Trồng Bơ Mỹ, Thu Tiền Tỷ

Bơ Booth, loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ, đang được giá khiến người trồng thành công loại bơ này ở Đắk Lắk hết sức vui mừng, phấn khởi. Hiện, bơ Booth được thương lái thu mua với giá từ 75.000 - 90.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hàng.
Kiếm tiền tỷ nhờ bơ Booth
Những ngày này, đến bất cứ nơi nào của tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đều nghe người dân bàn tán về việc trồng thành công giống bơ nhập khẩu từ Mỹ có tên gọi là bơ Booth. Anh Huỳnh Tấn Phát (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) chia sẻ: Khi giống bơ Booth nhập khẩu từ Mỹ được đem về trồng thí điểm tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều nông dân không mặn mà lắm với loại cây này, bởi lâu nay họ chỉ biết sống bám vào nguồn thu từ càphê.
Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp tỉnh, nhiều gia đình ở xã Ea Kpam đã mạnh dạn đầu tư. Sau vài năm chăm sóc, nông dân nhận thấy loại bơ này dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, có khả năng kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất, chất lượng cao, quả to và đều không thua kém bơ chính vụ.
“Thấy bơ Booth phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất này, gia đình tôi phá bỏ 5ha càphê già cỗi đầu tư trồng hơn 300 cây bơ nghịch vụ (bơ Booth). Sau 3 năm chăm sóc, gia đình thu hoạch được 300 - 400kg quả/cây/năm. Với giá bơ như hiện nay, tính ra gia đình thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ha, đạt mức kỷ lục”, anh Phát hồ hởi khoe.
Còn chị Mai Thị Thúy vui mừng cho biết: “Gia đình tôi thu nhập hơn 400 triệu đồng/vụ từ bơ Booth. Loại bơ này ra trái vụ so với các loại bơ khác, thời điểm thu hoạch vào cuối tháng 11 và tháng 12, muộn hơn khoảng 2 tháng so với giống bơ thường nên rất hút hàng.
Khi đến mùa thu hoạch, chỉ cần điện thoại là thương lái đánh xe đến tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi ngày có cả trăm thương lái khắp nơi kéo về tận vườn lùng sục, thu mua cung cấp cho thị trường”.
Theo chị Thúy, với lợi thế như hiện nay, thời gian tới, gia đình chị sẽ mở rộng diện tích bơ Booth để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có người nói vui, chỉ vài năm nữa, nơi này sẽ được mệnh danh là “vương quốc bơ Mỹ” ở Tây Nguyên.
Hút người tiêu dùng
Ông Trần Văn Năm, chủ vựa bơ Booth ở tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung và nhất là khu vực phía Bắc, rất ưa chuộng loại trái cây này. Mỗi ngày cơ sở của ông thu mua và đưa ra các tỉnh, thành phía Bắc 40-50 tấn bơ nhưng cung không đủ cầu.
Bà Nguyễn Thị Khang, thương lái thu mua bơ Booth cho hay: “Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày đại lý của gia đình chuyển hàng chục tấn bơ ra thị trường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ, với giá bán thấp nhất là 105.000 đồng/kg. Đây là giống bơ nhập khẩu từ Mỹ, được người dân Đắk Lắk trồng thành công, chất lượng thơm ngon.
Thời điểm này chỉ có bơ Booth cho trái nên loại bơ này rất khan hàng, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng ngày càng tăng nên đẩy giá tăng lên gấp đôi, gấp 3 giá bơ mùa.
Đầu tháng, chúng tôi mua với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg loại trái to, nhưng hiện lên tới 95.000 - 100.000 đồng/kg. Có lúc tôi cho người xuống tận vườn bơ để đặt cọc, nhưng nhiều nhà vườn sợ “bị hớ” nên không chịu nhận tiền cọc mà nói rằng bán lúc nào tính giá lúc đó. Trong những ngày tới, giá bơ Booth có thể tiếp tục tăng mạnh”.
Theo chị Tống Thị Hà, chủ một cửa hàng bán trái cây ở TP. Hồ Chí Minh, do bơ Booth ra trái vụ nên chẳng bao giờ chị bị ế hàng. Khách mua nườm nượp, thậm chí có hôm hết hàng ngay trong buổi sáng. Thường khách chỉ mua 1-2 kg, nhưng cũng có người mua một lúc 10kg về dùng, vì loại bơ này thơm ngon, cơm dẻo, màu vàng đậm, hạt khá chắc.
Giá bán ra hiện là 100.000 đồng/kg quả nhỏ và 115.000 đồng/kg loại 2 quả/kg. Trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị Hà bán được 50kg bơ. Do càng ngày bơ càng hiếm nên giá sẽ không dừng ở mức 115.000 đồng/kg mà có thể còn tăng thêm.
Thương lái thu mua bơ Booth nhận định, từ nay đến cuối vụ, giá loại bơ này sẽ tiếp tục tăng nên nhà vườn sẽ thu lợi nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm

Nhìn lại 4 năm thực hiện phát triển vùng chè, toàn tỉnh Lai Châu đã trồng mới được 385,7ha, đạt 110% so với kế hoạch. Năm 2014, sản lượng chè toàn tỉnh dự tính đạt 20.600 tấn, với năng suất ước đạt 85,3 tạ/ha (tăng 25,3 tạ/ha so với năm 2010)...

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) sẽ thu hoạch lúa Hè thu chính vụ. Trong khi đó, lượng lúa Đông xuân vẫn còn tồn đọng chưa thể tiêu thụ hết. Áp lực “lúa cũ chưa bán, lúa mới đã thu hoạch” và “lúa mất giá” tiếp tục đè nặng lên vai người nông dân.

Những ngày giữa tháng 6, màu vải chín bắt đầu phủ đỏ từng khoảng vườn, ngọn đồi tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Vải được xếp đầy sân những ngôi nhà làm điểm tập kết tại thị trấn Kép, Chũ hay xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn). Tại đây, sản phẩm sẽ được phân loại, đóng thùng xốp rồi đưa lên xe chở qua biên giới Trung Quốc. Chỉ một phần nhỏ được dành tiêu thụ trong nước.

Trong những năm qua, doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo đều phải căn cứ trên giá sàn xuất khẩu mà Hiệp hội lương thực Việt Nam công bố. Tuy nhiên, thời gian tới doanh nghiệp có thể đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp mà không cần căn cứ trên giá sàn.

Theo đó, để đóng mới dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ với mức lãi phải trả chỉ 1%/năm trong thời hạn 11 năm, được sử dụng phương tiện hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp; ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 70-100 phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần có công suất từ 90 CV trở lên; miễn thuế tài nguyên đối với thủy sản đánh bắt, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ...