Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiền Giang Trồng Nhãn Ido Né Bệnh Chổi Rồng

Tiền Giang Trồng Nhãn Ido Né Bệnh Chổi Rồng
Ngày đăng: 02/12/2014

Thời gian gần đây, bệnh chổi rồng đã bùng phát mạnh mẽ trên một số giống nhãn, đặc biệt là nhãn tiêu da bò, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Trong khi đó, những vườn nhãn Ido gần như không bị nhiễm hay nhiễm với tỷ lệ rất thấp. Trước tình hình này, một giải pháp phòng chống bệnh chổi rồng đã được đưa ra bằng cách trồng nhãn Ido hoặc ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm chổi rồng.

Trong khi nhãn tiêu da bò phải vật lộn với bệnh chổi rồng đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi trong 2 năm qua thì vườn nhãn Ido của anh Nguyễn Kiến Văn, ấp 16, xã Long Trung (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) gần như vô nhiễm. Cây nhãn trong vườn vẫn phát triển bình thường, lá xanh mướt, xum xuê. Anh Kiến Văn cho biết, 35 cây nhãn Ido của gia đình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn trái. Với giá nhãn Ido thường dao động ở mức 20.000 - 35.000 đồng/kg, anh thu được khoảng 100 triệu đồng.

35 cây nhãn Ido của anh đến nay đã được 15 năm tuổi và gần như không bị nhiễm chổi rồng lần nào. Qua hơn 15 năm gắn bó với giống nhãn này, anh Văn nhận thấy rằng, trồng nhãn Ido cho hiệu quả kinh tế không kém gì nhãn tiêu. Trong khi đó, ưu thế nổi trội của nhãn này so với một số giống nhãn khác là ít bị bệnh, năng suất cho trái cao. Nhưng điều làm anh phấn khởi nhất là đặc tính kháng được bệnh chổi rồng.

Trong khi nhiều nhà vườn khác đang lao đao vì bệnh chổi rồng thì vườn nhãn Ido của anh vẫn cho trái đều đặn. Đơn cử, vườn nhãn tiêu da bò của cha anh (ông Nguyễn Kim Xinh) đối diện nhà bị bệnh chổi rồng mấy năm nay với tỷ lệ 70 - 80%. Hơn 1 năm qua, ông bỏ biết bao nhiêu tiền của, công sức để phòng trị bệnh, nhưng vẫn không hiệu quả, cuối cùng ông phải đốn bỏ vườn nhãn, để trồng sầu riêng. Trong lúc đó, vườn nhãn Ido của nhà anh vẫn không bị nhiễm bệnh chổi rồng hoặc chỉ nhiễm vài đọt không đáng kể.

Không riêng gì vườn nhãn của anh Kiến Văn mà các vườn nhãn Ido khác cũng gần như vô hại trước dịch chổi rồng. Chú Trần Văn Kháng, ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (Cái Bè) bộc bạch, từ khi trồng nhãn Ido đến nay được 9 năm rồi, nhưng vẫn không thấy bị nhiễm chổi rồng. Thỉnh thoảng, trên cây xuất hiện 1 - 2 đọt nhãn bị quắn như chổi rồng, nhưng sau đó khô quéo lại rồi mất luôn.

Hiện tại, chú Kháng có 30 cây nhãn Ido từ 8 đến 9 năm tuổi và 40 cây từ 3 đến 4 năm tuổi. Trong đó, lứa cây nhãn Ido từ 8 đến 9 năm tuổi những năm nay xử lý cho trái không đạt như mong muốn, còn những cây nhãn Ido lứa từ 3 đến 4 năm tuổi xử lý cho trái đạt tỷ lệ rất cao, khoảng 80 - 90%. Với tỷ lệ cho trái trên, chú ước tính vụ này thu hoạch khoảng 2 tấn. Hiện nay, giá nhãn Ido ở mức khoảng 22.000 đồng/kg, chú nhẩm tính thu được 44 triệu đồng.

Bên cạnh lợi thế chi phí chăm sóc thấp, năng suất cao, ít bệnh, nhãn Ido cho trái cơm dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thịt ngọt dịu, nên được thị trường ưa chuộng. Vấn đề khó khăn hiện nay là xử lý đạt đầu trái đối với những cây nhãn lâu năm. Nếu những khó khăn trên được khắc phục, trồng nhãn Ido sẽ cho hiệu quả rất tốt.

Theo các nhà chuyên môn, giống nhãn Ido được du nhập và trồng trên địa bàn tỉnh đã khá lâu rồi. Tuy nhiên, do việc xử lý cho trái đạt năng suất gặp một số khó khăn, nên thời gian qua giống nhãn này không phát triển mạnh. Từ khi bệnh chổi rồng bùng phát mạnh trên một số giống nhãn, với đặc tính kháng rất tốt bệnh chổi rồng, nhà vườn bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với giống nhãn này.

