Trồng Ca Cao Trên Đất Khánh Hòa
Cây ca cao có thể phát triển ở Khánh Hòa nếu tìm được đầu ra ổn định.
Phù hợp với điều kiện sản xuất
Tại khu rẫy trồng ca cao xen chuối và dừa của gia đình ông Lê Công Hậu (thôn Xuân Phú 1, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), những cây ca cao còn thấp nhưng đã có trái. Gia đình ông Hậu là một trong số các hộ dân được đầu tư trồng thử nghiệm cây ca cao khi tham gia đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng trồng cây ca cao tại Khánh Hòa (giai đoạn 1)” do Thạc sĩ Hoàng Vinh (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) làm chủ nhiệm.
Khi tham gia dự án, khu rẫy của ông Hậu đã trồng dừa xiêm, chuối mốc được dặm thêm ca cao với diện tích 1,3ha. Giống, phân bón được đề tài đầu tư. Sau 3 năm, dừa xiêm và ca cao đều đã có trái, chuối mốc cho thu hoạch quanh năm. Ông Hậu nhận định, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương phù hợp cho cây ca cao phát triển.
Cây cho bông sai, quả đạt yêu cầu. Cây còn nhỏ nhưng đã cho 4 - 5kg quả. Trồng ca cao phải đảm bảo nguồn nước tưới, lúc nhỏ phải có cây che bóng, lưu ý giai đoạn đầu sâu đục thân có thể làm chết cây.
Thực hiện trong 3 năm (2011 - 2014) với kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, đề tài hoàn thành mục tiêu xác định tính thích nghi và xây dựng các biện pháp kỹ thuật trồng cây ca cao phù hợp với điều kiện sản xuất ở Khánh Hòa, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển cây ca cao.
Theo thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây ca cao có thể ra hoa, kết trái liên tục, cho thu hoạch quanh năm. Mỗi cây sẽ có trái lớn, trái nhỏ và hoa. Vì thế, khâu chăm sóc, bón phân phải được quan tâm. Trong 9 giống trồng thử nghiệm, bước đầu đã xác định 3 giống có khả năng phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, năng suất vượt trội hơn các giống khác trong cùng điều kiện canh tác, thấp nhất hơn 2 tạ hạt/ha, cao nhất hơn 3 tạ hạt/ha.
Đề tài cũng đã khảo nghiệm một số loại cây che bóng thích hợp tại Khánh Hòa như: keo dậu (cây che bóng lâu năm), đậu triều, muồng hoa vàng và chuối mốc (cây che bóng tạm thời); thử nghiệm trồng cây ca cao trong các vườn cây ăn quả và cây công nghiệp. Kết quả cho thấy, sử dụng cây chuối mốc làm cây che bóng tạm thời cho cây ca cao tốt hơn cây đậu triều và muồng hoa vàng. Khi trồng xen dưới tán vườn cây ăn quả, cây ca cao vẫn phát triển tốt như trồng thuần.
Trồng ca cao trong điều kiện khí hậu thời tiết ở Khánh Hòa cũng phát sinh các loại sâu bệnh hại phổ biến như: bọ xít muỗi, bọ cánh cứng ăn lá, sâu đục thân, rệp sáp, bệnh nấm hồng, khô thân nhưng ở mức nhẹ, chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây ca cao.
Cần quan tâm đến đầu ra của sản phẩm
Mới đây, đề tài “Ứng dụng trồng cây ca cao ở Khánh Hòa” đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá. Theo Thạc sĩ Hoàng Vinh, trong những năm gần đây, diện tích trồng cây ca cao đã được mở rộng tại nhiều tỉnh trong nước. Đặc biệt, từ khi hạt ca cao được Công ty Cargill Việt Nam thu mua với giá cao và ổn định, cây ca cao đã phát triển mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cây ca cao là một trong những loại cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, đặc biệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc kiến thiết cơ bản cây ca cao trên địa bàn tỉnh, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Lê Công Hậu, điều ông băn khoăn là khi cây ca cao cho trái đồng loạt thì không biết sẽ bán ở đâu. Hiện nay, chỉ dừa và chuối cho thu nhập chứ chưa thu được đồng nào từ ca cao. “Tôi xem ti vi được biết ở các tỉnh miền trong bán 45.000 - 60.000 đồng/kg, còn gia đình tôi mới thu hoạch được một ít vẫn để khô ở nhà, chưa biết bán cho ai” - ông Hậu nói. Chính vì thế, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đã lưu ý khi triển khai đề tài giai đoạn 2 cận quan tâm đến đầu ra của sản phẩm.
Nhóm thực hiện đề tài đã triển khai trồng thử nghiệm 9 giống ca cao tại 2 huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa, mỗi mô hình quy mô 1,3ha. Qua đánh giá bước đầu cho thấy, cây ca cao hoàn toàn có khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên ở Khánh Hòa.
Cây bắt đầu ra hoa khi được 12 - 16 tháng tuổi, chiều cao cây đạt từ 1 - 1,5m, đường kính tán 1 - 1,5m. Trong điều kiện thời tiết ở Khánh Hòa, cây ca cao cho hoa 2 đợt, đợt 1 vào tháng 5, tháng 6 và đợt 2 vào tháng 11, tháng 12. Thông thường sau 1 tháng ra hoa, cây bắt đầu đậu quả và sau 5 tháng thì quả chín và có thể cho thu hoạch.
Nguồn bài viết: http://www.baokhanhhoa.com.vn/kinh-te/201412/trong-ca-cao-tren-dat-khanh-hoa-2356131/
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đạt năng suất cao, nâng cao giá trị thu nhập ở vụ đông 2014, nhiều bà con nông dân Hà Nội đã lựa chọn phân đa yếu tố NPK Văn Điển bón cho cây trồng.
63 nông dân tiêu biểu đại diện cho 63 tỉnh và thành phố là những gương nông dân điển hình về vượt khó khăn vươn lên làm giàu, có những sáng tạo về mô hình sản xuất và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp… đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT.
Để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, vận động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân (ND), Hội ND các cấp phải coi việc nắm bắt và báo cáo kịp thời tình hình ND là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Nhờ chí thú và ham học hỏi trong chăn nuôi bò, chỉ sau 2 năm gia đình anh Phạm Dũng, thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã thoát nghèo.
Đại diện của Chi cục Chăn nuôi TP.HCM nêu khó khăn: Khi phát hiện chất cấm, phải giữ heo từ 5-7 ngày chờ kiểm tra. Điều này thường khiến heo bị giảm đề kháng, hay bị lở mồm, long móng.