Kiểm soát ngưỡng chịu đựng của ao tôm
Theo đánh giá, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu do tôm bị bệnh và môi trường ao nuôi ô nhiễm.
Cả 2 nguyên nhân này đều liên quan đến ngưỡng chịu đựng của ao tôm.
Theo các nghiên cứu, càng về cuối vụ nuôi, chất thải (bao gồm phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) càng tích tụ nhiều ở đáy ao, tạo thành lớp bùn đen và sự phân hủy các chất hữu cơ sẽ tạo thành khí độc như H2S làm tôm chết.
Chất thải cũng là nguồn dinh dưỡng cho Tảo phát triển mạnh, khi Tảo tàn và phân hủy sẽ khiến cho nhu cầu Oxy trong ao nuôi tăng vọt.
Trong khi đó, tôm càng lớn thì tổng khối lượng tôm trong ao càng cao, ao nuôi trở nên chật hẹp.
Môi trường biến động xấu làm cho tôm suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, trong nhiều trường hợp người nuôi phải thu hoạch tôm khẩn cấp.
Việc làm này sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi vì đã tốn nhiều tiền mua thuốc chữa trị trước đó, cộng với việc cỡ tôm nhỏ nên giá bán thấp.
Hiện ở Sóc Trăng, ngoài 25.900 ha nuôi tôm nước lợ đã thu hoạch, các diện tích còn lại cũng sắp cho thu hoạch.
Cũng có người nuôi cho rằng, tôm bước qua giai đoạn 2 – 3 tháng tuổi là có thể yên tâm vì số bị thiệt hại rất ít, tuy nhiên ở mỗi giai đoạn đều có những nguy cơ riêng, bà con cần chú ý để bảo đảm lợi nhuận cho mình.
Thông thường bà con chỉ theo kinh nghiệm nhìn màu nước, màu Tảo của ao tôm, hoặc dựa theo các chỉ số môi trường đo được tại thời điểm đó, như độ pH, độ kiềm, ông Lê Văn Mung ở xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề chia sẻ kinh ngiệm:
“Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi độ pH, độ Kiềm trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, theo dõi thức ăn thừa trong ao, thường xuyên theo dõi sự đổi màu của nước trong ao nuôi, để kịp thời có cách xử lý”.
Để có môi trường tốt cho tôm phát triển, phụ thuộc nhiều vào hệ thống hạ tầng ao nuôi và lượng giống thả vào ao.
Theo đó, ao nuôi tôm công nghiệp cần có độ sâu từ 2 – 2,5m, đảm bảo giữ được nước cao nhất từ 1,6 – 1,8m.
Mật độ thả hợp lý đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2, bán thâm canh 8 – 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng 30 – 80 con/m2.
Ngoài ra trong quá trình nuôi cần đảm bảo máy quạt đầy đủ, người nuôi nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trong ổn định các chỉ số môi trường ao nuôi khi có biến động do thời tiết.
Thạc sĩ Trịnh Mỹ Yến – Chi Cục Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Bà con lưu ý sau những cơn mưa kéo dài nên kiểm tra lại độ pH trong ao.
Nếu độ pH giảm thấp thì dùng vôi nông nghiệp hòa tan trong nước với liều lượng từ 10 đến 20kg cho 1.000 mét khối nước; duy trì mực nước trong ao từ 1,3m đến 1,8m để tránh sự biến động của yếu tố môi trường.
Đối với hiện tượng Tảo tàn, bà con có thể bón phân vi sinh, để khử khí độc trong ao thì bà con nên sử dụng men vi sinh định kỳ”.
Chất lượng con giống thả nuôi cũng góp phần quyết định cho việc kiểm soát ngưỡng chịu đựng của ao tôm.
Ngoài ra, trước khi tôm đạt ngưỡng, người nuôi cần chủ động thu tỉa để tạo môi trường thông thoáng giúp tôm phát triển tiếp hoặc tăng cường quạt khí, kiểm soát mật độ tảo thích hợp cho ao nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát lại lĩnh vực nông nghiệp gắn với mục tiêu phát triển bền vững các thôn, bon, trên cơ sở đó có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp là cách mà xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đang triển khai nhằm giúp nhân dân từng bước xóa đói giảm nghèo, làm giàu một cách bền vững.
Sau một thời gian trầm lắng, từ đầu tháng 2 đến nay, giá cà phê nhân liên tục tăng đã làm cho thị trường mua bán mặt hàng này sôi động trở lại. Ghi nhận tại các điểm thu mua cà phê và từ phía hộ dân cho thấy, nhiều nông dân đang dự trữ cà phê chờ giá đã mạnh dạn xuất hàng bán để lấy tiền đầu tư cho vụ mới.
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, siêng năng, cần cù chịu khó, bám đất bám vườn để làm ăn và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Để đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tích cực đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt. Kết quả đã xác nhận thêm 3 giống lúa có chất lượng là Hoa ưu 109, PC6 và AQ6.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.