Trở Ngại Đầu Ra Lúa Hè Thu Ở Hậu Giang
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bước vào thu hoạch vụ lúa Hè thu năm 2013. Tuy năng suất có tăng hơn so năm trước nhưng giá lại giảm mạnh, trong khi chi phí sản xuất cao khiến áp lực đè nặng trên đôi vai người nông dân.
Giá lúa giảm
Ông Phạm Văn Y, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đang thu hoạch 1,1ha lúa nhưng rất buồn rầu vì giá khá thấp. Ông Y cho biết: “Tuần trước, lúa IR 50404 được thương lái thu mua 4.050 - 4.200 đồng/kg, nay chỉ còn 3.800-3.950 đồng/kg, lúa đẹp và cắt máy, còn lúa xấu, cắt tay có giá 3.300 - 3.400 đồng/kg. Với giá này, người trồng lúa lợi nhuận rất ít”.
Vụ Hè thu này, gia đình ông Y canh tác 2,2ha lúa, giống IR 50404. Chỉ mấy ngày trước, ông đã thu hoạch được phân nửa diện tích, năng suất đạt 8 tấn/ha, tăng gần 500kg so với cùng kỳ, giá bán 4.050 đồng/kg, thì nay giảm còn 3.800 đồng/kg. Theo tính toán của ông Y, chi phí cho mỗi héc-ta lúa vụ này từ 17-18 triệu đồng, với giá như hiện nay, lợi nhuận chỉ còn khoảng 7-8 triệu đồng/ha. Trong khi đó, một vụ sản xuất phải mất đến 3 tháng chăm sóc mới thu hoạch. Tính ra, mỗi tháng thu nhập của gia đình chưa được 1 triệu đồng, số tiền này không đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.
Ngoài chuyện giá cả, vụ lúa này nông dân còn phải đối mặt với áp lực về công thu hoạch, lò sấy (nếu không bán được lúa tươi) rất lớn, vì luôn gặp bất lợi về thời tiết. Những ngày qua, tại Hậu Giang đã xuất hiện một số trận mưa lớn, làm cho nhiều diện tích lúa bị sập nằm sát mặt đất, không thể thu hoạch bằng máy mà chuyển sang cắt bằng tay với giá “cắt cổ” và rất khó bán. Ông Nguyễn Văn Khải, ở cùng ấp 11, xã Vị Trung, lo lắng: “Gia đình tôi có 5 công lúa bị sập hoàn toàn vì mưa và phải mướn nhân công thu hoạch bằng tay. Nếu cắt máy giá chỉ 300.000 đồng/công, còn cắt tay thì giá tăng lên gấp đôi và rất khó bán. Bởi, hiện thương lái chỉ tìm mua lúa thu hoạch bằng máy, còn cắt tay nếu có mua chỉ ở mức giá thấp (3.300 đồng/kg). Mặc dù giá thấp, không có lời nhưng gia đình cũng bóp bụng bán, vì chở về nhà không có sân phơi, càng để lâu lúa càng lên mộng, lúc đó còn lỗ hơn”.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích lúa gieo sạ đợt 1 vụ Hè thu năm 2013 của tỉnh khoảng 36.000ha, chủ yếu ở các huyện Châu Thành A, Vị Thủy và Phụng Hiệp. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được hơn 200ha, dự kiến, khoảng giữa tháng 6 sẽ dứt điểm. Hiện, những hộ thu hoạch sớm đều đạt năng suất hơn 5 tấn/ha. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra đang là mối quan tâm lớn của nông dân cũng như ngành chức năng. Nếu tình hình tiêu thụ lúa không được cải thiện thì khi vào vụ thu hoạch rộ nông dân sẽ càng gặp khó khăn hơn. “Là nông dân chỉ biết trông chờ vào hạt lúa, nhưng khi làm ra lại không bán được hoặc giá quá thấp thì lấy đâu chi trả tiền đầu tư cả vụ cũng như chi phí sinh hoạt gia đình…” - ông Khải chia sẻ.