Từ đó, phong trào chuyển đổi từ vườn nhãn bị nhiễm chổi rồng sang nhãn Ido bắt đầu phát triển mạnh ở Cái Bè (địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh).

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho biết, thời gian gần đây, nhà vườn có nhãn bị nhiễm chổi rồng bắt đầu chuyển đổi sang nhãn Ido bằng 2 hình thức trồng mới và ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm chổi rồng. Trong đó, phần lớn người dân chọn hình thức trồng mới; bởi, việc ghép bo nhãn Ido trên cây nhãn bị bệnh chổi rồng chỉ đạt hiệu quả đối với những cây nhãn khỏe.

Đây là giống nhãn thích hợp trồng và phát triển tốt trên vùng đất Cái Bè, mặt khác, loại nhãn này cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Vấn đề quan tâm còn lại của nhà vườn là khâu xử lý làm sao cây cho trái đạt năng suất. Một vấn đề khác nữa là mức độ kháng bệnh chổi rồng của nhãn Ido như thế nào vẫn chưa được các nhà chuyên môn khẳng định. Song, theo ông Thanh, trước mắt, đây là giải pháp hữu hiệu và dễ được nông dân chấp nhận.

Vì thế, nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi sang nhãn Ido, ngành nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và xử lý nhãn Ido cho trái.

Ngoài ra, ngành còn xây dựng mô hình điểm ghép nhãn Ido vào cây nhãn bị bệnh chổi rồng ở Hòa Khánh, để cho người dân tham quan, học tập. Đến nay, có thể nói, việc xử lý cho trái đối với nhãn Ido đã không còn là vấn đề trở ngại lớn của nhà vườn. Do đó, hiện nay, huyện đang khuyến khích nhà vườn có nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng mạnh dạn chuyển sang trồng nhãn Ido.

Vấn đề trở ngại hiện nay là trong thời gian dài, nhà vườn trồng nhãn bị bệnh chổi rồng gặp nhiều khó khăn do thất thu; nếu chuyển đổi, họ sẽ gặp khó khăn về vốn, không có thu nhập thêm một thời gian nữa. Vì thế, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, để nhà vườn có điều kiện chuyển đổi vườn nhãn bị bệnh chổi rồng sang nhãn Ido hay cây trồng khác.

Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201411/trong-nhan-ido-ne-benh-choi-rong-560734/


Có thể bạn quan tâm

Đề Phòng Bệnh Đạo Ôn Trên Lúa Đề Phòng Bệnh Đạo Ôn Trên Lúa

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dự báo, từ ngày 17 - 23/3, tại các tỉnh phía Bắc, do điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh đạo ôn tiếp tục gia tăng về diện tích nhiễm và mức độ hại trên trà lúa xuân sớm giai đoạn đẻ rộ.

19/03/2014
Quít Đường Nghịch Vụ Tăng Giá Quít Đường Nghịch Vụ Tăng Giá

Theo nhiều nhà vườn tại Long Mỹ (Hậu Giang), giá quít đường đang ở mức cao do bước vào vụ nghịch, nguồn cung khan hiếm. Thương lái thu mua tại vườn với giá từ 35.000-37.000 đồng/kg (tăng 3.000-5.000 đồng so với tháng trước), giá bán lẻ tại các chợ là 40.000-55.000 đồng/kg.

19/03/2014
Nông Dân Ào Ạt Phá Bỏ Ruộng Mía Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Nông Dân Ào Ạt Phá Bỏ Ruộng Mía Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Do 2 năm liên tục bị lỗ, nên nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung sau khi thu hoạch xong đã phá bỏ ruộng mía để chuyển sang nuôi tôm, trồng bắp lai, khoai lang, ổi… Dự kiến vụ mía 2014-2015 sẽ có hơn 500ha mía bị phá bỏ. Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Cù Lao Dung sẽ giảm từ 8.215ha mía hiện nay xuống còn khoảng 4.000ha, bởi cây mía ngày càng kém hiệu quả.

22/02/2014
Nuôi Lươn Không Bùn Cho Giá Trị Kinh Tế Cao Nuôi Lươn Không Bùn Cho Giá Trị Kinh Tế Cao

Gần đây, được sự hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Dương, nhiều nông dân ở xã An Sơn, TX.Thuận An đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn cho giá trị kinh tế cao.

19/03/2014
Quy Hoạch Phát Triển Thanh Long Bền Vững Quy Hoạch Phát Triển Thanh Long Bền Vững

Thanh long được coi là cây xóa đói giảm nghèo và cũng là cây làm giàu của Bình Thuận. Những năm qua, cây thanh long đã mang lại kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh và cũng làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất đai kém màu mỡ ở đây. Từ hiệu quả trông thấy, cây thanh long đang tiếp tục được đầu tư phát triển trên vùng đất nắng gió này.

22/02/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.