Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp
Vừa qua, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần EWOS Việt Nam đánh giá kết quả dự án "Mô hình trình diễn nuôi cá lóc trong vèo sử dụng thức ăn viên EWOS" tại một số hộ dân trên địa bàn TP Cần Thơ. Mô hình trình diễn này cho kết quả cao so với cách nuôi truyền thống (sử dụng cá bổi làm mồi) và hứa hẹn cơ hội phát triển nghề nuôi cá lóc, tạo thêm thu nhập cho các nông hộ ở nông thôn…
Thời gian qua, con cá lóc được nông dân tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ theo các mô hình nuôi ao, hầm, nuôi vèo đặt trong ao, vèo đặt trên sông… Tuy nhiên, người dân chủ yếu sử dụng các loại cá tạp tươi sống để làm mồi nuôi cá lóc, nên việc phát triển mô hình gặp khó do nguồn thức ăn thường bị thiếu hụt và không ổn định về chất lượng. Chính vì vậy, các mô hình nuôi cá lóc, nhất là nuôi cá lóc trong vèo chỉ được nông dân phát triển mạnh vào mùa lũ- thời điểm mà nguồn cá tạp trong tự nhiên dồi dào nhất trong năm.
Song, việc khai thác đánh bắt quá mức các loại thủy sản trong tự nhiên thời gian qua khiến lượng cá tạp mùa lũ giảm dần, nguồn cung hạn chế, giá bán cao, lợi nhuận của người nuôi cá cũng giảm theo. Từ thực tế đó, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) rất quan tâm việc hỗ trợ nông dân có hướng chuyển từ nuôi cá lóc sử dụng nguồn cá mồi truyền thống sang các loại thức ăn công nghiệp. Mô hình này tạo thuận lợi hơn cho người nuôi cá lóc, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường.
Để có mô hình điểm làm cơ sở hướng dẫn và nhân rộng, tháng 4-2013, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ và Công ty cổ phần EWOS Việt Nam (thuộc Tập đoàn EWOS- Na Uy) thực hiện Dự án mô hình trình diễn nuôi cá lóc thâm canh trong vèo sử dụng thức ăn công nghiệp EWOS. Mô hình chính thức triển khai thả nuôi cá từ tháng 5-2013, với sự tham gia của 6 hộ dân thuộc các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ và một điểm nuôi tại Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ.
Tham gia dự án, Công ty cổ phần EWOS Việt Nam hỗ trợ con giống và 50% chi phí tiền thức ăn cho các mô hình nuôi trình diễn. Kết quả cho thấy, tại các hộ dân và 1 điểm nuôi trình diễn tại Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi- thủy sản TP Cần Thơ, cá lóc nuôi tăng trọng khá nhanh, khoảng 4 tháng 20 ngày (đối với cá lóc đầu nhiếm) là có thể xuất bán, tỷ lệ cá bị dị tật rất ít, hệ số thức ăn chỉ ở mức 1,1-1,3 kg thức ăn/kg cá.
Và hầu hết các mô hình nuôi trình diễn đều cho lợi nhuận tương đối tốt, người nuôi cá được hưởng thêm một phần lợi nhuận do được EWOS hỗ trợ một phần tiền con giống, thức ăn…
Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình trình diễn, nuôi cá lóc thâm canh trong vèo sử dụng thức ăn viên công nghiệp EWOS thuận lợi hơn cách nuôi truyền thống, do chủ động được nguồn thức ăn và tiết kiệm được thời gian, chi phí. Điều mà người nuôi phấn khởi nhất là họ có được lợi nhuận không thua gì so với cách nuôi cá lóc bằng mồi truyền thống.
Tham gia mô hình nuôi trình diễn, ông Huỳnh Văn Liêm ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thả nuôi 2.400 con cá giống. Kết quả hơn 4 tháng nuôi, ông bán cá được tổng cộng 627kg cá thịt, giá bán cá lóc thương phẩm loại trên 300g/con từ 37.000 đồng/kg trở lên, ông thu gần 23 triệu đồng, trừ đi chi phí, ông còn lợi nhuận trên 6 triệu đồng.
Ông Liêm cho biết: "Nuôi cá lóc bằng thức ăn viên công nghiệp có hiệu quả kinh tế và rút ngắn được thời gian nuôi ít nhất 1 tháng so với trước. Tới đây, tôi tiếp tục thả cá nữa, nuôi cá theo mô hình này cũng ít rủi ro so với nuôi bằng mồi cá tạp".
Còn ông Nguyễn Hoàng Vân, ngụ phường Thới Hòa, quận Ô Môn cho biết nuôi vèo cá rộng 24m2 được thiết kế đặt trong ao nuôi có diện tích 300 m2. "Vèo cá lóc của tôi thả nuôi mật độ 100 con/m2, còn bên ngoài ao tôi thả nuôi thêm các loại cá như: điêu hồng, cá chép, cá trê… để tận dụng nguồn thức ăn thừa. Kết quả sau 4 tháng 20 ngày thả nuôi, tôi thu hoạch cá, tổng lượng cá ước đạt trên 710kg, tính ra trừ đi chi phí tôi còn lời trên 9,3 triệu đồng"- ông Vân nói. Theo ông Vân, nuôi cá trong vèo sử dụng thức ăn viên công nghiệp rất phù hợp với nông hộ có ít đất sản xuất.
Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, thành công từ Dự án "Mô hình trình diễn nuôi cá lóc trong vèo sử dụng thức ăn viên EWOS" trên địa bàn thành phố hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội cho nông dân muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết kết quả thực hiện dự án sẽ giúp cho bà con có thêm cơ sở lựa chọn. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp để phát triển các mô hình nuôi cá lóc trong vèo tại các nông hộ sẽ giúp nông dân cải thiện đời sống kinh tế.
Tuy nhiên, khi phát triển nuôi với số lượng lớn, thì phải có đơn vị đặt hàng bao tiêu đầu ra. Có như vậy, mô hình mới phát triển toàn diện và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Tôm nuôi chính vụ 2015 của tỉnh Trà Vinh chỉ đạt gần 52% kế hoạch, giảm gần 10.000 tấn so cùng kỳ năm trước.
Chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội và những lợi thế để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành hàng trái cây, rau củ nói riêng.
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, tỉnh đang xúc tiến triển khai dự án nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế, với 6 hợp phần
Trong những năm qua, nhờ chuyển đổi sang trồng bắp lai trên nền đất lúa kém hiệu quả mà nhiều nông hộ ở huyện Phong Điền đã cải thiện được doanh thu đáng kể so với độc canh cây lúa như trước đây.
Qua thực tiễn trên đồng ruộng, SV 181 có những tính năng vượt trội như TGST ngắn ngày (87 ngày), sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng màu xanh nhạt. Bông to, xếp gié dày, nhiều hạt (160 - 180 hạt chắc/bông).