Ít thương lái thu mua
Trong khi lúa Đông xuân vụ vừa qua chưa thể tiêu thụ hết thì nhiều nơi lúa Hè thu đã cho thu hoạch dẫn đến tình trạng tuy mới vào đầu vụ nhưng giá lúa liên tục xuống thấp, lại có rất ít thương lái thu mua. Ông Phạm Thanh Hải, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho biết: “1,2ha lúa của tôi đã lấy tiền cọc 3,6 triệu đồng trước của thương lái gần 10 ngày, với giá bán 4.100 đồng/kg. Hiện lúa đã thu hoạch xong, nhưng gọi điện thoại nhiều lần mà “cò lúa” không nghe máy. Tôi đã nhờ người đi tìm nhưng họ hứa hết ngày này rồi đến ngày khác mà chẳng thấy đâu. Với tình hình giá lúa đang xuống như hiện nay, tôi sợ họ sẽ bỏ luôn tiền cọc”.
Theo nhiều nông dân, do giá lúa liên tục sụt giảm nên cánh thương lái mua lúa cũng giảm dần. Nếu vào khoảng nửa tháng trước, khi thu hoạch lúa đến đâu là bà con bán xong lúa tươi đến đó, vì thương lái vào tận ruộng thu mua. Còn bây giờ, nếu muốn bán lúa thì phải kiếm thương lái đặt cọc trước 3 ngày mới dám đem máy vào cắt, còn thu hoạch theo ý mình thì phải chở lúa về nhà phơi. Chính vì vậy, nhiều diện tích lúa tuy đã chín vàng đồng nhưng vẫn nằm chịu trận, trường hợp thời tiết thuận lợi thì đỡ lo lắng, nếu gặp mưa sẽ gây đổ ngã làm thất thoát cho nông dân.
Ông Khải cho biết thêm: “Sở dĩ bà con phải nhận tiền cọc của thương lái trước là vì muốn lúa mình làm ra chắc ăn có nơi tiêu thụ. Nếu chở về nhà thì không có điều kiện để phơi, còn đưa ra lò sấy thì chủ lò không nhận, bởi toàn bộ lò sấy đã được các thương lái bao. Đây cũng là nguyên nhân khiến thương lái ép giá, do đó nông dân mong muốn bán lúa được càng sớm càng tốt”.
Nguyên nhân giá lúa giảm được cánh thương lái cho rằng, do lượng lúa vụ Đông xuân vừa qua còn tồn đọng trong dân khá nhiều, đặc biệt, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp từ đợt mua tạm trữ vừa qua cũng khá lớn, nên doanh nghiệp hạn chế mua vào trong thời điểm này. Điều này dẫn đến nghịch lý là giá lúa giảm mạnh ngay khi chưa vào chính vụ. Theo kế hoạch của Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang, vụ lúa Hè thu 2013, công ty thu mua khoảng 20.000 tấn lúa. Dự kiến, khoảng một tuần nữa công ty mới bắt đầu thu mua lúa cho dân.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Thời gian qua, các công ty kinh doanh lúa gạo chủ yếu xuất khẩu gạo 25% tấm nên thương lái đi thu gom lúa IR 50404 là chính. Do đó, nông dân làm lúa chất lượng cao như Jasmine 85, OM 4900… rất khó tiêu thụ. Sở đang chỉ đạo các địa phương thống kê lại số lượng cụ thể, để tìm hướng giải quyết, nhằm giảm bớt áp lực cho nông dân.
Vụ Hè thu này, Bộ NN&PTNT đang dự thảo văn bản đề xuất với Chính phủ cho chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (chiếm khoảng 30% sản lượng lúa hàng hóa vụ Hè thu của vùng ĐBSCL), thời gian thu mua tạm trữ bắt đầu từ ngày 15/6 đến 15/8. Tuy nhiên, hiện nay nông dân Hậu Giang đã thu hoạch lúa Hè thu và giá lúa đang xuống thấp, vì vậy trong đợt mua tạm trữ này xem ra nhiều nông dân tỉnh nhà không được hưởng lợi…
Vụ lúa Hè thu năm nay nông dân thành phố Vị Thanh xuống giống 3.541ha, tăng hơn kế hoạch 341ha. Hiện đã thu hoạch hơn 70ha, năng suất bình quân 5,19 tấn/ha. Giá lúa tươi thương lái mua tại ruộng ở mức thấp, 3.800 - 4.000 đồng/kg.
- Đến thời điểm này, huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch được 260ha lúa Hè thu trên tổng diện tích 19.500ha. Năng suất lúa bình quân đầu vụ từ 5,5-6,1 tấn (tương đương vụ Hè thu năm rồi). Giá lúa bán tại ruộng hiện nay dao động từ 3.800-4.100 đồng/kg. Khoảng 10-15 ngày tới, Phụng Hiệp sẽ vào vụ thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu.
- 350/16.400ha lúa Hè thu ở huyện Vị Thủy đã thu hoạch, năng suất đạt 5,7 tấn/ha, tăng hơn 100kg so với Hè thu năm trước. Thời điểm này, giá lúa không chỉ thấp mà còn giảm so với đầu vụ. Cụ thể, lúa IR 50404 hiện ở mức 3.800 - 4.000 đồng/kg, giảm gần 200 đồng/kg, thậm chí có nơi không có thương lái đến thu mua.
- Hơn 9.100ha lúa Hè thu trên địa bàn huyện Châu Thành A đang ở giai đoạn trổ, chín, thu hoạch. Đến nay, nông dân đã thu hoạch hơn 300ha (tập trung nhiều ở thị trấn Bảy Ngàn, xã Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa), năng suất trà lúa sớm này khá cao, 6,1 tấn/ha. Giá lúa đầu vụ không cao mà còn có xu hướng giảm, hiện còn 4.000 đồng/kg lúa IR 50404 tươi cắt máy (giảm 200 đồng). Đáng lo là những hộ thu hoạch lúa bằng tay khó tiêu thụ.
- Đến thời điểm này, nông dân huyện Long Mỹ đã thu hoạch 45ha lúa Hè thu, tập trung ở các xã Thuận Hưng, Thuận Hòa và Xà Phiên, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Giá lúa tươi thương lái mua tại ruộng ở mức thấp. Cụ thể, lúa IR 50404 đang ở mức 3.500 - 3.700 đồng/kg, lúa OM 5451 được mua ở mức 4.200 - 4.400 đồng/kg. Tùy theo lúa sập hay đứng mà công cắt tay có giá từ 300.000-400.000 đồng/công; giá cắt bằng máy gặt đập liên hợp từ 280.000 - 300.000 đồng/công. Hiện nay, trong diện tích trên 25.700ha lúa Hè thu xuống giống có gần 10.500ha ở trong giai đoạn trổ - chín. Dự kiến trong 10 ngày tới, huyện Long Mỹ sẽ bước vào thu hoạch rộ lúa Hè thu năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Nấm Linh chi là loại nấm dược liệu, có giá trị phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với các loại nấm ăn, những năm gần đây nghề trồng nấm Linh chi phát triển khá mạnh ở tỉnh Ninh Bình, người dân đã đưa vào hàng nghìn tấn nguyên liệu sản xuất mỗi năm.
Ít cả đất lẫn vốn nhưng vẫn có thể làm giàu nhờ trồng xen các loại cây trên cùng một diện tích. Đó là cách làm của nhiều nông hộ ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) và ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước). Cách làm này vừa giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, hỗ trợ các loại cây cùng phát triển, vừa cho lợi nhuận cao, giảm được nỗi lo thất mùa, mất giá.
Sóc Trăng hiện có tổng đàn bò hơn 26.500 con, trong đó có 6.400 con bò sữa và hơn 90% được nuôi ở mô hình nông hộ; Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm đặc biệt, yếu tố chất lượng chính là đòi hỏi bắt buộc.
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Liễu Đô (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Nông dân Hoàng Văn Cát là một trong những người như thế.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP được mở rộng, hiệu quả sản xuất chăn nuôi được nâng cao. Đó là kết quả quan trọng của Chương trình phối hợp về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phía Bắc.