Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triệu Phong Phát Triển Diện Tích Lúa Chất Lượng Cao

Triệu Phong Phát Triển Diện Tích Lúa Chất Lượng Cao
Ngày đăng: 09/12/2014

Triệu Phong là một trong những vùng lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị với diện tích gieo cấy hàng năm gần 12.000 ha. Những năm qua, song song với sự phát triển nền kinh tế nông nghiệp vững chắc, việc xây dựng các cánh đồng lúa chất lượng cao (CLC) cũng đạt nhiều thành quả rõ rệt.

Nhân tố quyết định những thành quả này là nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề nguồn giống. Nhờ vậy, năng suất cũng như chất lượng của các vùng chuyên canh lúa không ngừng được tăng lên, từ bình quân 25 – 30 tạ/ha đến nay đạt trên 60 tạ/ha.

Hiện nay, đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện đã được cải thiện nhiều so với trước. Do vậy, sản xuất lương thực không chỉ đảm bảo số lượng mà chất lượng gạo cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản phẩm mang tính hàng hóa.

Theo đó, công tác khảo nghiệm, tuyển chọn các giống lúa CLC được huyện Triệu Phong thường xuyên chú trọng, đảm bảo lựa chọn những bộ giống thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đưa vào sản xuất. Trong những năm gần đây, huyện Triệu Phong đã chủ động liên hệ các đơn vị chức năng như Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty giống cây trồng Trung ương chi nhánh Bắc Miền Trung để tiến hành tuyển chọn những bố giống nguyên chủng đưa vào sản xuất, xây dựng vùng lúa nhân dân, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức các hội nghị đầu bờ, các đợt tập huấn về các giống lúa mới, nhằm tìm chọn những bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo tính hàng hoá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đó rút ra những kết luận ban đầu cho từng giống lúa để định hướng, nhân rộng tại các địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện sản xuất lúa CLC chiếm trên 70% diện tích canh tác. Trong đó, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như: Triệu Đông, Triệu Thuận, Triệu Trạch, Triệu Tài... với các loại giống lúa HC95, P6, Thiên Ưu, HT1, Ma Lâm, Khang Dân, OM6976, RVT, giống lúa không sử dụng phân bón hóa học...

Các giống lúa này vừa đáp ứng thay thế các giống lúa đã bị thoái hóa, năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém như IR38, CN2, vừa là cơ sở thực nghiệm để tiến hành tuyển chọn những bộ giống nguyên chủng đưa vào sản xuất, xây dựng vùng lúa nhân dân, chất lượng cao.

Đến nay, huyện Triệu Phong đã cơ bản loại bỏ được các giống lúa có năng suất, chất lượng thấp và đã hình thành tập quán sản xuất thâm canh lúa mang tính hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Theo chính quyền một số địa phương cho biết, các giống lúa này cho năng suất bình quân từ 65- 67 tạ/ ha. Chất lượng gạo thơm, ngon, có giá trị hàng hóa cao, được thị trường ưa chuộng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân An, xã viên HTX Bích La, Triệu Đông cho biết: “Sau nhiều năm HTX triển khai áp dụng các tiến bộ KHKT và đưa vào gieo cấy giống lúa CLC, gia đình tôi đã tiếp thu và đưa vào sản xuất. Tôi nhận thấy các giống lúa CLC áp dụng sạ hàng rất tốt cho năng suất cao, giá trị kinh tế hàng hóa bán ra rất dễ, không như những giống lúa trước đây rất khó khăn, giá cả bấp bênh...”.

Để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo và hướng dẫn người dân xây dựng các vùng lúa nhân dân. Huyện còn chú trọng cân đối diện tích và tiềm năng đất đai của từng vùng để bố trí sản xuất các giống lúa phù hợp.

