Hiện tượng thủy triều đỏ ở vùng biển Bình Thuận
Bất ngờ
Vào trung tuần tháng 7/2002, người dân ở vùng biển Bình Thuận chắc hẳn không quên hiện tượng nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống.
Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết.
Hầu hết sinh vật biển bị tiêu diệt.
Những ngày sau đó mùi hôi thối bốc lên… Du khách nghỉ dưỡng tại các resort trên bãi biển không dám bước chân xuống nước vì những trận bọt bẩn đọng lại tạo thành cục thi nhau xô bờ.
Đó chính là hiện tượng “thủy triều đỏ” hay còn gọi “hiện tượng nở hoa nước”.
Khả năng xuất hiện cao
Bờ biển Bình Thuận dài 192km với 3 cửa biển: Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi, là một trong những vùng biển giàu nguồn lợi thủy sản bậc nhất nước ta với trên 500 loài, trong đó có 60 loài có giá trị cao.
Nhưng đây cũng là một vùng biển khả năng xuất hiện hiện tượng “thủy triều đỏ” rất cao, nhất là vào mùa hè, từ tháng 6 - 10, cao điểm là tháng 6, 7, khi gió mùa Tây Nam đi vào vùng biển tương đối mạnh, nhất là dịp thủy triều biển dâng cao vào ngày sóc và ngày vọng (tháng âm lịch là ngày 1, 2 hoặc ngày 15, 16).
Vậy hiện tượng “thủy triều đỏ” hay còn gọi “hiện tượng nở hoa nước” là gì? Tác hại như thế nào? Vì sao lại thường xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận? Biện pháp nào để ngăn ngừa hiện tượng này không xảy ra?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ Viện Hải Dương học - Nha Trang, mầm mống của tảo có sẵn trong nước biển, nên có thể “nở hoa” bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển...
Hiện tượng “thủy triều đỏ” có liên quan chặt chẽ tới sự phú dưỡng của thủy vực.
Nguyên nhân thường liên quan đến các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng muối dinh dưỡng cũng như các trường khí - thủy văn.
Ngoài ra, các chất thải từ hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, sự phát triển của các nhà máy chế biến thủy sản, hóa chất… cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự hình thành “thủy triều đỏ”.
Đến nay, các nhà khoa học đã xác nhận có khoảng trên 300 loài vi tảo đã hình thành sự nở hoa làm thay đổi màu nước.
Trong đó có khoảng 1/4 loài (70 - 80 loài) gây hiện tượng nở hoa có khả năng sản sinh độc tố đang là mối đe dọa đến khu hệ động vật và thực vật tự nhiên ở nước, nghề nuôi trồng thủy sản và sức khỏe của con người.
Hiện nay, có 5 loại triệu chứng ngộ độc do tiêu thụ thực phẩm biển nhiễm độc tố tảo xảy ra với con người.
Trong đó, đặc biệt dạng ngộ độc gây tê liệt cơ (PSP) có thể gây tử vong và dạng ngộ độc Ciguatera rất phổ biến trong vùng nhiệt đới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại.
Trong đó, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa thường xảy ra ở vùng biển Bình Thuận và kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng.
Thảm họa “thủy triều đỏ” ở Bình Thuận trung tuần tháng 7/2002 tạo thành vùng “thủy triều đỏ” rộng khoảng hơn 40km2, làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều, kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị tiêu diệt; môi trường bị ô nhiễm nặng, mấy tháng sau mới hồi phục.
“Thủy triều đỏ” cũng đã khiến 82 người phải nhập viện do tắm biển, với các triệu chứng ngứa, phồng rộp vùng da nhạy cảm; nguyên nhân là một loài tảo xanh lam “nở hoa”, tiết độc tố vào nước biển.
Cần lưu ý, sự “nở hoa” của tảo xanh lam (vi khuẩn lam) còn xảy ra ở nhiều hồ chứa nước ngọt, đe dọa sức khỏe những người sử dụng nguồn nước này.
Khu vực biển Bình Thuận là nơi có tần suất nở hoa của vi tảo cao nhất, hiện tượng này dường như xảy ra hàng năm vào khoảng tháng 3 đến tháng 8, khi nhiệt độ ấm lại và cường độ bức xạ cao nhất trong năm.
Cũng trong thời kỳ tháng 7 - 8, hiện tượng nước trồi tỏ ra mạnh nhất, nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng nước trồi cũng có quan hệ mật thiết đến sự nở hoa của vi tảo.
Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường một lượng dinh dưỡng đáng kể cũng là một điều kiện kích thích sự nở hoa.
