Triệu Phú Tuổi 24
Không rõ câu nói “Thành công không đợi tuổi” của ai, song tôi thấy rất đúng với chàng trai xứ cọ Nguyễn Minh Đăng (sinh năm 1989, ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông, Phú Thọ).
Tuy mới 24 tuổi, nhưng Đăng đã sở hữu một trang trại rộng lớn, 10 lồng nuôi cá, 2 xưởng gạch xi và một công ty sản xuất nước đóng bình.
Ý tưởng táo bạo
Từ lời giới thiệu của lãnh đạo xã Quang Húc, chúng tôi tìm tới trụ sở Công ty Nước đóng bình Minh Anh, doanh nghiệp mới thành lập đóng trên địa bàn xã. Tiếp chúng tôi là một thanh niên trẻ măng, khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt sáng. Khi anh tự giới thiệu mình là Nguyễn Minh Đăng - Giám đốc công ty, đồng thời là chủ trang trại, chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Đăng cho biết mình sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có 2 anh em, sau khi tốt nghiệp THPT, anh nộp hồ sơ dự thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) nhưng không đỗ. Chán nản, thất vọng nhưng anh không có ý định ôn để năm sau thi lại mà ngay năm đó, Đăng nộp hồ sơ theo học Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, và hiện Đăng vẫn đang tiếp tục học liên thông lên đại học.
Ngay từ thời gian đầu học cao đẳng, Đăng đã có ý tưởng làm kinh doanh. Trong một lần về quê thăm gia đình, Đăng nhận thấy sự đi lại khó khăn giữa 2 khu dân cư A và B của xã Quang Húc, do 2 khu bị ngăn cách nhau bởi con sông Bứa hiền hòa, bao đời nay người dân hai bên sông phải qua lại, giao lưu buôn bán bằng đò ngang. Trong khi đó, kinh tế ngày càng phát triển, những chuyến đò ngang không thể đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của bà con nhân dân.
Chứng kiến điều đó, Đăng trở về trường với rất nhiều trăn trở, rồi một suy nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu: Nếu xin làm một cây cầu để cho bà con đi lại và thu phí, chẳng phải vừa thuận tiện cho người dân, vừa có thể thu lợi nhuận hay sao?
Mang suy nghĩ ấy về nói chuyện với bố mẹ, ban đầu bố mẹ Đăng không đồng ý, muốn anh chuyên tâm học hành, vả lại, làm một cây cầu đâu có dễ, trong khi điều kiện kinh tế gia đình cũng không phải là dư dả.
Đăng trở về trường, nhưng vẫn không thôi suy nghĩ về dự định của mình, anh tìm tài liệu, nghiên cứu học hỏi và vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ ủng hộ ý tưởng táo bạo của mình. Trước sự quyết tâm và vẻ tự tin của con trai, cuối cùng bố mẹ Đăng cũng đồng ý.
Ngay lập tức, Đăng tìm đến UBND xã xin ý kiến, dĩ nhiên lãnh đạo xã không mấy tin tưởng vào khả năng của Đăng, dù lúc đó xã cũng nhìn ra những hạn chế trong việc đi lại của 2 khu dân cư và cũng muốn xây một cây cầu tạm, song xã không có kinh phí thực hiện. Thấy vậy, Đăng kiên trì thuyết phục lãnh đạo xã chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng một cây cầu sắt theo ý tưởng của mình.
Đi lại gặp gỡ nhiều lần, đến khi được lãnh đạo xã ủng hộ thì lại một khó khăn mới nảy sinh với anh, ấy là kiếm đâu ra vốn để làm cầu? Với sự tự tin chắc thắng trong tay, Đăng mượn họ hàng, bạn bè được 400 triệu đồng, rồi bố mẹ cũng vay ngân hàng giúp Đăng thêm 600 triệu đồng, vậy là Đăng bắt tay vào xây cầu sắt bắc qua sông Bứa với số vốn 1 tỷ đồng. Sau 3 tháng thi công khẩn trương, cây cầu đã hoàn thành trong sự mong đợi của bao người, khi đó, Đăng tròn 22 tuổi.
Nghề gì cũng cần công phu
Hiện nay, số phí thu được từ cây cầu bắc qua sông Bứa đạt khoảng 25 triệu đồng/tháng. Có thể nói, cây cầu sắt đó cũng chính là điểm khởi đầu cho quá trình làm kinh tế đầy mạo hiểm của chàng trai trẻ Nguyễn Minh Đăng. Theo đó, nhằm tận dụng tốt mặt nước của con sông Bứa hiền hòa, Đăng thử nuôi cá lồng.
Ban đầu, Đăng chỉ thả 1-2 lồng, về sau khi đã đúc rút được kinh nghiệm, Đăng tăng quy mô nuôi lên 10 lồng với hàng tấn cá thịt, chủ yếu là những loại đặc sản cho giá trị kinh tế cao như cá lăng, nheo, trắm đen.
