Nuôi Ghép Cá Chép Cho Hiệu Quả Cao
“Mô hình nuôi ghép cá chép V1 với 1ha mặt nước cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên là cơ sở để tỉnh Yên Bái phát huy lợi thế mặt nước, phát triển chăn nuôi thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” - bà Đỗ Thị Vân - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết.
Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi thủy sản đã chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chăn nuôi thủy sản vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa khai thác hết lợi thế trên 22.000ha mặt nước; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để đầu tư thâm canh còn ít, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp.
Để phát triển chăn nuôi thủy sản mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá ao truyền thống nuôi ghép cá chép V1 là chính với quy mô 1ha tại xã Nga Quán (Trấn Yên) với 4 hộ tham gia ở thôn Hồng Thái, Hồng Hà. Các hộ tham gia mô hình và các hộ dân có nhu cầu được tập huấn kỹ thuật về đặc điểm sinh học của một số đối tượng nuôi cá truyền thống, kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, chọn con giống, thả con giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi...
Với diện tích 1ha ao nuôi thả 30.000 con giống, tỷ lệ 3 con/m2 gồm cá chép V1 3.750 con (chiếm 50%), rô phi đơn tính 1.500 con (chiếm 20%), cá trắm cỏ 750 con (chiếm 10%), cá mè 750 con (chiếm 10%), còn lại là cá trôi. Toàn bộ cá giống được lấy tại cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn, phòng bệnh cá của anh Nguyễn Anh Tuấn ở huyện Yên Bình. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 6 tấn thức ăn công nghiệp, chiếm 50% tổng lượng thức ăn.
Quá trình thực hiện, các cán bộ khuyến nông đã phối hợp chặt chẽ với người nông dân theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thực hiện đầy đủ những biện pháp kỹ thuật nuôi cá. Tổng chi phí cho mô hình từ con giống, thức ăn, phòng trừ bệnh, cải tạo ao và các chi phí khác trên 221 triệu đồng. Sau 9 tháng từ khi chuẩn bị đến nay, qua đánh giá cho thấy, cá sinh trưởng và phát triển tốt, không bị bệnh, trọng lượng cá đạt trung bình từ 0,4 - 0,6kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình của gia đình ông Bùi Nam Lợi trọng lượng cá đạt 0,5 - 0,7kg/con, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.
Ông Lợi cho biết: “Nuôi cá thâm canh không khó nhưng đòi hỏi người chăn nuôi phải áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi từ vệ sinh ao nuôi, thả cá và cho ăn. Nuôi cá thâm canh mất nhiều công hơn, tỉ mẩn hơn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn.
Theo cách truyền thống, dù nuôi tốt thì năng suất cao lắm cũng chỉ đạt 4 tấn/ha, lợi nhuận thu được sau 1 năm chỉ là 35 đến 40 triệu đồng. Nhưng nuôi cá thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự đầu tư, năng suất tăng gấp 3 - 4 lần, thời gian cũng rút ngắn, năng suất ít cũng đạt 12 tấn/ha, lợi nhuận mang lại từ 130 - 150 triệu đồng”.
Rõ ràng, mô hình nuôi ghép cá chép đã đạt kết quả đáng khích lệ nhưng quan trọng hơn là thông qua mô hình đã góp phần nâng cao kiến thức về quản lý, biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi thủy sản cho các hộ nông dân. Từ thực tiễn này sẽ làm cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân trong tỉnh phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng bán thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, vụ cá nam 2015 đang bước vào cao điểm mùa khai thác. Những ngày qua, nhiều tàu thuyền của ngư dân Phan Thiết cập cảng với khoang thuyền đầy ắp cá cơm. Được mùa cộng với giá bán ổn định giúp cho bà con ngư dân hết sức phấn khởi.
Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tả Nhìu (Xín Mần), chúng tôi đến thăm mô hình “Vườn ươm cây sa mộc” ở thôn Vai Lũng. Sau một hồi cuốc bộ, leo đồi; trải dài trước mắt chúng tôi là một màu xanh mướt mắt với những cây giống thẳng tắp. Thật ngạc nhiên và đáng khâm phục biết bao ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của những người nông dân “một nắng hai sương” nơi mảnh đất miền Tây này.
Các anh lãnh đạo xã Nà Chì (Xín Mần) bật mí cho tôi biết: Sau hơn 1 năm thành lập Làng nghề làm chè tại thôn Bản Vẽ, cuộc sống đồng bào ở cả 6 thôn lân cận đều như đã thoát nghèo.
Bằng mô hình bền vững và quyết tâm cao, một số hộ nghèo ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo. Nhờ đó, việc xây dựng tiêu chí 11 (hộ nghèo) của xã thuận lợi hơn.
Lô nhãn được doanh nghiệp thu mua trong ngày 21-22/8 tại xã Hàm Tử và Hồng Nam (Hưng Yên), trước khi chuyển vào TP HCM chiếu xạ và xuất khẩu.