Triển vọng với mô hình nuôi bò thịt
Tham gia dự án, từ 64 con bò giống, các hộ chăn nuôi đã cung cấp cho thị trường 144 con bò thịt thương phẩm và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác từ mô hình này.
Để đảm bảo hộ chăn nuôi có được giống bò tốt, chủ nhiệm dự án đã chọn những giống bò chất lượng cao là bò lai Sind và lai Brahman để người dân chăn nuôi. Nhờ sự hướng dẫn này mà đàn bò nuôi thuộc dự án ít xảy ra dịch bệnh và phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, hộ nuôi bò còn được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với số tiền 7 triệu đồng/con và hỗ trợ lãi suất trong suốt thời gian tham gia dự án.
Ông Hồ Văn Sơn, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Trước khi triển khai dự án, chúng tôi đã lựa chọn hộ nuôi kỹ càng, nguồn vốn cho vay ưu đãi nhất để thực hiện dự án. Từ nguồn vốn hỗ trợ của kinh phí sự nghiệp khoa học với số tiền hơn 146 triệu đồng, kết hợp với vốn nông hộ đầu tư, mỗi hộ trong vùng dự án được vay vốn nuôi ít nhất 3 con bò. Dự tính ban đầu của dự án triển khai nuôi bò thịt, thế nhưng nhiều hộ nuôi đã nhận ra lợi nhuận từ việc cung cấp bò giống và phát triển dần đàn bò lên hơn trăm con. Nhờ vậy khi đến kỳ hạn kết thúc dự án, nhiều hộ đã có bò mẹ đẻ bò con, lợi nhuận tăng gấp bội. Nguồn vốn vay nông dân trả hết và còn tự tạo điều kiện tái đầu tư cho lứa nuôi khác”.
Sau thời gian tham gia dự án, đối với nhiều hộ thì mô hình đem lại kết quả hơn cả mong đợi. Chị Nguyễn Ngọc Thủy, ở xã Hiệp Hưng, cho hay: “Hồi đó, tính nuôi bò để tận dụng thời gian rảnh làm kinh tế phụ, bỏ ống lâu ngày nhưng không ngờ lại khá lên trông thấy. Tôi nuôi giống bò thịt này được thương lái mua giá cao, trúng lớn. Mỗi con tôi bán ra thu lời gần gấp đôi chỉ sau 1 năm chăn nuôi”. Bây giờ, chị Thủy đã nhân giống ra bò con, tiếp tục chăn nuôi để làm giàu bởi chị đã đầu tư luôn hơn 2 công đất trồng cỏ cho bò ăn.
Hiệu quả lớn nhất mà dự án mang lại là cho ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế bằng cách kết hợp với nuôi bò, người dân có thể trồng cỏ theo ven bờ đê hoặc ruộng để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Trong dự án có 10/14 hộ tham gia cách làm này trồng hơn 7,6m2, áp dụng theo quy trình kỹ thuật rất bài bản đã tạo ra được nguồn thức ăn tươi, sạch, đủ dưỡng chất cho bò.
Trong chăn nuôi bò bán chăn thả, người dân còn tận thu được phân bò để bón vào ao, tăng nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Qua dự án, có 2 hộ thực hiện mô hình này, với diện tích 1,9ha nuôi cá rô phi, cá chép, cá mè hoa thu được sản lượng cá 2,1 tấn sau 2 đợt nuôi. Ông Nguyễn Văn Ba, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, cho biết: “Thằng cháu tôi nó nuôi cá bằng phân bò thấy mà ham, còn tôi không làm được nhưng mà cũng thu lời to nhờ phân bò. Tôi được cán bộ dự án hướng dẫn ủ thành phân hữu cơ bón lại cho ruộng, vườn cây rất tốt. Số còn dư tôi bán ra cũng kiếm được số tiền kha khá”.
Theo báo cáo của chủ nhiệm dự án, lợi nhuận nuôi bò không chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng lao động nhàn rỗi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rất nhiều. Trừ các khoản chi phí gồm chuồng trại, con giống, thức ăn, thuốc thú y, gieo tinh, công lao động,… trên 1,9 tỉ đồng, 14 hộ chăn nuôi đã thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng. Trung bình 1 con bò đạt lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng sau 1 năm thả nuôi.
Với kết quả lợi nhuận kinh tế này, mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả sẽ là mô hình triển vọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Theo ý kiến nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp tại buổi họp nghiệm thu kết quả dự án, mô hình này rất phù hợp với tập quán chăn nuôi ở địa phương, kỹ thuật chăn nuôi đơn giản và có thể nhân rộng mô hình trong tương lai. Mô hình nuôi bò thịt ở Phụng Hiệp sẽ không chỉ là lựa chọn đúng đắn và hướng đi hiệu quả của địa phương trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hiệu quả và bền vững cho huyện Phụng Hiệp nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Giá các loại thịt vai, ba rọi cốt lếch, chân giò, sườn già của công ty Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Liên Hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op cũng giảm 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg; hệ thống siêu thị BigC áp dụng giảm giá thêm đối với 2 mặt hàng là thịt đùi và thịt ba rọi heo 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg.
Trong những năm gần đây mô hình ếch Thái kết hợp với nuôi cá được nhiều nông dân lựa chọn, đây là mô hình có khả năng làm giàu và giảm ô nhiễm môi trường do dư thừa thức ăn trong chăn nuôi ếch. Mô hình này tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười và TP. Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp.
Với chủ trương đa dạng hóa cây trồng, những năm gần đây huyện Châu Phú (An Giang) đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu qủa sang các loại cây trồng ứng dụng công nghệ cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Đến cuối tháng 8, diện tích cây ăn trái trong tỉnh Hậu Giang đã tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 400ha và đang ở mức 29.204ha. Các cây trồng có xu hướng tăng diện tích là cam, quýt do người dân thấy gần đây giá cả có nhiều thuận lợi cho nhà vườn.
Để chuẩn bị cho mô hình này, từ năm 2013, Hội Nông dân phường Vĩnh Phú đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và tham quan mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp tại TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên cho 50 lượt hộ nông dân. Qua sàng lọc danh sách, phường đã chọn 6 hộ có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kỹ thuật, con giống thực hiện thí điểm.