Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bỏ làm công chức về quê nuôi ếch

Bỏ làm công chức về quê nuôi ếch
Ngày đăng: 09/11/2015

Mô hình nuôi ếch giống sinh sản cho thu nhập cao của anh Duy

Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2007, Duy về công tác ở Sở VH-TT-DL Hưng Yên.

Sau 2 năm, anh được chuyển sang làm quản lý báo chí, xuất bản tại Sở TT-TT của tỉnh.

Công việc nhà nước đang tiến triển thuận lợi, thì “bỗng dưng” năm 2010, Duy xin nghỉ việc để về quê làm… nông dân. Duy chia sẻ: “Quyết định nghỉ việc của tôi đã gây xôn xao làng quê nghèo.

Gia đình, anh em, họ hàng phản đối.

Hàng xóm, ai cũng cho tôi là người có vấn đề thần kinh.

Vì lúc đó, một người mới tốt nghiệp ra trường, không quen biết ai, không có lắm tiền, đang có công việc ổn định, lại đột nhiên từ bỏ, về quê nuôi ếch thì đúng là chuyện khó tin.

Tôi là một người quyết đoán, nói là làm nên mới có thành công như bây giờ”.

Theo Duy, thời điểm đó, làm công chức có mức lương không cao, khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Vợ Duy làm giáo viên mầm non cũng chỉ được 1 triệu đồng/tháng.

Đồng lương ít ỏi nhưng 2 vợ chồng phải nuôi 2 đứa con nhỏ, bố mẹ già nên không đủ trang trải cho cuộc sống.

Nếu cứ làm công ăn lương, sống an phận thì nghèo vẫn nghèo.

Trong khi đó, nuôi ếch đầu tư thấp nhưng thu nhập cao, nên anh quyết định nghỉ làm công chức về quê nuôi ếch. Trước khi có dự định này, Duy đã có một thời gian đọc sách, báo, nghiên cứu, cập nhật thông tin, thấy nhiều mô hình kinh tế hay, anh dần dần nuôi hi vọng làm giàu.

Bởi vậy, hằng ngày đến cơ quan làm việc, lúc rãnh rỗi, anh lại lên mạng, tìm hiểu thông tin về các mô hình làm kinh tế nông thôn.

Anh thấy nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao như: mô hình nuôi ba ba (Ninh Bình), sản xuất cá vược (huyện Tiền Hải, Thái Bình)… nhưng ấn tượng nhất là mô hình nuôi ếch thương phẩm ở Long An.

Lúc đó, trong đầu Duy nảy ra ý định, nếu có cơ hội, anh sẽ học tập và làm theo mô hình này.

Nuôi chí làm giàu

Tranh thủ những ngày được nghỉ, anh vác balô đi khắp các trang trại nuôi ếch để học tập kinh nghiệm.

Khi còn đang làm công chức, Duy đã mạnh dạn vay bố mẹ 10 triệu đồng để làm vốn nuôi ếch.

Duy mua 4 nghìn con ếch giống về thả.

Lứa ếch đầu do thời tiết và thiếu kinh nghiệm nên anh bị lỗ, nhưng anh vẫn quyết tâm không từ bỏ.

Anh tiếp tục nuôi ếch giống sinh sản và anh đã thành công, thu hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Duy nghĩ mình đã đi đúng hướng nên quyết định nghỉ làm công chức để “toàn tâm, toàn ý” cho việc nuôi ếch. Sau khi anh xin nghỉ việc ở Sở TT-TT, anh vay vốn đầu tư mua thêm ếch sinh sản về nuôi và đã thu về 200 - 300 triệu đồng/năm.

Qua 5 năm phát triển, số lượng “ếch bố mẹ” ở trang trại của Duy đã lên tới 2 nghìn cặp giống, mỗi năm cung ứng ổn định cho thị trường khoảng 40 vạn con giống, 7 vạn ếch thịt thương phẩm, trừ mọi chi phí, anh thu về khoảng từ 300 - 400 triệu đồng.

