Nông Dân Vàng Mắt Trước Mùa Thu Hoạch Cao Su
Mùa thu hoạch cao su đã đến nhưng hầu hết các hộ dân vẫn băn khoăn có nên tái đầu tư để mở miệng cạo hay không. Giá mủ hiện đã xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua, dao động từ 280 đến 330 đồng/độ.
Theo khảo sát sơ bộ, đến ngày 20-5, giá mủ chung tại Bình Phước chỉ khoảng 290 đồng/độ. Với giá này, tiền thu mủ không đủ trả công cạo, chưa tính đến đầu tư phân bón, chăm sóc vườn cây...
Nhiều vườn cao su hiện đã 7 năm tuổi, chu vi hơn 60cm vẫn chưa được thu hoạch - trong khi bình thường chỉ cần 45-50cm là có thể mở miệng cạo
Bình Phước 10 năm trở lại đây, diện tích trồng cao su tăng đột biến. Từ năm 2002 đến 2012, giá cao su ổn định và tăng dần sau mỗi kỳ khai thác. Nhờ cao su được giá, kinh tế người dân phát triển mạnh, cuộc sống sung túc hơn. Nhưng 2 năm trở lại đây, “đời không còn như mơ” với các chủ vườn cao su nữa.
Ngao ngán trước mùa thu hoạch
So năm 2012, giá mủ cao su tại thời điểm này đã giảm gần 70%. Năm 2013, thời điểm đầu vụ khai thác giá 1kg mủ nước khoảng 450 đồng/độ, sau đó giảm còn 400 đồng, cuối mùa chỉ còn 350 đồng/độ. Năm nay, bắt đầu vào vụ khai thác nhưng giá chỉ dao động từ 280 đến 300 đồng/độ. Vì thế, thời điểm này các vườn cao su tiểu điền ở Phước Long, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú vẫn chưa thu hoạch. Bởi lẽ, nếu mở miệng cạo là đồng thời với đầu tư phân bón, kiềng máng và chuẩn bị nhân công. Tuy nhiên, với giá mủ hiện nay, tiền thu không đủ phí cạo.
Ông Lê Văn Việt có 3 ha cao su ở thôn 7, xã Long Giang (TX. Phước Long) cạo năm thứ 4, đến thời điểm này vẫn chưa chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Việt cho biết: “Năm ngoái giá thấp, đầu mùa hơn 450 đồng/độ, giữa mùa còn 300 đồng/độ nhưng vẫn cạo vì còn đủ trả tiền thuê người cạo, dư một ít chi tiêu cho gia đình. Năm nay, giá quá thấp mà giá thuê người làm vẫn tăng, hiện khoảng 5-6 triệu đồng/tháng/người.
Với giá mủ chưa tới 300 đồng/độ mà thuê người cạo thì chẳng thu được đồng nào”. Ông Việt băn khoăn giá mủ đầu mùa năm nay thấp như vậy, không biết giữa mùa sẽ như thế nào, chưa kể bỏ phân chăm sóc cây trước mùa thu hoạch phải 4,5 triệu đồng/tấn/3 ha.
Với những “đại gia cao su”, giá xuống 2 năm liền chưa thể “gục ngã” được, họ chấp nhận đóng miệng cạo, không thu hoạch, để dưỡng cây và hạn chế bù lỗ trả lương công nhân. Nhưng với hàng ngàn nông dân - chủ các vườn cao su nhỏ lẻ, giấc mơ “vàng trắng” đã khiến họ trở nên “vàng mắt” tự lúc nào!
Chặt cao su và… không biết trồng cây gì!
Cách đây 5 năm là thời kỳ đỉnh điểm của giá mủ cao su, nhiều người dân đã chạy theo phong trào chuyển đổi canh tác, cưa điều, tiêu, cà phê và trồng cao su với mong muốn đổi đời. Kéo theo đó là hàng loạt khâu đầu tư cho vườn cao su đội giá lên, như: Công lao động, cây giống, phân bón, thuốc trị bệnh... Và sau 2 năm, giá cao su liên tục lao dốc, rất nhiều nông dân tiếp tục nghĩ đến chuyện “chuyển đổi cây trồng” bằng cách... cưa vườn cao su để tìm kiếm loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Long ở thôn Bình Đức 2, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập). Gia đình ông Long vừa cưa 1 ha cao su đang cho thu hoạch để trồng điều và bơ. Ông Long trải lòng: Khó thì cũng đã khó rồi nên bỏ thêm 3 năm nữa sẽ được thu hoạch điều và bơ. Ngồi chờ cao su lên giá không biết đến khi nào!
