Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang)
Ngày đăng: 09/08/2013

Tân Phú Đông, huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang thành lập cách nay hơn 5 năm. Nếu trước đây mãng cầu xiêm được xem là cây xóa đói giảm nghèo của huyện cù lao này thì khoảng 1 năm trở lại đây, cây sả đã "lên ngôi". Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển từ ruộng lúa lên liếp trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa hoặc bỏ hẳn cây lúa, chuyển sang trồng sả quanh năm…

Hiện tại ở Tân Phú Đông, sả được trồng ở khắp nơi. Trước sân nhà, ngay cạnh lối đi, trên gò cao, trong vườn dừa, lề đường giao thông nông thôn… Nhưng tập trung nhiều nhất là ở các ấp: Cả Thu 1, Cả Thu 2, Giồng Keo (xã Phú Thạnh), Bà Tiên 1, Bà Tiên 2, Lý Quàn 1, Lý Quàn 2 (xã Phú Đông).

Anh Trần Công Khanh ở ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông, cho biết: Gia đình anh có 2 công đất. Mấy năm qua trồng lúa thường xuyên bị thua lỗ. Từ năm 2013, anh chuyển từ trồng lúa sang trồng sả. Ngay vụ đầu tiên, anh thu được lợi nhuận gần 20 triệu đồng (sau 3 tháng trồng). Nhờ đó, anh lên liếp trồng vụ tiếp theo…

Anh Nguyễn Văn Sang, ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông có nhiều kinh nghiệm trong trồng sả, cho biết: Vùng cù lao Tân Phú Đông nước mặn quanh năm. Mùa khô thiếu nước trầm trọng, trồng cây nào cũng bị mất mùa. Riêng cây sả chịu hạn tốt, giá tương đối ổn định". Qui trình trồng sả đơn giản, tháng nắng trồng bất kỳ nơi nào, còn tháng mưa lên liếp hoặc xẻ rãnh để tránh bị ngập úng khi mưa dầm.

Một vụ trồng sả có thể kéo dài thành 2 vụ nếu thu hoạch lần thứ nhất không nhổ tận gốc và mỗi bụi người thu hoạch chừa lại khoảng 2 - 3 tép. Nếu chăm sóc tốt, sả vẫn phát triển bình thường và cho năng suất cao như vụ thứ nhất. Ngoài khả năng chịu hạn tốt, cây sả ít bị sâu bệnh tấn công. Anh Nguyễn Văn Nhã, ngụ ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông, chia sẻ: "Chỉ có rệp sáp và bệnh thối thân thỉnh thoảng xuất hiện trong giai đoạn sả già, sắp thu hoạch. Vì vậy, người trồng sả rất an tâm."

Hiện tại, dọc theo tỉnh lộ 887B có rất nhiều cơ sở thu mua sả thương phẩm và nguồn tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh)… Theo thương lái, nhiều năm liền giá sả luôn ổn định, lúc thấp nhất cũng 4.500 đồng/kg và cao nhất lên đến 7.500đồng/kg. Với giá này, đảm bảo người trồng có lãi cao. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện có gần 450 ha trồng sả.

Trong đó, xã Phú Thạnh khoảng 245 ha, xã Phú Đông trên 145 ha và Tân Phú hơn 32 ha. Với giá bán hiện tại (5.500 đồng/kg) người trồng sả có lời cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và khả năng mất mùa là gần như không có. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết: Chính quyền vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đối với cây sả, để phòng ngừa tình trạng cung vượt cầu, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn bà con trồng theo vùng quy hoạch.

Hiện nay, ngoài việc vận động người dân tiếp tục tăng diện tích, Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đã liên kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP Hồ Chí Minh) đăng ký bao tiêu cây sả tươi cho nông dân. Đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con ở vùng đất cù lao đầy khó khăn này. "Chỉ cần sả ổn định giá ở mức 5.000 đồng/kg thì từ nay đến năm 2015, xã Phú Thạnh sẽ có nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững" - ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

Ông Chủ Của 80.000 Con Gà Tre Ông Chủ Của 80.000 Con Gà Tre

Anh Liêm chia sẻ: "Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường".

14/01/2015
Diện Tích Nhỏ Hiệu Quả Lớn Diện Tích Nhỏ Hiệu Quả Lớn

Chỉ có 400m2 đất, nhưng gia đình bà Giang Thị Mai ở ấp 1, xã Minh Hưng (Chơn Thành - Bình Phước) đang sở hữu một trang trại “mini” khép kín, gồm heo, chim bồ câu Pháp và vịt xiêm. Mỗi năm, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng từ mô hình này.

14/01/2015
17 Khu Trang Trại Chăn Nuôi Lợn Tập Trung, Quy Mô Lớn 17 Khu Trang Trại Chăn Nuôi Lợn Tập Trung, Quy Mô Lớn

Năm 2014, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có 874 trang trại, gia trại (TT, GT) trong đó có 97 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các TT, GT của huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại (86 TT, GT); 13 TT, GT nuôi gia cầm; 40 TT, GT nuôi trồng thủy sản; 4 TT, GT trồng cây hàng năm và cây lâu năm, còn lại là các TT, GT tổng hợp.

14/01/2015
Giá Heo Hơi Giảm, Người Chăn Nuôi Lo Lắng Giá Heo Hơi Giảm, Người Chăn Nuôi Lo Lắng

Gần một tháng qua, giá thịt heo hơi trên địa bàn Hoài Ân (Bình Định) lao dốc. Hiện giá bán tại chuồng chỉ 33.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 giá luôn dao động trên 43.000 đồng/kg, có thời điểm lên 46.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân mỗi con heo trọng lượng 70kg, người chăn nuôi lỗ hàng triệu đồng. Theo các hộ chăn nuôi, giá heo hơi khoảng 40.000 đồng/kg thì chăn nuôi mới có lãi.

14/01/2015
Thu Nhập Hơn 300 Triệu Đồng/năm Từ Nuôi Thỏ Thu Nhập Hơn 300 Triệu Đồng/năm Từ Nuôi Thỏ

Anh Phạm Văn Túy ở thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi (Kiến Xương - Thái Bình) là người say mê với việc chăn nuôi. Năm 2012, qua tìm hiểu, thấy thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, anh quyết định mua 20 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm và tự nhân giống. Từ 20 con ban đầu, chỉ sau 2 năm anh đã có 300 ô chuồng nuôi 120 con thỏ đẻ, 600 - 700 thỏ con, có thời điểm lên tới hơn 1.000 thỏ con.

14/01/2015