Kiến Nghị Tăng Doanh Nghiệp Đầu Mối Xuất Khẩu Gạo

Bộ Công thương vừa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung.
Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới phía Bắc và vận chuyển thóc gạo theo đường thủy từ miền Nam ra phía Bắc tăng mạnh. 7 tháng đầu năm 2014, lượng gạo vận chuyển từ cảng Mỹ Thới (An Giang), cảng Hoàng Diệu (Cần Thơ) ra phía Bắc khoảng 1,6 triệu tấn, lượng gạo luân chuyển qua cảng Hải Phòng cũng khoảng 1,6 triệu tấn.
Trong khi đó, tính đến ngày 15/7, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo xuất khẩu qua biên giới phía Bắc là chưa đến 0,6 triệu tấn. Như vậy, có khả năng một lượng gạo không nhỏ đã được xuất khẩu qua biên giới mà không được cơ quan chức năng thống kê đầy đủ.
Bên cạnh đó, vấn đề thị trường và hợp đồng tập trung, việc giao dịch, đàm phán ký kết hợp đồng tập trung thời gian qua đang cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và các doanh nghiệp đầu mối chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt.
Doanh nghiệp đầu mối chưa chủ động bám sát, theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên, chưa kịp thời đã dẫn tới những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như công tác điều hành của Nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng khai thác và duy trì thị trường.
Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành và VFA rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để tổ chức lại các thị trường tập trung và các thương nhân đầu mối tại các thị trường tập trung theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hiện nay doanh nghiệp đầu mối duy nhất tại một số thị trường tập trung trọng điểm truyền thống là Tổng công ty Lương thực miền Nam đã và đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng Chính phủ tại các thị trường tập trung truyền thống thường có nhu cầu giao dịch nhập khẩu số lượng lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia.
Các thị trường này đã chuyển đổi phương thức và chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, tổ chức đấu thầu mở để thu hút sự tham gia của nhiều nhà cung cấp nhằm tạo sự cạnh tranh về giá.
Vì vậy, việc duy trì cơ chế giao cho một đầu mối là Tổng công ty Lương thực miền Nam vốn đang gặp khó khăn nêu trên tại các thị trường trọng điểm sẽ hạn chế khả năng tiếp cận, khai thác cơ hội thị trường và có thể mất thị trường.
Do đó, Việt Nam cũng cần thay đổi về cơ chế đầu mối giao dịch tại các thị trường này để ứng phó phù hợp với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các nước đối tác.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.
Có thể bạn quan tâm

Dù chưa được ghi trên bao bì nhưng thực tế nhiều loại thực phẩm người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng đã chứa nguyên liệu từ cây trồng biến đổi gien

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính sản lượng lúa cả nước năm nay đạt 45,1 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm ngoái.

Trạm Khuyến nông Đông Sơn (Thanh Hóa) đã phối hợp với xã Đông Quang tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình “Ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)” với quy mô 19 ha, 90 hộ tham gia, cấy giống Nghi hương 2308.

Vừa qua, Sở KH-CN Nam Định đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN cho Cty TNHH Cường Tân. Đây là doanh nghiệp KH-CN đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Vừa qua, tại xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả xây dựng mô hình SX giống lúa Sơn Lâm 2 và AIQ1102.