Mặc dù năm nào trên địa bàn cũng xảy ra rét đậm, rét hại và hạn hán nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các ngành chức năng, chính quyền các cấp, các HTX nông nghiệp và kinh nghiệm trồng lúa, người dân đã tuân thủ thời vụ, khắc phục được những khó khăn về thời tiết. Bởi theo các nhà chuyên môn, áp dụng khung lịch gieo cấy phù hợp với quy trình sinh trưởng của cây lúa là nhân tố quyết định năng suất và chất lượng cây trồng.

Ông Bùi Xuân Nguyện, Chủ nhiệm HTX Linh An, Triệu Trạch cho biết: “HTX Linh An có tổng diện tích gieo cấy hàng năm 190 ha, trong đó lúa CLC chiếm trên 70%, chúng tôi bố trí giống lúa HT1, P6, trước khi triển khai đưa giống lúa CLC về chúng tôi khoanh vùng hướng dẫn áp dụng tiến bộ KHKT, cung ứng lúa cho xã viên từ đó khi đưa giống lúa CLC vào sản xuất, năng suất cao hơn, chất lượng gạo ngon hơn, sản lượng cao hơn, từ đó đời sống nhân dân được nâng cao”.

Ngoài việc tuyển chọn những bộ giống lúa mới thích hợp bổ sung cơ cấu cho những năm tiếp theo, Triệu Phong còn tổ chức thực hiện tốt các chương trình thâm canh như: 1 phải, 5 giảm; 3 giảm, 3 tăng... Nhờ vậy, Triệu Phong là một trong những đơn vị được tỉnh đánh giá cao về năng suất cũng như chất lượng lúa.

Việc áp dụng các tiến bộ KHKT để sản xuất lúa CLC đang là một hướng đi có hiệu quả tại huyện Triệu Phong. Với những kết quả đạt được, trong những năm tiếp theo, Triệu Phong đang hướng đến một nền nông nghiệp toàn diện mang tính hàng hóa cao.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=89165


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Chim Trĩ, Mô Hình Đầy Triển Vọng Ở Quảng Ngãi Nuôi Chim Trĩ, Mô Hình Đầy Triển Vọng Ở Quảng Ngãi

Với đàn chim trĩ gần 100 con, trong đó có 60 chim mái đang trong giai đoạn đẻ trứng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận mỗi năm từ việc bán con giống và chim trưởng thành ước từ 70 - 100 triệu đồng/năm.

10/04/2013
Thực Trạng Liên Kết Sản Xuất Trong Ngành Hàng Cá Tra Thực Trạng Liên Kết Sản Xuất Trong Ngành Hàng Cá Tra

Không có ngành, lĩnh vực nào phát triển “thần tốc” như ngành sản xuất cá tra. Nó đã từng giúp cho hàng ngàn nông dân trở nên giàu có, hàng trăm doanh nghiệp (DN) ăn nên làm ra, giúp ngành thủy sản cả nước luôn giữ tốc độ phát triển cao, trong khoảng 10 năm (2002- 2012).

30/10/2013
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Trồng Chuối Cấy Mô Hiệu Quả Kinh Tế Từ Trồng Chuối Cấy Mô

Mặc dù giá trị kinh tế không cao như nuôi thuỷ sản nhưng cây chuối ở Cà Mau có diện tích lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, với khoảng 5.000 ha, tập trung nhiều ở 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình.

11/04/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật

Xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều phụ nữ còn thời gian nhàn rỗi. Nhằm tạo thêm việc làm, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tư vấn giới thiệu mô hình nuôi ong cho các chị phụ nữ trong xã.

11/04/2013
Cơ Hội Để Nông Dân Nâng Cao Thu Nhập Cơ Hội Để Nông Dân Nâng Cao Thu Nhập

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đã giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong khâu thu hoạch. Song, do máy gặt đập liên hợp phun rơm ra đồng ruộng trên diện rộng, khó thu gom sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nên nguồn rơm này hầu như bị bà con nông dân bỏ phí hoặc đốt bỏ tại đồng gây ô nhiễm môi trường. Cách làm gây lãng phí này đang được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quan tâm tìm cách giải quyết.

30/10/2013