Trốn nhà vào rừng làm trang trại, thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm
Ngủ rừng thu phục “quặng tặc”
Để vào được trang trại của ông Tiệp nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn đường đồi dốc lắt léo.
Mặc dù tuổi cao, tóc đã điểm bạc, nhưng ông Tiệp vẫn leo dốc thoăn thoắt như không biết mệt.
Ông Tiệp bảo: “Ở vùng đất dữ này, mình không khỏe, kiên cường thì khó có thể bám trụ được chứ nói gì đến làm giàu”.
Ông Lý Văn Tiệp đang kiểm tra các thùng ong tại trang trại của gia đình.
Vừa đi, ông Tiệp vừa kể, năm 1966, ông tham gia thanh niên xung phong.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông bị thương nặng, may nhờ người dân che giấu nên mới thoát chết.
Năm 1976, ông xuất ngũ trở về quê hương với tỷ lệ thương tật gần 20%.
Chưa hết, chất độc da cam trên người ông còn để lại di chứng cho đứa con trai thứ 2.
“Đau xót lắm, từ khi cháu ra ở riêng, gia đình tôi đã dồn mọi nguồn lực kinh tế cho nó nhưng cũng không ăn thua, làm đâu mất đấy, mỗi trận ốm là lại sạt nghiệp” – ông Tiệp ngậm ngùi tâm sự.
Cùng ông leo lên đồi thăm trang trại, chúng tôi phần nào hiểu được những gian nan, vất vả mà người cựu chiến binh này đã phải nỗ lực vượt qua.
Khắp chân núi, những vạt đất lổm ngổm đá sỏi giờ đã được ông Tiệp phủ xanh bởi bưởi Diễn, nhãn, xoài, dưới tán cây là những đàn gà đang tung tăng chạy nhảy.
Nhớ cái thời mới xuất ngũ về quê, ông Tiệp được lãnh đạo địa phương giao giữ nhiều chức vụ từ công an xã đến Chủ nhiệm HTX, công việc vất vả, phải đi nhiều, trong khi đồng lương phụ cấp lại ít ỏi, không đủ nuôi gia đình.
“Lúc đó ban ngày tôi đi làm công, tối vào thung lũng phát dãy, khai hoang để trồng cây.
Có lần vết thương cũ tái phát, cộng với ăn uống kham khổ, tôi kiệt sức gục xuống, chỉ còn biết vơ lá cây đắp lên người, bới rễ cây mà ăn.
Người nhà phải vào tìm khiêng về mới thoát chết” – ông Tiệp nhớ lại.
Dù vất vả là vậy, nhưng mỗi khi khỏe lại, ông Tiệp lại “trốn nhà” vào rừng làm tiếp, mặc người thân, hàng xóm ra sức can ngăn.
Xoa tay vào vết thương dưới bụng, ông Tiệp bảo: “Lúc gian khổ chỉ nghĩ mình là lính, thời chiến tranh khốc liệt là thế còn vượt qua được, huống gì thời bình.
Có sức khỏe sao không làm nổi hạt gạo, củ sắn để nuôi bản thân và vợ con? Mỗi lần nghĩ thế, tôi lại thấy mình mạnh mẽ lên rất nhiều...”.
Năm 1978, thấy đời sống người dân trong xóm quá khó khăn, sống kham khổ trong bóng tối nên ông Tiệp đã mày mò chế tạo tua bin lắp vào cống xả tại hồ chứa nước trong xã để phát điện.
“Tôi phải đi nhiều nơi như Hòa Bình, Sơn La để thăm quan các công trình thủy điện nhỏ, sau đó về dựa vào đặc thù của địa phương để làm máy phát điện.
Sau nhiều lần thất bại, đến năm 1979 tôi đã hoàn thành lắp đặt và cung cấp điện cho hàng trăm hộ dân trong xã.
Mãi tới năm 2000, điện lưới quốc gia về địa phương tôi mới thu máy, giao cho nhà nước” – ông Tiệp kể.
Nói về trang trại, ông Tiệp cho biết đến năm 2004, ông đã tạo dựng được cơ ngơi hơn 6ha, với trại nuôi gà, lợn, dê, bò hàng nghìn con, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Hồi trang trại bắt đầu có thu hoạch, tôi bị bọn đầu gấu, giang hồ trên mỏ quặng về phá, cướp sạch.
Chúng cướp cả đàn bò, dê, rồi khu rừng tôi nhận trông coi cũng bị chúng chặt phá để đào quặng.
Từng trải qua huấn luyện, chiến đấu nên tôi chẳng ngại gì.
Tôi đã nhiều lần mật phục, giao đấu tay đôi với “quặng tặc” để giữ rừng” – ông Tiệp kể.
