Trồng Bắp Thu Cả Cây
Nông dân ở các vùng Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh (Đức Trọng), Đạ Ròn (Đơn Dương) đang chuyển nhiều diện tích trồng bắp thu trái sang trồng bắp thu cả cây để rút ngắn thời vụ canh tác, ổn định giá bán ra.
Ông Lê Hồng Duyên (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng), người nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình nhiều nhất ở Lâm Đồng với 50 con thường xuyên cho sữa, mỗi con ăn từ 50-60 kg thức ăn mỗi ngày, trong đó gồm 2/3 khẩu phần là cỏ voi và 1/3 khẩu phần là bắp cây. Việc đưa bắp cây vào khẩu phần ăn cho bò sữa hàng ngày được người chăn nuôi tiến hành nhiều năm qua, thực tế đã tăng năng suất sữa lên 20% và chất lượng sữa tăng hơn 10% so với chế độ dinh dưỡng thức ăn chỉ thuần có cỏ voi như trước đây.
Bởi vậy, bên cạnh diện tích 2 ha trồng cỏ voi, hộ gia đình ông Duyên đã “quy hoạch” trồng thêm 2 ha trồng bắp, mỗi năm trồng từ 1 vụ, mỗi vụ chăm sóc 3 tháng, đạt năng suất từ 50-60 tấn/ha cả cây và trái, nhưng chỉ đáp ứng hơn một nửa khẩu phần bắp cho đàn bò sữa của hộ gia đình mình; gần một nửa khẩu phần bắp còn lại, ông Duyên phải “mua sỉ” của nông dân trồng bắp khoảng 2 ha nữa.
Đến thời điểm đầu tháng 8/2013, giá bán bắp tươi (cả cây và trái) tại những cánh đồng ở Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh (Đức Trọng), Đạ Ròn (Đơn Dương) với 800-1.000đồng/kg. Hộ gia đình ông Đặng Thanh Bình (thôn Bồng Lai, Hiệp Thạnh) hàng năm trồng 1 vụ bắp trên 3.000m2, đạt tổng năng suất thu cả cây và trái bắp tươi khoảng 15 tấn, chỉ đủ đáp ứng 25% nhu cầu thức ăn cho gần 15 con bò sữa nuôi trong nhà. Còn lại 75% (khoảng 45 tấn bắp cây và trái), ông Bình phải mua thêm từ các hộ nông dân khác luân canh trồng bắp quanh vùng.
Tương tự, ở các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa tại khu vực Bồng Lai, Hiệp Thạnh như: Hộ gia đình ông Lê Văn Sang hàng năm trồng 4.000m2 bắp 1 vụ, thu được khoảng 20 tấn cây và trái, mới đáp ứng chưa tới 2/3 thức ăn cho 8 con bò sữa nuôi trong chuồng nhà, số lượng gần 1/3 còn lại phải mua thêm bên ngoài; hộ gia đình Võ Thành Minh mỗi năm mua thêm 15 tấn bắp cây và trái để dùng làm thức ăn cho 10 con bò sữa, hộ Lê Văn Đức nuôi 12 con bò sữa, mỗi năm mua thêm khoảng 18 tấn bắp cây và trái…
Tính riêng ở Tổ Hợp tác nuôi bò sữa Hiệp Thạnh, Đức Trọng với 150 hộ gia đình, nuôi trên dưới 1.000 con bò sữa thì nhu cầu thức ăn bắp cây và trái tươi ước tính trung bình 20 tấn/ngày (20kg/ngày/con), tương đương với sản lượng thu hoạch 1 vụ bắp trồng từ 3.500m2-4.000m2. Trong khi với 80 ha chuyên canh trồng thức ăn cho bò sữa của Tổ Hợp tác mới có 10 ha trồng bắp chỉ đáp ứng nhu cầu “tự cung tự cấp” hơn 10% nên tỷ lệ gần 90% thức ăn bắp tươi còn lại, người nuôi bò sữa “kiêm” nhiệm vụ bao tiêu từ trồng bắp luân canh (trồng trên khoảng 90 ha) của người nông dân quanh vùng.
Tiện lợi của sản phẩm cây và trái bắp tươi được người chăn nuôi ủ chua với muối và mật đường khá dễ dàng, cứ băm nhỏ bắp ra, ủ trộn trong vòng 45 ngày rồi sử dụng cho bò sữa ăn thường xuyên đến 2 năm sau. Đặc biệt những tháng mùa khô, chất lượng và sản lượng thu hoạch cỏ voi giảm xuống thì việc tăng khẩu phần bắp ủ chua cho bò sữa ăn là sự lựa chọn hiệu quả nhất. Có thể ủ chua bắp trong bịch ni lông, ủ dưới hầm đất hoặc ủ lộ thiên trong những bức tường xây bằng xi măng, gắn các khung cửa bằng gỗ và phủ kín tấm bạt lên trên.
Với người sản xuất bắp tươi bán cả cây cũng gặp nhiều thuận lợi hơn nhiều so với sản xuất bắp thu trái như: rút ngắn thời gian canh tác mỗi vụ từ 105-110 ngày xuống còn 80-90 ngày; lợi nhuận cao hơn trên dưới 10% vì giảm công lao động thu hoạch, phân loại bắp trái; ổn định giá thành bán ra vì người nuôi bò sữa thường “đặt hàng mua sỉ” trên từng diện tích ngay từ khi gieo trồng…
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm này, người trồng ớt tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn thu hoạch giữa vụ. Mặc dù nắng hạn làm mất mùa khoảng 30%, song bà con địa phương rất phấn khởi vì ớt có giá khá cao.
Rốn lũ Tứ giác Long Xuyên (An Giang) từng chịu thiệt hại nặng khi lũ lớn. Sau khi có hệ thống đê bao kiểm soát lũ an toàn và sản xuất 3 vụ mỗi năm, nơi đây trở thành vùng sản xuất trọng điểm lúa, hoa màu và đi đầu về cơ giới hóa nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó cam đường canh là loại cây triển vọng của địa phương.
Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn gây thiệt hại nặng trên diện rộng, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng bệnh, anh Huỳnh Văn Á, ở ấp Quí Thạnh, xã Nhị Quí, tỉnh Tiền Giang đã khống chế được dịch chổi rồng, đồng thời, xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ, nâng cao mức sống gia đình.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến chuyện cửa khẩu Tân Thanh đóng cửa, thương lái không “mặn mà” với các ruộng dưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đến nay, Quảng Bình cũng đang chung cảnh dưa hấu rớt giá, người dân như “ngồi trên đống lửa”.