Hiện tượng “nở hoa nước” thường xảy ra trong các hồ nước ngọt và các ao nuôi thủy sản.
Cần nghiên cứu
Theo các nhà khoa học, hiện tượng “thủy triều đỏ” là một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm nghiên cứu cụ thể, lâu dài như: Về quy luật phát sinh và lan truyền của hiện tượng “thủy triều đỏ”; về sinh thái phát triển và sản sinh độc tố của một số loài vi tảo kể cả các loài đang hình thành có khả năng nở hoa.
Trên cơ sở đó, có sự cảnh báo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời đánh giá đầy đủ về những thiệt hại mà nó gây ra.
Ngoài nguyên nhân khách quan là điều kiện tự nhiên vùng biển Bình Thuận dòng chảy nước biển gần bờ kém, nên sự trao đổi yếu, nhiệt độ biển cao, mưa ít…
Nhưng nguyên nhân chính là do con người, vì vậy phải cần cảnh báo nhân dân vùng biển nuôi thủy sản nên chú ý quản lý chặt chẽ thức ăn cũng như nguồn thải để tránh hiện tượng phú dưỡng từ các ao nuôi, các thủy vực khác nơi nguồn thải tập trung.
Nhiều nước giám sát việc “nở hoa nước” gây hại khá chặt chẽ.
Nước Mỹ tốn cả triệu USD mỗi năm chỉ để giám sát xứ lý tảo nở hoa ở một khu vực nhỏ (như vịnh Florida).
Gần hơn, Trung Quốc hàng năm cũng bỏ ra một nguồn ngân sách lớn để nghiên cứu và giám sát tảo gây hại.
Ở nước ta, đầu tư cho lĩnh vực này còn rất khiêm tốn.
Tác hại của “thủy triều đỏ” không nhỏ, nên ngư dân, những người dân sống ven biển cần ý thức phòng ngừa và khi phát hiện dấu hiệu “thủy triều đỏ” sớm báo ngay cho cơ quan chức năng, để có giải pháp cần thiết, như di chuyển lồng bè nuôi tôm, cá, thay nước trong hồ nuôi...
Những năm gần đây, vùng biển Bình Thuận ít thấy xuất hiện hiện tượng này hoặc có chăng thì tần suất ảnh hưởng thấp không kéo dài ngày, chứng tỏ ý thức bảo vệ môi trường biển bước đầu của chúng ta đã thể hiện rõ.
Trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển cần đặt lên một trong những chiến lược hàng đầu.
“Thủy triều đỏ còn gọi là tảo nở hoa, chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển.
Sự "nở hoa" của tảo có khi làm màu nước biển đỏ, có khi xanh, xám hoặc như màu cám gạo...
Hiện tượng "nở hoa" là hoạt động phân hủy của vi khuẩn trên sinh khối tảo sau đó làm cạn kiệt O2 tại chỗ, làm giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, tạo ra độc tố, đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.
Hiện tượng nở hoa của tảo tại thủy vực nói chung (hồ, sông, suối, biển...) do nhiều loại khác nhau.
Chỉ khi nào mật độ cực cao (hàng triệu cells/ ml) mới làm thay đổi màu sắc nước do sắc tố của loài ưu thế gây ra (từ xanh lục đến vàng rồi nâu và đỏ)”.
Có thể bạn quan tâm
Đó là khẳng định của ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều ngày, 17/9.
Có thể nói, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản năm nay của ngư dân thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) không thuận lợi vì chi phí đánh bắt tăng cao dẫn đến đời sống của ngư dân khai thác và sơ chế thủy sản gặp không ít khó khăn.
Thạc sĩ Phan Phương Loan, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học An Giang) vừa thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá trê vàng”. Đề tài triển khai thực nghiệm tại ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên) bằng hai hình thức sử dụng 100% thức ăn là cá tạp và 50% cá tạp, kết hợp 50% thức ăn công nghiệp.
Hơn 10 ngày qua, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng nhẹ trở lại. Hiện tôm loại 1 có giá hơn 1,7 triệu đồng/kg, tôm loại 2 và loại 3 giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/kg, cao hơn 200.000 đồng so với trước đây 2 tuần.
Niên vụ 2012 - 2013, tổng diện tích mía tím trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tăng hơn 300 ha. Nếu như trước đây, mía tím chỉ được trồng ở những khu vực đất đai màu mỡ, gần nguồn nước như: xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp... thì hiện nay, cây mía tím đã được trồng ở một số khu vực có điều kiện sản xuất không thuận lợi như xã Ba Cụm Nam.