Hiện tại, ếch giống của Duy được phân phối khắp các tỉnh thành miền Bắc như: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai…

Anh cho biết hiện nay, ngoài nuôi ếch tại nhà, anh còn mở rộng trang trại 1 héc ta để chăn nuôi cá trê lai, gà lai đông tảo… Tính sơ sơ, anh cũng thu nhập mỗi năm gần 500 triệu.

Anh dự định sẽ thuê đất, mở rộng quy mô nuôi ếch sinh sản và sẽ có kế hoạch là người đầu tiên ở phía Bắc nuôi ếch mùa đông, cũng như thành lập công ty hoặc hợp tác xã để bao tiêu, thu mua, làm đầu ra cho nhân dân trong tỉnh. Nói về mô hình kinh tế này, anh Phạm Ngọc Dương, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Đức Thắng cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao nghị lực, quyết tâm, vươn lên làm kinh tế của anh Duy.

Mặc dù đang làm công chức, nhưng anh dám từ bỏ tất cả về quê làm nông dân.

Hiếm có thanh niên nào dám nghĩ, dám làm như anh.

Là một công chức nghèo, giờ anh Duy đã làm giàu từ nuôi ếch, đây là một tấm gương sáng cho nhiều thanh niên học tập”.


Có thể bạn quan tâm

Bảo Tồn Giống Gà Ri Ninh Hòa (Khánh Hòa) Bảo Tồn Giống Gà Ri Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Sở đã gửi văn bản kiến nghị với Bộ NN-PTNT một số vấn đề như: Bổ sung giống gà ri Ninh Hòa vào danh mục giống gia cầm được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; đưa giống vào chương trình hỗ trợ giống gốc hàng năm của Bộ; hỗ trợ kinh phí giúp địa phương nghiên cứu, nuôi giữ giống gốc, bảo tồn và phát triển giống đạt hiệu quả.

13/02/2015
Bền Chí Làm Giàu Bền Chí Làm Giàu

Nhận thấy làm nông quá vất vả mà hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp nên gần 10 năm nay, lão nông Nguyễn Giáo (75 tuổi), ở thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã mở trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

13/02/2015
An Giang Bảo Tồn Nguồn Gen Động Vật, Thực Vật An Giang Bảo Tồn Nguồn Gen Động Vật, Thực Vật

Tin vui đến với những nông dân (ND) trồng lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn (An Giang), đó là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cam kết bao tiêu toàn bộ lúa mùa nổi do ND sản xuất. Lúa mùa nổi tại An Giang hiện được coi là đặc sản “sạch”, bởi sản phẩm gạo không có dư lượng thuốc trừ sâu.

13/02/2015
Xuất Dự Trữ Quốc Gia Hơn 1.600 Tấn Hạt Giống Xuất Dự Trữ Quốc Gia Hơn 1.600 Tấn Hạt Giống

Cụ thể, CTCP Giống cây trồng Trung ương xuất 790 tấn hạt giống lúa và 190 tấn hạt giống ngô, CTCP Giống cây trồng miền Nam xuất 280 tấn hạt giống lúa và 42 tấn hạt giống ngô, CTCP Giống cây trồng-vật nuôi Thừa Thiên-Huế xuất 330 tấn hạt giống lúa và 35 tấn hạt giống ngô.

13/02/2015
Mùa Hành Nơi Gió Cát Mùa Hành Nơi Gió Cát

Những ngày giáp tết, ai từng ra Tuy Phong (Bình Thuận) mùa này hẳn sẽ bắt gặp những thửa ruộng hành xanh bạt ngàn, thoai thoải. Không biết từ bao giờ, vị cay nồng của hành củ đỏ đã gắn bó với những thăng trầm của người dân vùng nắng gió Tuy Phong. Tháng chạp… cây hành nở hoa.

13/02/2015