Giữa năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh đã đến thăm và biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của Nguyễn Minh Đăng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chàng trai trẻ tự tin cho biết mình sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm những cơ hội mới, với hoài bão làm giàu cho quê hương.
Đăng cho biết: Muốn thành công thì nghề nào cũng cần chăm chỉ chịu khó, riêng nghề nuôi cá lồng thì lại càng công phu hơn. Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm được đặc điểm sinh học của các loại cá cũng như cách phòng trị bệnh, tôi thất bại liên tục, có vụ nuôi 3 lồng chết trắng cả 3 mà không rõ nguyên nhân.
Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi mới biết cá chết hàng loạt là do nước thải sinh hoạt của các hộ dân phía thượng nguồn đổ ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Tôi bèn làm sạch các lồng cá, tách dòng, tạo nguồn nước sạch cho cá, nhờ vậy mà có thu hoạch.
Ngoài nuôi cá lồng, Đăng còn xây dựng một hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín để nuôi gia súc, gia cầm nhằm đa dạng hóa nguồn thu, tận dụng tốt diện tích đất vốn có của gia đình. Hiện nay, trang trại của anh đang nuôi lợn cỏ, lợn rừng, với tổng số đầu lợn thịt hơn 100 con, chưa kể lợn bố mẹ. Ngoài ra, Đăng còn nuôi 50 con trâu, bò và xây một hệ thống chuồng trại biệt lập khác để nuôi gia cầm với 200 con gà, 300 vịt cỏ thả ở sông và khoảng 100 con ngan.
24 tuổi, sở hữu một “cơ ngơi” có thể gọi là hoành tráng, vậy mà Đăng vẫn không bằng lòng mà muốn tiếp tục thử sức với một lĩnh vực khác. Sau một thời gian tìm hiểu, nghe ngóng nhu cầu thị trường, anh bắt tay vào xây dựng 2 xưởng gạch xi nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con địa phương.
Đăng cũng đề ra 2 tiêu chí cạnh tranh hàng đầu: Chất lượng và uy tín. Thật đáng mừng là gạch làm ra đến đâu bán hết ngay đến đó, nhiều người ở các xã, huyện lân cận cũng tìm đến xưởng gạch của Đăng đặt mua, ai cũng ấn tượng trước một ông chủ trẻ xởi lởi, nhiệt tình.
Thành công cứ thế đến với chàng thanh niên dám nghĩ dám làm. Bên cạnh xưởng gạch, Đăng còn bỏ vốn đầu tư khai thác nước giếng khoan đảm bảo chất lượng rồi xử lý an toàn theo quy định, sau đó đóng bình tung ra thị trường. Để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này theo hướng chuyên nghiệp, anh đã thành lập Công ty TNHH Minh Anh, trụ sở đóng tại khu 7, xã Quang Húc.
Sau khi trừ chi phí, ước tính các hoạt động kinh doanh trên mang về cho Đăng khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm. Vừa làm giàu cho bản thân, Đăng còn tạo việc làm cho 60 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu trang trại, khu nuôi cá, rồi xưởng gạch, và một công ty sản xuất nước đóng bình, thấy anh say sưa kể về những gì đã làm được, tôi thầm nghĩ chàng trai này sẽ còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa, tất cả là nhờ mồ hôi, công sức, sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của anh mà ra.
Có thể bạn quan tâm
Việc chăm sóc, khai thác vườn cây cao su (CS) chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ, năng suất vườn cây. Để cho vườn cây phát triển ổn định, người trồng CS Bình Dương cần phải tiếp tục được tập huấn để sản xuất hiệu quả hơn.
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các hội, đoàn thể ở xã Phụ Khánh (huyện Hạ Hoà, Phú Thọ) đã vận động, định hướng cho nông dân thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, mô hình trồng mít Thái Lan siêu sớm được Trạm khuyến nông huyện Hạ Hoà đã tổ chức thực hiện đã đạt kết quả và đang được nhân rộng, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Theo UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 10 tháng đạt 7.400 tấn; cả năm ước đạt 9.000 tấn, trong đó: khai thác thuỷ sản ước đạt 3.700 tấn, bằng 100% kế hoạch; nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5.300 tấn, bằng 100% kế hoạch.
Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè nằm ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với nửa tháng trước và giảm gần 8.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục 44.000 đồng/kg được xác lập vào cuối tháng 7 vừa qua. Với giá cá hiện nay, người nuôi cá điêu hồng vẫn có lãi 30 - 35 triệu đồng/bè, nhưng họ ngại thả giống do giá cá liên tục giảm trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Giá thành thức ăn chiếm từ 65% đến 80% trong giá thành sản xuất nuôi trồng thủy sản nhưng ngành công nghiệp chế biến thức ăn của nước ta đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài, song vấn đề kiểm soát chất lượng đang bị buông lỏng, gây thiệt hại rất nhiều cho nông dân.