Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triệu Phú Cam Sen

Triệu Phú Cam Sen
Ngày đăng: 09/09/2014

Không nuôi trồng thuỷ sản hay trồng rừng để phát triển kinh tế như phần đông người dân ở Bản Sen (Vân Đồn - Quảng Ninh) vẫn lựa chọn, chàng thanh niên Kiều Văn Tuấn, sinh năm 1986 lại mạnh dạn đặt niềm tin vào nghề trồng cam Sen đang mai một ở địa phương...

Bằng nỗ lực, chăm chỉ học hỏi, niềm tin vào cây đặc sản của vùng đất đã đưa chàng thanh niên đầy quyết tâm, giàu ý tưởng thành một nhà nông trẻ thành đạt, một triệu phú cam Sen ở đất Vân Đồn.

Đến thôn Nà Na, xã Bản Sen, chúng tôi gặp Tuấn đang chăm sóc vườn cam Sen đặc sản tươi tốt giữa núi đồi xã đảo. Tuấn có dáng thư sinh, da ngăm đen, đặc biệt đôi mắt sáng và vẻ chững chạc hơn tuổi 28 rất nhiều. Thắc mắc về biệt danh “triệu phú” bạn bè đặt cho, Tuấn khiêm tốn chia sẻ: “Đó mới là thành quả bước đầu. Để thành triệu phú với trang trại cam lớn còn rất xa... nhưng đó là ước mơ của mình”.

Tốt nghiệp cấp 3, điều kiện gia đình không cho phép, Tuấn gác lại ước mơ vào đại học, rời xã đảo nghèo đi làm thuê, kiếm kế sinh nhai. Ròng rã suốt gần 3 năm tìm việc khắp nơi trong và ngoài tỉnh, Tuấn nhận ra, làm thuê với thu nhập vài triệu đồng/tháng có tằn tiện cũng chỉ đủ trang trải chi phí cho sinh hoạt cá nhân. “Xã Bản Sen, Vân Đồn vốn nức tiếng với giống cam Sen đặc sản.

Vậy thì tại sao mình không thể làm giàu ngay trên quê hương với nghề trồng cam truyền thống?” - Tuấn đã tự hỏi vậy khi về thăm quê thấy đắng lòng với nghề trồng cam đang ngày càng mai một. Từ trăn trở ấy, năm 2005, Tuấn quyết định lập nghiệp trên quê hương với ý tưởng phát triển cây cam đặc sản.

Thời điểm đó, cây cam dường như bị lãng quên, khi người dân địa phương chỉ chú trọng phát triển trồng rừng và nuôi trồng thuỷ sản... “Lúc quyết định chặt rừng keo, dọn đồi, vườn vải, trồng cam, gia đình, bố mẹ phản ứng dữ dội lắm bởi trồng cam không hiệu quả.

Sau một thời gian dài thuyết phục, phân tích hiệu quả kinh tế và đầu ra thuận lợi, so sánh giá trị kinh tế cây cam với sự phát triển giảm dần của cây keo, bạch đàn, bố mẹ mình dần đồng ý. Trồng cam cũng chính là tiếp nối nghề của ông, bà trên chính mảnh đất của tổ tiên” - Tuấn chia sẻ thêm.

Bắt tay vào làm, Tuấn gặp không ít khó khăn vì đất cằn cỗi, cỏ dại mọc um tùm... Hơn nữa, lưng vốn khi ấy Tuấn chỉ có 5 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Để có tiền mua cây giống, Tuấn đã phải tự tìm cách giảm chi phí bằng việc sử dụng nguồn phân bón từ việc gom phân bò, trâu trộn với phân tổng hợp.

Đồng thời, để “nuôi” ước mơ cam Sen của mình trong thời gian chờ đợi cam cho thu hoạch (một gốc cam Sen trưởng thành cho quả phải mất 3-5 năm), Tuấn còn phải đi làm thêm đủ nghề “lấy ngắn nuôi dài”.

Cam Sen cũng là loại cây “khó tính” thường xuyên mắc các loại bệnh sâu, muội... nên có giai đoạn, vườn cam 200 gốc, Tuấn dầy công gây dựng sinh trưởng chậm, có nguy cơ thất bại. “Lúc đó, mình xót xa lắm nhưng cũng phải tự động viên, chịu khó đi tìm hiểu, học hỏi những người có kinh nghiệm, các bậc cao niên đã từng gắn bó với cây cam để “chữa bệnh” cho cây...”.

Nhờ vậy, Tuấn đã dần tích luỹ được kinh nghiệm trong chăm sóc cam. Năm 2009, những cây cam đầu tiên trong vườn bắt đầu bói quả trước sự vui mừng khôn xiết của Tuấn.

Được chăm sóc tốt, vườn cam đã cho những trái cam đẹp, bóng, vàng ươm. Đến mùa thu hoạch, cam của Tuấn được thương lái tới tận vườn thu mua với giá cao. Năm 2010 vụ thu hoạch đầu tiên đã mang lại cho Tuấn 200 triệu đồng.

Những vụ sau đó, mức thu nhập này vẫn được đều đặn duy trì, giúp Tuấn trả nợ ngân hàng, đầu tư mở rộng thêm nhiều gốc cam. Tuy phải vất vả lắm mới có được thành công nhưng Tuấn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ bè bạn, bà con kinh nghiệm chăm sóc cam.

Tuấn chia sẻ: “Mình luôn muốn mở rộng quy mô thành một trang trại trồng cam để tận dụng thế mạnh của địa phương”. Và thực hiện ước mơ đó, đến nay Tuấn đã phát triển được trên 2ha vườn cam với gần 1.000 gốc. Mô hình vườn cam của Tuấn đã liên tục được chọn và bầu là Mô hình thanh niên tiêu biểu.


Có thể bạn quan tâm

Lão nông mang đàn giời ơi về nuôi, cả thôn mắt tròn mắt dẹt Lão nông mang đàn giời ơi về nuôi, cả thôn mắt tròn mắt dẹt

Thấy ông Vũ Đình Thu (SN 1950) mang một đàn vịt trời giống về nuôi, cả thôn Nại Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện – Hải Dương) mắt tròn, mắt dẹt kéo đến xem.

07/09/2015
Hàng nông sản đặc biệt tại ngày hội thi đua của nhà nông Hàng nông sản đặc biệt tại ngày hội thi đua của nhà nông

Hàng chục sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ nổi tiếng khắp các vùng miền thu hút rất nhiều đại biểu ghé thăm.

07/09/2015
Tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển thuỷ sản Tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển thuỷ sản

Ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng họp chỉ đạo một số sở, ngành tỉnh, huyện liên quan xúc tiến đầu tư các dự của Công ty TNHH MTV Việt - Úc trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Việt - Úc xin đầu tư 4 dự án gồm: Ðầu tư xây dựng khu sản xuất tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ tại đảo Hòn Khoai; Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung (giai đoạn II) và trung tâm giống cấp I tại huyện Ngọc Hiển; Nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản tại Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.

07/09/2015
Dấu ấn từ một mô hình kinh tế Dấu ấn từ một mô hình kinh tế

Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.

07/09/2015
Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt! Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

07/09/2015