Cũng như ông Long, rất nhiều nông dân đã quyết định cưa vườn cao su để trồng cây khác. Nhiều vườn cao su già vẫn có thể thu hoạch thêm vài năm, nhưng đã bị thanh lý sớm để trồng điều. Ông Nguyễn Văn Tuấn ở đội 3, xã Bình Tân (Bù Gia Mập) vừa cưa 2,8 ha cao su có thể cho thu hoạch thêm 5 năm nữa để trồng điều và mít.
Ông giải thích: “Nếu giữ lại vườn cao su cũng chẳng được bao nhiêu, không bõ công cạo nên thanh lý sớm. Tôi mua giống mít mới về trồng, chỉ một năm là cho thu hoạch, trồng xen trong vườn điều. Đến lúc cả 2 cây cùng cho thu, chắc chắn sẽ cao hơn cao su”.
Ông Trịnh Văn Hưng ở đội 9, xã Đa Kia (Bù Gia Mập) có 7 sào đất 6 năm trước là điều đang cho thu hoạch, ông Hưng đã cưa đi để trồng cao su. Nay cao su đến kỳ thu hoạch, giá mủ lại quá thấp nên ông Hưng đang không biết phải “xử lý” thế nào. Ông không biết nên giữ, hay lại cưa bỏ để trồng cây khác! Nhiều gia đình ở Bù Gia Mập, Bù Đăng, Hớn Quản không biết phải trồng cây gì nhưng vẫn cưa vườn cao su.
Công nhân cao su cũng “khóc”
Những năm qua, các công ty cao su đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu cho hàng ngàn công nhân. Nay giá cao su xuống thấp, đời sống công nhân cũng xuống theo.
Có chồng làm công nhân trong Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, chị H.T. Hương ở xã Bình Sơn (Bù Gia Mập) chia sẻ: “Lương chồng tôi năm nay giảm nhiều, hiện chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Để bảo đảm suất cạo được giao, tôi phải phụ chồng mỗi đêm. Nếu tính cho 2 người, thì thu nhập như vậy là thấp. Nhiều người đã xin nghỉ việc để kiếm công việc khác như thợ xây, công nhân chẻ hạt điều...”.
Có thể bạn quan tâm
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng (tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian giảm nhẹ. Nhiều hộ dân nhờ giá tôm tăng mạnh đã thu bạc tỉ chỉ trong thời gian 2-3 tháng thả nuôi với loại tôm thẻ chân trắng.
Nuôi dê từ năm 2004, dù bị nhiều thất bại, nhưng chị Bùi Thị Lượm, ngụ tổ 3, ấp Mỹ Hòa, xã Song Thuận (Châu Thành - Tiền Giang) vẫn không nản chí, kiên nhẫn gắn bó với nghề. Đến nay, chị là 1 trong những người nuôi dê nhiều nhất xã.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài cơ sở “Khảo sát đặc tính thích nghi, khả năng sinh trưởng và đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình chăn nuôi gà tàu vàng tại xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên”, do Thạc sĩ Trần Hiếu Thuận-Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên làm chủ nhiệm.
So với những địa phương khác, Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nghề chăn nuôi heo, vì có nhiều lợi thế của một tỉnh nông nghiệp. Khổ nỗi, nghề chăn nuôi lâu nay vẫn chưa giúp nông dân làm giàu, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với việc thua lỗ khi vật nuôi gặp nhiều rủi ro, dịch bệnh.
Huyện Long Thành hiện có 140 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, bao gồm 119 trại chăn nuôi heo với tổng đàn là 56 ngàn con và 21 trại nuôi gà với tổng đàn 631 ngàn con, trong đó một số trang trại nằm xen lẫn với khu dân cư. Vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi có diện tích 156 hécta tại 3 ấp 7, 8 và Suối Cả, xã Bàu Cạn. Cụm giết mổ tập trung được bố trí tại ấp Xóm Trầu (xã Long An) và ấp 5 (xã Long Phước) theo công nghệ hiện đại.