Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thị Trường Cá Giống Qua Đông Cung Cơ Bản Đủ Cầu

Thị Trường Cá Giống Qua Đông Cung Cơ Bản Đủ Cầu
Ngày đăng: 02/12/2013

Vụ đông 2013 là năm thứ hai các địa phương tiến hành lưu đông cá giống theo chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Ninh. Thời điểm này, những đơn vị cung ứng đã chuẩn bị đầy đủ và giao cá cho các cơ sở nuôi với số lượng, chất lượng đảm bảo.

Theo đánh giá, vụ nuôi cá qua đông năm 2012, tỷ lệ sống bình quân của cá giống là 65,1%, trong đó rô phi 68,3%, cá chim trắng 62,2%. Số lượng đàn cá ương qua đông chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm của chính các hộ lưu giữ cá và các hộ nuôi thâm canh trong vùng, đã tạo điều kiện cho các hộ chủ động nguồn giống lớn, sớm đưa vào nuôi cá thâm canh, nuôi tăng vụ. Với tổng diện tích ương nuôi là 56ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2012, chương trình nuôi giữ cá giống qua đông theo hỗ trợ tiếp tục được triển khai trong năm nay tại 6 địa phương: thành phố Bắc Ninh; các huyện Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du nhu cầu cá giống dự kiến là gần 28 triệu con.

Trong đó, 5/6 đơn vị đã được lựa chọn để cung ứng cá giống lưu giữ qua đông đóng trên địa bàn tỉnh gồm HTX giống thủy sản Nam Sơn, Công ty Sông Thiên Đức, Xí nghiệp Thái Giang, Công ty TNHH Dung Đạt và Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1. Ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh nhận định: “Về cơ bản, các cơ sở cung ứng giống trong tỉnh có số lượng sản xuất khá lớn, chất lượng đảm bảo, có thể đáp ứng được nhu cầu của các hộ nuôi giữ trong tỉnh và còn cung ứng sang tỉnh khác. Cá giống trước khi giao cho các hộ được công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa theo quy định”.

HTX giống thủy sản Nam Sơn, đơn vị cung ứng giống chủ lực trong tỉnh, mỗi năm sản xuất đến 25 triệu con giống, đã chuẩn bị khoảng 8 triệu con giống cho vụ ương qua đông, đến thời điểm này đã giao được hơn 1 triệu con giống. Công ty Sông Thiên Đức cũng ký hợp đồng giao 10 triệu con cá giống chim trắng, đến nay đã giao được gần 8,5 triệu con. Năm nay, giá thành con giống theo chương trình hỗ trợ giảm do kích cỡ cá giao cho các hộ nhỏ hơn, từ 1500-2000 con/kg. Theo đó, cá chim trắng được hỗ trợ 300 đồng/con, cá rô phi đơn tính được hỗ trợ 400 đồng/con. Với kích cỡ cá nhỏ như vậy, các công ty cung ứng giống đã phối hợp chặt chẽ với các hộ nuôi giữ để tư vấn kỹ thuật chăm sóc cá.

Trong khi đó, trên thị trường tự do, người dân tỏ ra ưa chuộng loại cá có kích cỡ lớn hơn như 300 con/kg hoặc 500 con/kg. Ông Trần Đình Tập, một hộ bán cá giống ở thôn Lai Tê, xã Trung Chính, Lương Tài cho biết, cá giống to có tỷ lệ sống cao hơn, phù hợp với các hộ nuôi có diện tích ao không lớn và chưa có kinh nghiệm. Về loại cá, một số nông dân tỏ ra ưa chuộng dòng nhập ngoại như rô phi lai sa, rô phi đường nghiệp do có ưu thế về sinh trưởng. Tuy nhiên, qua ghi nhận một vài năm, các dòng cá nhập ngoại có chất lượng không ổn định và phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Phan Đình Tuấn, chất lượng giống quyết định phần lớn năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản. Nếu chủ động về giống, kiểm dịch an toàn dịch bệnh sẽ đem đến thành công trong sản xuất thủy sản. Vì vậy, các hộ muốn nuôi giữ cá qua đông cần tìm đến các cơ sở cung ứng giống có uy tín trên địa bàn tỉnh để được cung cấp cá giống đảm bảo. Ngoài ra, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, các hộ nuôi giữ cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện chống rét cho cá.


Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng Tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng

Sáng ngày 17-9, tại Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), hơn 50 cán bộ, người dân trong tỉnh được Chi cục Thủy sản Hậu Giang phổ biến về kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng.

21/09/2015
Nuôi thử nghiệm cá lăng chấm Nuôi thử nghiệm cá lăng chấm

Nhằm thay thế giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm.

21/09/2015
Báo động tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản Báo động tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản

Do những hoạt động khai thác hải sản theo kiểu “tận diệt” như nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, sử dụng “rọ lồng” bát quái, thuốc nổ, điện và tận diệt hải sản non, nguồn lợi hải sản vùng biển địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị suy giảm nghiêm trọng, mất dần khả năng tự phục hồi.

21/09/2015
Dạy nghề nuôi trồng thủy sản cho nông dân Dạy nghề nuôi trồng thủy sản cho nông dân

Vừa qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Hà Trung (Thanh Hóa) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tư thục Hợp Lực khai giảng 2 lớp sơ cấp nuôi trồng thủy sản cho 50 học viên 2 xã Hà Ngọc và Hà Thanh.

21/09/2015
Được mùa cá Được mùa cá

Năm nay, vụ cá nam đến muộn, nhưng bù lại sản lượng của từng chuyến biển của ngư dân tăng khá.

21/09/2015