Nuôi Cá Chiên Lồng Trên Sông Lô
Cá chiên là loài cá hoang dã, sống ở các sông; cá có thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, loài cá này đang bị khai thác quá mức, dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, giá thành của cá chiên ngày một cao, có thời điểm dao động từ 370 – 430 nghìn đồng/kg. Xuất phát từ thực tiễn đó, một số hộ dân của xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (nơi có dòng sông Lô chảy qua), đã mạnh dạn đầu tư các lồng bằng tre kiên cố để nuôi cá chiên trên sông.
Lồng nuôi cá chiên được người dân thiết kế với kích thước lồng từ 5 – 7 m2 và có chiều cao từ 1,7 – 2,5 m. Mỗi lồng nuôi từ 45 – 50 kg, đối với cá chiên có trọng lượng từ 0,5 – 0,7 kg/con. Khi cá lớn được tách đàn và nuôi từ 100 – 130 con/lồng. Nguồn cá giống được các hộ nuôi thu mua của các gia đình đánh bắt cá ở các sông, suối.
Anh Nguyễn Văn Hoàn, một chủ hộ đã tham gia nuôi cá chiên lồng từ 5 năm nay cho biết, thức ăn chủ yếu của cá chiên là các loài động vật như ốc bươu vàng, các loại cá nhỏ, giun quế… nhưng cũng có thể dùng bột ngô, cám gạo nấu với thức ăn động vật tạo thành một dạng thức ăn đặc sánh để cho cá ăn. Sau thời gian nuôi từ 8 – 9 tháng, cá có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3,0 kg/con, nếu chăm sóc tốt cá có thể đạt trọng lượng trên 4,0 kg/con.
Anh Hoàn cho biết thêm: "Nuôi cá chiên không bao giờ sợ bị ép giá, vì khi cá có đủ trọng lượng để xuất bán (bình quân cá đạt khoảng 3,0 kg/con) nếu thấy chưa được giá, người nuôi vẫn có thể nuôi cho cá tiếp tục lớn. Khi cá chiên càng lớn thì càng được giá, nếu cá chiên có trọng lượng trên 10 kg/con thì giá cá có thể cao gấp 1,5 lần so với cá có trọng lượng bình thường".
Cũng theo anh Hoàn, hiện nay đã có 12 gia đình tham gia nuôi cá chiên lồng, mỗi gia đình có từ 3 – 5 lồng, riêng gia đình anh đầu tư 5 lồng nuôi cá chiên trên sông Lô, bình quân mỗi lồng cho thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Mặc dù mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô đã mang lại hiệu quả thiết thực và được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền xã Tân Thành và các cấp các ngành của tỉnh Hà Giang; nhưng vẫn còn nỗi băn khoăn của các hộ nuôi cá chiên lồng, đó là nguồn cá giống còn phải phụ thuộc vào nguồn thu gom trong tự nhiên. Vì vậy để giúp người dân có điều kiện chủ động và mở rộng qui mô nuôi cá chiên lồng, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Trung tâm Thủy sản tỉnh nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để cho cá chiên sinh sản nhân tạo, đến nay, đã mang lại kết quả bước đầu.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 18/12, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) tổ chức “Hội thảo tổng kết Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm” do CIDA tài trợ.
Thời điểm này 4 sào cây bí ngồi trồng trên cánh đồng thử nghiệm giống mới của Hàn Quốc tại xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đang cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích này đều xanh mướt; đặc biệt quả bí mọc từ trong thân cây, xen kẽ các nhánh lá láng mịn, xanh non trông bắt mắt.
Vụ đông xuân 2013-2014, Công ty Antesco ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đậu nành rau với diện tích 70 héc-ta của nông dân thị trấn Cái Dầu (An Giang).
Vụ đông xuân 2013-2014, Công ty Antesco ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đậu nành rau với diện tích 70 héc-ta của nông dân thị trấn Cái Dầu (An Giang).
Trên địa bàn TP. Bạc Liêu hiện chỉ có 28 hộ tham gia bảo hiểm tôm nuôi, với 41 hợp đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng). Đã có 14 hộ bị thiệt hại, với tổng số tiền bồi thường bảo hiểm hơn 1,1 tỷ đồng.