Triển vọng giống lúa thơm SV181

Với thời gian sinh trưởng ngắn, ít bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại, cho năng suất vượt trội, thích ứng rộng trong cả hai vụ sản xuất… giống lúa thơm SV181 có rất nhiều triển vọng trên đồng đất xứ Quảng.
Đầu vụ hè thu 2015, được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tam Thành 1 và Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tích cực hỗ trợ nhiều khâu, ông Đinh Tiến Hùng ở thôn Khánh Mỹ (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) triển khai sản xuất khảo nghiệm 2 sào giống lúa thuần SV181.
Ông Hùng cho biết, từ đầu đến cuối vụ nhờ nguồn nước tưới chủ động, ứng dụng bài bản gói kỹ thuật mới do ngành chuyên môn hướng dẫn nên số diện tích lúa trình diễn này phát triển rất tốt.Đặc biệt, mặc dù thời tiết diễn biến hết sức bất lợi nhưng ruộng lúa vẫn đẻ nhánh khỏe, trổ thoát và ít bị nhiễm các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn…
Nhìn ruộng lúa trĩu bông đang chín vàng, ông Hùng hồ hởi: “Tuy 2 sào lúa SV181 của tôi khi bước vào giai đoạn trổ đòng rộ có dính phải những đợt mưa bất thường nhưng thực tế tỷ lệ hạt lép trên bông vẫn rất thấp. Vụ này, bình quân 1 sào chắc chắn sẽ thu được 350kg lúa khô, tăng 50kg so với trước đây gieo sạ bằng giống lúa thuần HT1”.
Còn ông Nguyễn Văn Lan ở thôn Tú Hội 3 (xã Tam Thành) thì nói: “Qua theo dõi cho thấy, giống lúa thuần SV181 có thời gian sinh trưởng khoảng 83 - 85 ngày, ngắn hơn các loại giống sản xuất đại trà ở địa phương 5 - 7 ngày. Giống lúa này thích ứng rộng trên nhiều chân đất, chịu thâm canh cao, không bị đổ ngã, chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt và kháng được nhiều loại sâu bệnh. Hè thu năm nay gia đình tôi gieo sạ 3 sào lúa SV181, theo dự kiến thì năng suất sẽ đạt 360kg/sào, tăng 70kg so với làm những loại giống HT1, Xi23 trong những mùa trước”.
Ông Nguyễn Thế Nam - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, vụ hè thu này đơn vị phối hợp cùng ngành nông nghiệp và một số hợp tác xã ở 4 địa phương gồm Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn hỗ trợ cho 200 hộ dân triển khai canh tác khảo nghiệm 38ha giống lúa thơm chất lượng cao SV181.
Ngoài những chân ruộng trình diễn ở xã Tam Thành của huyện Phú Ninh thì hầu hết mô hình tại những địa phương khác cũng mang lại thành công lớn. Theo đó, năng suất bình quân của những mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa thơm SV181 đạt khoảng 71 tạ/ha, cao hơn 8 tạ/ha so với giống đối chứng KD18 canh tác trên cùng chân đất. Mới đây, tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá về hiệu quả của mô hình này, nhiều nông dân cho biết sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thì 1ha giống lúa thuần SV181 cho mức lãi ròng hơn 18,7 triệu đồng, trong khi đó ruộng đối chứng KD18 chỉ lãi chừng 11 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Thế Nam, ngoài việc cho năng suất cao, cứng cây, ít bị nhiễm sâu bệnh, phù hợp trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu ở Quảng Nam thì gạo của giống lúa SV181 rất trong, không bạc bụng, cơm ngon, mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ. Ông Nam nói: “Với những đặc tính vượt trội đó, chúng tôi đang đề nghị Sở NN&PTNT xem xét đưa giống lúa SV181 vào cơ cấu giống sản xuất của tỉnh, bắt đầu từ vụ đông xuân 2015 - 2016 sắp tới”.
Có thể bạn quan tâm

Từ nay đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã quy hoạch trồng 257.000ha cây ăn quả tại Nam Bộ đạt chuẩn an toàn thực phẩm, theo đó có 50% sản phẩm đạt chuẩn GAP.

Hơn tháng qua, giá chuối mốc được các thương lái liên tục đẩy lên cao, nhiều người trồng chuối phấn khởi, tập trung thu hoạch, tiêu thụ. Một trong những nguyên nhân chính là do Trung Quốc đang “ăn” mặt hàng này nên các tiểu thương mua gom để cung ứng, đẩy cầu lên cao.

Cần phải khẳng định rằng: Muốn nâng cao chất lượng và giá trị nông sản thì không có con đường nào khác là phải sản xuất nông sản sạch (theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP). Tuy nhiên, rất nhiều lý do khác nhau khiến việc xây dựng mô hình GAP trở nên “sống dở chết dở”, nông dân cảm thấy chán ngán và đã trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống.

Gần đây, giá cá tra nguyên liệu phục hồi mạnh sau một thời gian dài xuống ở mức thấp. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu tăng trở lại chưa thể giúp người nuôi cá tra được hưởng lợi do người nuôi không có cá xuất bán vào thời điểm này. Trong khi đó, việc tái đầu tư nuôi cá của nhiều hộ dân vẫn khó khăn, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ.

Tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - ông Nguyễn Hùng Linh vừa cho biết, VFA đã thống nhất chọn giống Jasmine 85 để xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.