Vườn Dâu Ba Tầng Ven Hồ Mê Linh
Dâu tây trồng trong nhà kính, trên giá thể không còn là chuyện lạ với người dân Đà Lạt. Nhưng vườn dâu nhà anh Nguyễn Đức Mai, số 9 Ngô Văn Sở, Đà Lạt vẫn rất được chú ý bởi thay vì trồng một tầng, anh Mai đã tạo ra một vườn dâu có ba tầng, tăng mật độ dâu trên cùng một diện tích đất.
Vườn dâu ba tầng độc đáo của anh cũng là một trong những điểm tham quan miễn phí đối với người dân địa phương và khách du lịch.
Thăm vườn dâu của anh Mai, điều dễ nhận thấy nhất là vườn dâu rất thoáng. Anh Mai cho hay: “Cây dâu nói chung rất cần ánh sáng, không đủ sáng cây cho trái rất ít. Bởi vậy, khi quyết định làm vườn dâu tới ba tầng, tôi cũng đã phải mày mò và nhờ cậy cả tới chuyên gia để xác định lượng ánh sáng phù hợp”.
Vườn dâu tây trồng trong nhà kính Đà Lạt thường là một tầng, máng trồng hai hàng dâu. Nhà anh Mai cải tiến bằng cách tách máng đôi thành máng đơn, cách nhau chừng 40cm, phía trên lắp ráp thêm một máng đơn cao hơn khoảng 50cm.
Do lắp ráp so le nên vườn dâu rất thoáng và theo anh Mai, lượng sáng cũng vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng của dâu. Trồng dâu ba tầng có lợi ở chỗ, nếu trồng bình thường, một sào đất có thể trồng 9 ngàn cây thì với vườn nhà anh Mai, cùng diện tích này anh trồng được 13 ngàn cây và thu hoạch cũng tăng lên. Theo anh Mai cho hay, vào lúc dâu còn “tơ”, một ngày anh thu được 50 - 60kg trái/sào, cho thu nhập tốt.
Làm vườn dâu ba tầng đòi hỏi phải cải tiến khá nhiều, đầu tiên là hệ thống tưới, phải cải tiến thêm các “T nối” để tăng thêm đường tưới. Anh Mai đã tự mày mò thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để giảm chi phí. Và do trồng dâu với mật độ dày hơn, anh cũng cần chú ý nghiêm ngặt hơn với việc kiểm soát bệnh.
Do dâu trồng trong nhà kính, kiểm soát được các tác nhân gây bệnh bên ngoài nên anh Mai chú ý nhiều tới kiểm soát giá thể, nước tưới và giống. Giá thể được sử dụng xơ dừa, trộn chung với phân hữu cơ bỏ vào máng, bịt kín bằng lớp phủ màu bạc và để nguyên như vậy trong nhiều ngày. Quá trình này khiến lớp xơ dừa được hoạt hóa, vi khuẩn có lợi làm tăng độ màu mỡ cho giá thể. Sau đó, chỉ cần đục lỗ, trồng cây con xuống là cây bén rễ nhanh, ít bệnh tật.
Nước tưới là nguồn nước giếng khoan, cây giống do anh tự sản xuất nên đảm bảo được độ an toàn. Anh Mai cũng vừa tham gia dự án vùng sản xuất rau an toàn, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP do dự án QSEAP Lâm Đồng khởi động. Anh cho hay, anh tham gia dự án cũng với mong muốn làm ra những trái dâu đúng chuẩn, được đối tác công nhận và nhất là an toàn cho người sử dụng.
Chị Cúc, vợ anh Mai nói, hi vọng nông dân ai cũng sản xuất ra những trái dâu sạch để phục vụ mọi người. Cũng vì đảm bảo chất lượng dâu, sau khi trồng từ 8 - 10 tháng là anh chị thay giống một lần, đảm bảo dâu luôn độ “tơ”, khỏe, chống chịu với môi trường tốt, ít sâu bệnh và trái đẹp, năng suất cao.
Gia đình anh Nguyễn Đức Mai vốn là dân địa phương chuyên nghề trồng rau, hoa, riêng cây dâu tây cũng có gần hai chục năm gắn bó. Khi chuyển sang trồng dâu sạch trong nhà kính, ngoài kinh nghiệm sẵn có, anh cũng mày mò học hỏi từ bạn bè, từ các chuyên gia của nhiều công ty nước ngoài. Và gần bốn năm nay, vườn dâu ba tầng của anh vẫn phát triển tốt, không chỉ cung cấp dâu trái mà còn là điểm tham quan miễn phí cho du khách và cư dân địa phương bên cạnh Khu du lịch hồ Than Thở.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/vuon-dau-ba-tang-ven-ho-me-linh-2378679/
Có thể bạn quan tâm
Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.
Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.
Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.
Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.