Trồng Cà Chua Lai F1 Mongal, Thiệt Hại Hàng Tỷ Đồng
Trong vụ hè thu vừa qua, nông dân ở một số tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hải Phòng và Ninh Bình trồng giống cà chua lai F1 Mongal do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Xanh cung cấp, nhưng không đậu quả. Người dân đã phản ánh đến các cơ quan chức năng và kiến nghị doanh nghiệp đền bù thiệt hại, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một khoản tiền đền bù nào.
Trồng cây chỉ cho... ra lá
Thất vọng và hoang mang là những điều chúng tôi nhận thấy từ những người nông dân tại phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Không hoang mang sao được, khi cả chục năm nay, cà chua lai F1 Mongal là giống cây chủ lực tại địa phương, mỗi vụ cho thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/sào. Vậy mà năm nay lại khác, dù thời tiết thuận lợi, nhưng cây cà chua vẫn chỉ cho... ra lá!
Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp phường Ái Quốc Nguyễn Đức Thiết, vụ hè thu năm nay, địa phương trồng 40 ha cà chua, riêng diện tích trồng giống F1 Mongal chiếm quá nửa. Trong khi các giống cà chua khác cho năng suất cao, thì cà chua lai F1 Mongal lại gần như mất trắng, thiệt hại đến sáu tỷ đồng.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Hải Dương, mà hầu hết diện tích trồng cà chua lai F1 Mongal của nông dân ở tỉnh Ninh Bình và thành phố Hải Phòng cũng chung cảnh ngộ. Tổng diện tích thiệt hại của ba tỉnh lên đến gần 150 ha (Hải Dương: 72 ha; Ninh Bình: 50 ha). Trong quá trình chăm sóc, người dân phát hiện những dấu hiệu bất thường của cây cà chua, hoa ra lác đác nhưng không thể thụ phấn và rụng nhiều. Người dân cho rằng, phía công ty đã "treo đầu dê bán thịt chó", đóng gói mẫu mã như các năm trước, nhưng là hàng giả, kém chất lượng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Xuân Oánh, một nông dân ở phường Ái Quốc khẳng định, nguyên nhân cà chua không đậu quả không phải do kỹ thuật chăm bón và thời tiết không thuận lợi, mà do chất lượng giống. Năm nay, hạt giống được mua tại các đại lý của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Xanh (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) có số lượng nhiều hơn mọi năm. Thông thường, một gói hạt giống cà chua Mongal giá 115 nghìn đồng, gieo được khoảng 1.000 đến 1.200 cây, nhưng năm nay, lại gieo được hơn 2.000 cây giống. Cứ tưởng đây là lợi thế, có thể bù chi phí chăm sóc cho mỗi sào cà chua lên đến 3,5 triệu đồng, ai ngờ "xôi hỏng bỏng không".
Doanh nghiệp làm ngơ
Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đồng Quảng, hiện Cục đã nhận được công văn của hai tỉnh Hải Dương và Ninh Bình đề nghị can thiệp và có hướng xử lý, khắc phục hậu quả cho nông dân.
Do chưa xác định được nguyên nhân chính xác nên trước mắt, Cục sẽ họp các sở, ngành ở các địa phương bị thiệt hại và phía Công ty TNHH sản xuất và thương mại Xanh để tìm phương án đền bù cho nông dân, nếu như giữa các bên thỏa thuận được thì sẽ không tiến hành thanh tra. Nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn thì sẽ đề nghị ngành hải quan kiểm soát, không cho nhập giống cà chua này. Tuy nhiên, để người dân được bồi thường thì... chưa biết đến khi nào!
Làm việc với chúng tôi, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Vũ Mạnh Hùng cho biết, trước khi có công văn gửi Cục Trồng trọt, Sở đã gửi liên tiếp ba công văn đến Công ty TNHH sản xuất và thương mại Xanh đề nghị hợp tác, phối hợp cơ quan chức năng tìm hiểu và khắc phục hậu quả cho người dân. Nhưng phía công ty chỉ cử một cán bộ không đủ thẩm quyền xuống làm việc với các đại lý, hứa hẹn sẽ cấp đền hạt giống và hỗ trợ người dân với mức 100 nghìn đồng/sào.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết nông dân bị thiệt hại chưa nhận được hạt giống và tiền đền bù như phía công ty đã hứa. Dù rằng số tiền này quá nhỏ và chẳng thể bù đắp những thiệt hại mà người nông dân đang phải gánh chịu. Hiện người dân buộc phải nhổ bỏ cà chua để trồng thay thế cây mới. "Mỗi sào cà chua, người nông dân phải đầu tư hơn ba triệu đồng, bỏ công chăm sóc bón phân hơn hai tháng, bây giờ, cà chua trồng không cho thu hoạch, thiệt hại mỗi sào tính ra hàng chục triệu đồng, vậy mà họ chỉ hỗ trợ có một gói hạt giống và 100 nghìn đồng mỗi sào, thì có ý nghĩa gì, ông Nguyễn Xuân Khanh, khu Ngọc Trì, phường Ái Quốc nói.
Đổi lại sự mong mỏi của chính quyền và người dân, là một sự im lặng khó hiểu của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Xanh. Hơn thế, doanh nghiệp này còn phủi sạch trách nhiệm, cho rằng các cơ quan chức năng địa phương đã buông lỏng quản lý, khiến hàng giả, hàng nhái thâm nhập, làm ảnh hưởng uy tín của công ty.
Thiết nghĩ, thay vì đổ lỗi, "đá quả bóng trách nhiệm" cho địa phương, công ty phải nghiêm khắc nhìn thẳng vào thực tế, phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân của vấn đề, đừng vì cái lợi trước mắt, "tham bát bỏ mâm" mà đánh mất thương hiệu của mình. Mong rằng, các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, sớm tìm ra giải pháp, nhằm san sẻ gánh nặng, giúp người nông dân vượt qua khó khăn tiếp tục yên tâm sản xuất.
Nguồn bài viết: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/24990802-trong-ca-chua-lai-f1-mongal-thiet-hai-hang-ty-dong.html
Có thể bạn quan tâm
Các lô hàng thủy sản Việt Nam bị các thị trường trả về do nhiễm kháng sinh vượt ngưỡng phải kiểm tra chất lượng như hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.
Với thị trường chung rộng mở sau hội nhập, rau quả Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Theo Cục BVTV, các lô xoài đầu tiên của Việt Nam XK sang Nhật Bản có giá cao hơn xoài Thái Lan 2 USD/kg, tiêu thụ rất tốt.
Nếu thủy sản Việt Nam tiếp tục nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép, nhiều thị trường sẽ ngưng nhập khẩu.
Tận dụng tối đa “lực đẩy” từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ chỉ rõ: Đến năm 2020, tất cả tỉnh, thành phố phải xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, ưu tiên địa bàn nông thôn, miền núi.