Triển Vọng Từ Đề Tài Nuôi Thử Nghiệm Hải Sâm Trắng
Hải sâm trắng là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Do đặc tính sống ở vùng nước nông, di chuyển chậm, nên trong những năm qua, loài hải sản này đang bị khai thác với cường độ lớn và có nguy cơ cạn kiệt. Trước thực trạng này, vừa qua Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu nuôi thử nghiệm loài hải sâm trắng. Bước đầu cho thấy những thành công.
Theo anh Phạm Xuân Hiệu, Phòng Bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia Bái Tử Long, chủ nhiệm đề tài thì hiện nay trên thế giới có trên 150 loài hải sâm, trong đó trên 30 loài có thể làm thực phẩm, nhưng chỉ có khoảng 3-5 loài có giá trị kinh tế cao, trong đó, hải sâm trắng (Holothuria scabra) là loài có giá trị cao hơn cả. Năm 2009, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III (Bộ NN&PTNT) chủ trì đề tài cấp Bộ “Xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm trắng ở quy mô sản xuất tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”. Thành công của đề tài đã tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản tại nhiều địa phương trong nước.
Theo khảo sát, trước đây, hải sâm trắng xuất hiện nhiều trên vùng biển Vịnh Bái Tử Long, đặc biệt là ở vùng biển thuộc các xã Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Quan Lạn. Tuy nhiên, do việc khai thác quá mức của người dân nên hiện nay, loài hải sản này đã cạn kiệt. Vì vậy, việc nuôi thử nghiệm loài hải sâm trắng là vô cùng cần thiết. Hơn nữa, việc nghiên cứu nuôi thành công loại hải sản này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc cải tạo, bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Đề tài khoa học này được triển khai thực hiện trong thời gian 24 tháng, từ tháng 1-2012 đến tháng 12-2013 với quy mô 4,3 vạn con giống trên diện tích thả nuôi 3ha. Sau hơn 18 tháng thả nuôi, đề tài khoa học nghiên cứu nuôi thử nghiệm loài hải sâm trắng đã cho kết quả khả quan, mở ra triển vọng mới trong việc nhân rộng mô hình. Toàn bộ 4,3 vạn hải sâm giống đều có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III với kích cỡ bình quân từ 2-5 gam/con nay đã đạt trọng lượng bình quân 200 gam/con; tỷ lệ sống đạt 50-60%. Theo anh Hiệu thì tỷ lệ sống đạt bình quân 50-60% là do ngay từ khi xuống giống, do con giống bé trong điều kiện sóng biển lớn, nên nhiều con chưa có khả năng thích nghi. Cùng với đó, các đối tượng địch hại, nhất là các loài giáp xác cũng khiến cho tỷ lệ sống của hải sâm giảm đáng kể. Hiện tại, trong quá trình kiểm tra, chưa phát hiện dịch bệnh đối với hải sâm. Đến nay, có thể khẳng định đề tài đã đạt được một số mục tiêu nhất định như, khẳng định khả năng sinh trưởng, phát triển của hải sâm trắng tại vùng biển Vịnh Bái Tử Long và bước đầu xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật nuôi hải sâm trắng phục vụ cho nuôi thương phẩm.
Hải sâm trắng có thể nuôi theo 3 phương thức: Nuôi trong bể cố định ở đáy biển, độ sâu 1,5m nước; nuôi trong rào chắn, rào được thiết kế ở vùng nước nông, sạch trong vùng vịnh và phương thức nuôi hải sâm trắng kết hợp nuôi tôm. Hải sâm trắng là loài ăn chất hữu cơ, nên khi thức ăn nuôi tôm thừa và phân tôm là những chất hữu cơ gây ô nhiễm đáy ao và vùng nuôi, những sản phẩm hữu cơ dư thừa này từ đáy ao nuôi tôm là nguồn thức ăn cung cấp cho hải sâm.
Từ thành công bước đầu của đề tài nuôi thử nghiệm hải sâm trắng tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã mở ra một triển vọng mới cho nghề nuôi hải sâm tại vùng biển Vân Đồn nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào ương và nuôi hải sâm trắng thương phẩm, nên cũng là khó khăn cơ bản cho việc nhân rộng mô hình theo hình thức nuôi thương phẩm. Cũng từ khó khăn này mà anh Phạm Xuân Hiệu lại tiếp tục nảy sinh ý tưởng về một dự án chuyển giao công nghệ quy trình sản xuất giống hải sâm trắng của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III về Quảng Ninh, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Kể từ khi khu tái định cư (TĐC) Đồng Sát, thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) được xây dựng và đưa vào sử dụng cũng là lúc cánh đồng Đồng Sát – nằm ngay cạnh khu TĐC buộc phải bỏ hoang vì bị nhiễm mặn.
Sáng 13.11, UBND huyện Thăng Bình tổ chức lớp tập huấn nghề lưới rê hỗn hợp cho gần 100 ngư dân trên địa bàn huyện.
Huyện Đại Lộc vừa hội nghị tổng kết sản xuất ngành nông nghiệp năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và chỉ đạo cụ thể sản xuất vụ đông xuân 2015-2016.
Nghề trồng hoa, cây cảnh theo hướng hàng hóa của Quảng Nam đã định hình và có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua, đem lại thu nhập lớn cho các nông hộ trên địa bàn tỉnh.
Thời điểm này, nông dân nhiều nơi đang tất bật chuẩn bị vào vụ hoa tết. Từ tờ mờ sáng, trên những cánh đồng cát trắng rộn rịp bóng nông dân tưới nước, chăm bón để những chậu hoa kịp khoe sắc trong dịp Tết Nguyên đán.