Khởi Sắc Làng Nghề Chè Ngọc Đồng
Làng nghề sản xuất, chế biến chè Ngọc Đồng – xã Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) có 87 hộ sinh sống, trong đó 97% số hộ tham gia trồng chè.
Tuy mới được UBND tỉnh công nhận là làng nghề năm 2010 nhưng nghề trồng chè ở đây đã có từ rất lâu. Trước kia trong làng chỉ có một số hộ trồng chè với quy mô nhỏ, đến năm 1985 số hộ trồng chè ngày một tăng và lan nhanh ra toàn xã.
Mặc dù có thời điểm do giá chè xuống thấp, việc canh tác gặp khó khăn, nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ cây chè và chuyển sang các loại cây trồng khác, nhưng từ sau năm 2001 đến nay, do nhu cầu tiêu thụ chè trên thị trường tăng mạnh, nghề trồng chè ở Ngọc Đồng cũng có bước phát triển mới.
Những cây chè giống cũ, năng suất thấp đã bị phá bỏ, thay vào đó là những cây chè giống mới năng suất cao được triển khai trồng đại trà. Cây chè dần trở thành một cây trồng thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho người dân nơi đây...
Một trong những người trồng chè rất sớm ở Ngọc Đồng là ông An Văn Tiếp – thương binh hạng 4/4. Ông Tiếp cho biết: “Trước kia trong làng người dân chủ yếu trồng chè hạt, năng suất thấp nên giá trị kinh tế không cao.
Tuy nhiên, sau khi được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn chăm sóc các loại chè giống mới như: PH1, Shan tuyết, Phúc Vân Tiên, Lai 1, Lai 2... năng suất cao, dễ chăm sóc, chè uống thơm ngon, xanh nước, được người tiêu dùng ưa chuộng thì người dân đã tin tưởng hơn với việc trồng chè đại trà”.
Giờ đây, nhờ trồng chè kết hợp với trồng keo, nuôi rắn hổ mang và gà ta đẻ trứng, mỗi năm ông An Văn Tiếp cũng thu được trên 150 triệu đồng. Đặc biệt, với nguồn thu nhập ổn định từ cây chè, ông Tiếp đã đầu tư mua máy vò và hai bộ chế biến sản xuất chè khô phục vụ sơ chế và bán chè thành phẩm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên...
Cùng với ông An Văn Tiếp, hiện nay tại Ngọc Đồng có 55 hộ có máy chế biến chè loại nhỏ và diện tích trồng chè của làng đã lên tới 55ha. Người dân trong làng không chỉ trồng và chế biến chè tại địa phương mà đã mở rộng sản xuất, mua thêm chè tươi từ các vùng lân cận như Văn Miếu, Võ Miếu, Tam Thanh, Tân Minh mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bình quân mỗi ngày mỗi nhà sản xuất, chế biến được 3,5 – 7 tạ chè tươi, sau khi trừ chi phí thu lãi xấp xỉ 200 nghìn đồng/ tạ. Từ đó, đời sống của nhiều hộ dân trong làng đã nâng cao đáng kể: 75% số hộ có mức sống ổn định và khá, 100% số hộ có nhà xây kiên cố, nhiều hộ có nhà cao tầng khang trang...
Anh Hà Thanh Quảng – Trưởng làng nghề sản xuất, chế biến chè Ngọc Đồng cho biết: Sau khi được công nhận làng nghề, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong làng với cây càng đã nâng lên rõ rệt. Nhờ biết cách chăm sóc, phân trà nên trung bình mỗi năm người dân Ngọc Đồng có thể thu 7 lứa chè.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trồng, chế biến, chăm sóc chè cũng được người dân đặc biệt quan tâm nên đến nay sản phẩm chè Ngọc Đồng đã tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng với đông đảo người tiêu dùng.
Hi vọng trong thời gian tới, làng nghề sản xuất, chế biến chè Ngọc Đồng sẽ được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, các ngành, đặc biệt là cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và nguồn vốn để người dân yên tâm phát triển sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình...
Có thể bạn quan tâm
Cụt cánh tay trái do vấp phải bom bi trong một lần đào gốc tre, những tưởng cuộc sống của anh sẽ rơi vào khốn khó. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, anh đã dần vượt qua được khó khăn, mặc cảm để đưa gia đình vươn lên làm giàu bằng nghề chăn nuôi vịt đồng. Đó là anh Võ Văn Đề, 51 tuổi ở thôn Hội Yên, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị)…
Đi tham quan mô hình gồm có 150 gian chuồng mới được dựng lên kiên cố trên diện tích nhà hình chữ U rộng khoảng 200m2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hệ thống điện, các ô cửa cho ánh sáng tự nhiên, khoang chứa nước… đều được bố trí khoa học, đầy đủ, rất thuận tiện cho việc chăm sóc vật nuôi.
Theo Matthew Briggs, cố vấn nuôi trồng thủy sản của công ty Ridley Aquafeed với hơn chục năm kinh nghiệm trong ngành tôm Đông Nam Á, thiếu hụt do Hội chứng EMS khắp châu Á nhiều khả năng sẽ kéo dài ít nhất trong vài năm tới, thậm chí “có thể lâu hơn”
Thời gian qua, dịch bệnh trên các loài thủy sản nuôi liên tiếp diễn ra khiến nhiều hộ nuôi lao đao. Không chỉ gây nên thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh còn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tôm là một trong những loài thủy sản được nuôi phổ biến do mang lại giá trị cao.
Theo kết quả khảo sát vào đầu năm 2013 của Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu về tỷ lệ hao hụt của lươn nuôi từ nguồn giống khai thác tự nhiên ở địa bàn xã Tân An thuộc thị xã Tân Châu cho thấy: Tỷ lệ hao hụt trung bình của lươn nuôi ở các mô hình nuôi lươn thương phẩm là: 59,27% .