngoái, thời điểm này, có giá 25 ngàn đ/kg, còn nay dù có nài nỉ mấy thương lái cũng chỉ mua với giá 18 ngàn đ/kg.
Chừ bán hết 180kg đậu đó, tôi thu được hơn 3,2 triệu đ. Trong khi đó, tiền mua hạt giống, phân bón, thuốc BVTV, trả công nhổ và lặt đã tốn hết 4 triệu đồng. Thua lỗ nặng rồi”.
Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn tỉnh canh tác tổng cộng 8.620ha đậu phụng.
Tuy nhiên, do nhiều diện tích đậu khi ra hoa, đâm tia gặp thời tiết quá bất lợi nên năng suất bình quân chung toàn tỉnh chỉ đạt 19,01 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm trước. Sản lượng đạt thấp, trong khi đó giá bán sản phẩm lại giảm mạnh khiến nhà nông xứ Quảng rầu lòng vì mất cả tiền tỷ…
Có thể bạn quan tâm
Tình trạng sông Ba Lai chưa được khép kín là nguyên nhân làm sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre bị thiếu nước.
Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đang áp dụng thành công mô hình trồng mè xen canh với lúa đông xuân và hè thu. Mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/héc-ta, mà còn tăng thêm màu mỡ đất và tạo việc làm cho lao động địa phương...
Năm 2015 là năm đầu tiên mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai) được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chất lượng, khẳng định vị trí của mận tam hoa trên thị trường.
Sau rằm tháng giêng, xoài xung quanh các triền núi Cô Tô, núi Dài lớn, núi Cấm… bắt đầu cho trái liên tục. Khác với lối canh tác truyền thống, nhà vườn Bảy Núi (An Giang) áp dụng phương pháp xử lý ra hoa trái vụ, nhất là đối với các loại giống mới.
Cuối năm nay, lô hàng nhãn chín muộn đầu tiên của huyện Hoài Đức sẽ tiếp cận thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất về trái cây hiện nay.