Triển Vọng Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Mường Lay (Điện Biên)
Trước đây, người dân trên địa bàn TX. Mường Lay (Điện Biên) nuôi thả cá chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến, tận dụng các sản phẩm dư thừa trong sinh hoạt, chăn nuôi, đầu tư ít nên chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khi đó cá nuôi phần lớn là các loại cá truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp.
Được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương thuộc chương trình nông thôn miền núi, Trung tâm Thủy sản tỉnh triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi lồng bè cá rô phi đơn tính dòng GIFT thương phẩm trên hồ Thủy điện Sơn La tại TX. Mường Lay, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân hậu tái định cư trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết: Hồ chứa Thuỷ điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay bắt đầu vận hành từ năm 2011 với mực nước dâng bình quân 215m, lưu lượng nước lớn, chất lượng nước tương đối sạch, dòng chảy ổn định phù hợp với nuôi thủy sản. Đặc biệt là phát triển nghề nuôi thủy sản trong lồng vừa tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động vùng tái định cư.
Dự án triển khai không chỉ tạo nghề mới, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất đất canh tác chuyển đổi nghề mà còn thúc đẩy người dân đa dạng hóa hình thức nuôi thủy sản; củng cố và phát triển nghề nuôi cá lồng, nhằm ổn định đời sống cho người dân vùng tái định cư và phát triển kinh tế xã hội. Sau khi dự án hoàn thành, người dân có thể đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng nghề nuôi cá lồng trên địa bàn. Dự án thực hiện trong 2 năm (2013 - 2014) với tổng số 45 lồng (900m3); trong đó, thực hiện trong năm 2013 là 20 lồng (400m3).
Các hộ tham gia mô hình là người dân tái định cư, được hỗ trợ 100% cá giống, lồng bè, thuốc phòng chữa bệnh và hỗ trợ từ 50 - 70% lượng thức ăn cho cá. Kích cỡ cá nuôi lồng bè phù hợp nhất khi thả giống có chiều dài 8 - 10cm, trọng lượng 15 – 20 gam/con; mật độ thả đảm bảo 100 con/m3. Ngoài ra, nông dân sẽ được tập huấn để nắm bắt kỹ thuật nuôi cá thương phẩm và ứng dụng vào sản xuất.
Ông Khoa cũng cho biết, đặc tính ưu việt của công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng đó là nâng cao năng suất và sản lượng trên đơn vị diện tích so với nuôi trong ao, ruộng, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cá rô phi dòng GIFT là loài chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt của môi trường, ít dịch bệnh; thời gian nuôi ngắn hơn so với các loài khác, phù hợp nuôi lồng với mật độ cao.
Ông Lù Văn Túng, nông dân tham gia mô hình cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu là khai thác thủy sản tự nhiên trên hồ Mường Lay và nuôi thả cá theo hình thức quảng canh nên hiệu quả kinh tế thấp, không ổn định. Tham gia Dự án, gia đình tôi được cung ứng giống, lồng bè, thuốc phòng trị bệnh và thức ăn cho cá. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thủy sản tỉnh hướng dẫn kỹ thuật ương, nuôi cá rô phi; quá trình vận chuyển giống, thiết kế lồng bè nuôi phù hợp điều kiện nuôi trên hồ; quản lý môi trường, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh...
Kỹ thuật chăm sóc cá cũng không khó lắm: giai đoạn cá nhỏ (dưới 300 gam) cho cá ăn thức ăn tự chế có hàm lượng đạm 25 - 30% hoặc thức ăn công nghiệp; giai đoạn cá trên 300 gam nên cho ăn thức ăn công nghiệp và có sự điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Sau hơn 1 tháng thả cá giống xuống hồ, qua theo dõi cho thấy, tại 4 lồng nuôi theo mô hình, cá phát triển tốt, không mắc dịch bệnh.
Ông Trần Văn Ngạn, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Mường Lay cho biết: Tiềm năng nuôi thả, khai thác thủy sản trên địa bàn khá lớn với khoảng 120ha diện tích mặt hồ và 15ha diện tích ao, song sản lượng thu hoạch thủy sản hằng năm chưa tương xứng. Do trình độ nhận thức của người dân về sản xuất, nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa, khả năng hạch toán hiệu quả kinh tế còn nhiều hạn chế.
Điều kiện tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng mới chưa nhiều dẫn tới các hình thức nuôi có tính tự phát theo điều kiện kinh tế gia đình. Vì vậy, việc đưa các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản (đối tượng nuôi, hình thức nuôi) theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán nuôi truyền thống cho người dân tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn thị xã là rất cần thiết, góp phần tạo việc làm, giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Xã Minh Thanh (Sơn Dương) có diện tích rừng chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên. Nhân dân đã tập trung phát triển kinh tế rừng, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, coi đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương..
Thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa các nông hộ sản xuất lúa nhỏ lẻ thành một cánh đồng lớn, thời gian qua, tại huyện Chư Jút và Krông Nô, việc triển khai theo mô hình này đã đạt được những kết quả bước đầu.
Sau khi được hợp nhất, hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu tưởng chừng sẽ trở thành điểm tựa cho người dân nghèo xứ bãi bồi cũng như người nghèo thập phương. Thế nhưng, sau một thời gian thả nuôi, mục tiêu ấy giờ đây không được hiện thực hoá khi giá nghêu giảm thê thảm.
Năm 2014, ngành thủy sản phấn đấu đạt chỉ tiêu: Diện tích 9.930 ha, tổng sản lượng đạt 29,2 ngàn tấn, chỉ đạo tăng tỷ lệ giống mới trong cơ cấu giống nuôi lên 35%.
Những năm gần đây, sự chuyển hướng của người tiêu dùng sang những sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao đã mở ra cơ hội thúc đẩy nghề trồng nấm ở Yên Khánh (Ninh Bình) phát triển mạnh. Nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.