Nhớ nhất là mùa đông năm 1998, ông và 3 thành viên trong gia đình “chiến đấu” với nhóm “quặng tặc” do tay giang hồ khét tiếng ở địa phương là Trần Văn Huyến cầm đầu.
“Trận đó ác liệt, không kém gì một trận giáp lá cà trên chiến trường.
Cuối cùng tôi và các con đã đuổi bọn chúng chạy về tận nhà, bắt kẻ cầm đầu phải quy phục.
Sau đó tôi nhiều lần đến nhà vận động, tuyên truyền Huyến bỏ nghề “quặng tặc” và hứa sẽ tạo công ăn việc làm.
Năm 2002, Huyến đã vào làm cho trang trại của tôi và giờ mới xin nghỉ” – ông Tiệp cho hay.
“Đại gia” ẩn mình
Từ hai bàn tay trắng, sau hơn 10 năm cần cù lao động, đến nay ông Tiệp đã có 200 lợn nái, 50 con bò, gần 100 dê bách thảo, 4.000 con gà và thường xuyên nuôi trên dưới 2.000 con lợn thịt.
Để tận dụng dòng suối bên sườn núi, ông còn xây ao nuôi cá kiên cố, mỗi năm thu được hơn 18 tấn cá thương phẩm.
“Giờ làm chơi tôi cũng có doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng/năm” – ông Tiệp khoe.
Mặc dù nuôi nhiều gà lợn, nhưng trang trại của ông Tiệp không hề có mùi hôi thối nhờ hệ thống hầm biogas xây dựng hợp lý.
Nhiều năm nay, gia đình ông không phải mất xu nào để mua gas hay củi đốt nhờ có nguồn khí dồi dào từ các hầm biogas.
Vừa thăm chuồng, ông Tiệp nhanh tay túm lấy một chú lợn con để kiểm tra sức khỏe.
Ông Tiệp cho hay: “Tôi thành công được cũng là nhờ chăn nuôi khép kín, từ con giống đến thức ăn, nhất là thú y tôi cũng tự làm được nên chưa khi nào trang trại bị nhiễm dịch bệnh”.
Dù trang trại nằm tận trong chân núi xa xôi, nhưng mỗi khi lợn, gà, cá đến kỳ xuất bán, ông Tiệp chỉ cần nhấc điện thoại gọi là có khách vào tận nhà mua.
Bao nhiêu năm gắn bó, sống chết với rừng, đến giờ có của ăn, của để, ông Tiệp vẫn không hề muốn nghỉ ngơi mà tiếp tục nhận trông coi, bảo vệ hơn 40ha rừng trồng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Ngoài làm ăn giỏi, ông Tiệp còn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ công nhân của mình bằng cách bán trả chậm con giống, cám, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi...
để họ vừa yên tâm làm công cho ông, vừa có thêm thu nhập tại nhà.
Nhờ thế mà đến giờ, hàng chục công nhân trước đây là hộ nghèo, giờ đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.
Nhờ những thành tích xuất sắc trong chăn nuôi, trồng trọt, nhiều năm qua ông Lý Văn Tiệp luôn được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Năm 2010, ông Tiệp nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 8.2015, ông lại vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Có thể bạn quan tâm
Đánh giá từ cơ quan chức năng thì nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về dịch bệnh. Những rủi ro này một phần nguyên nhân do nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được về nguồn giống, từ số lượng đến chất lượng giống. Trước thực trạng đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm, nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất giống hiện có trên địa bàn tỉnh là giải pháp cho việc giải bài toán về con giống cho nghề nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Ngày 24/7/2015, tại hội trường UBND xã Ngũ Lạc - huyện Duyên Hải, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh kết hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học về kỹ thuật sản xuất lươn giống và nuôi lươn thương phẩm cho gần 50 bà con nông dân ở hai huyện, Duyên Hải và Cầu Ngang. Tham gia buổi hội thảo có ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Duyên Hải.
Cách đây 10 năm, nhận thấy heo rừng dễ nuôi, nguồn thức ăn cho chúng chủ yếu từ thiên nhiên, cựu chiến binh Chung Văn Tuấn, ngụ xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chọn nuôi và ông đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi này.
Với mong muốn được bảo tồn loài vật nuôi truyền thống của người H’re, Chủ tịch UBND xã Ba Vinh (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã lặn lội khắp nơi tìm từng con gà Re về nhân giống. Kết quả bước đầu mang lại hiệu quả ngoài mong đợi với số lượng đàn gà lên đến hàng trăm con, khỏe mạnh và phát triển tốt.
Đây là hợp đồng bảo hiểm tàu cá đầu tiên theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân được cơ quan bảo hiểm bồi thường.