Lở Mồm Long Móng Để Dịch Bệnh Không Còn Đến Hẹn Lại Lên

Dịch bệnh tiếp diễn - nguyên nhân do đâu?
Trưởng phòng Dịch tễ Chi cục Thú y tỉnh Long An - Nguyễn Văn Cường cho biết: “2 nguyên nhân chính khiến dịch bệnh cứ “tái đi, tái lại” là: Thứ nhất, do người dân chưa tiêm phòng vật nuôi theo đúng quy trình, lứa tuổi theo quy định, đến khi thấy có dịch bệnh xảy ra thì mới bắt đầu tiêm đối phó;
Thứ hai là tâm lý ỷ lại, chờ đợi các đợt tiêm miễn phí do ngân sách Nhà nước cấp nên khi dịch bệnh bùng phát sẽ trở tay không kịp”. Nhiều người dân chưa ý thức được tác hại của việc tiêm không đúng lịch, đúng thời điểm nên hiệu quả tiêm phòng không cao.
Còn những hộ chủ quan, nghĩ rằng sức khỏe đàn vật nuôi của mình đang tốt, “chích” cũng được không “chích” cũng không sao, đợi Nhà nước cấp vắcxin miễn phí rồi mới tiêm phòng dù giá vắcxin lở mồm long móng (LMLM) cho trâu, bò, heo nếu mua tự túc trung bình chỉ khoảng 15 ngàn đồng/liều/con. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, phần lớn người dân chăn nuôi nhỏ, lẻ, tự phát, chuồng trại chưa bảo đảm.
Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, người chăn nuôi ít được tiếp cận với thông tin dịch bệnh, cách phòng, chống và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thậm chí có những hộ khi gia súc mắc bệnh vẫn cố tình che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, tình hình nhập bò Campuchia chưa tiêm chủng để nuôi vỗ béo tại các xã biên giới hoặc việc vận chuyển heo từ các tỉnh phía Bắc vào các cơ sở giết mổ trên địa bàn khiến dịch bệnh LMLM vẫn luôn là mối nguy chực chờ bùng phát.
Thay đổi nhận thức mới chuyển biến hành vi
Ông Lê Văn Đính (ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ) cho biết: “Gia đình tôi nuôi 9 con bò thịt. Qua các lớp tập huấn, tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong chăn nuôi! Tham gia các lớp tập huấn, tôi và người dân nơi đây thấy được tầm quan trọng của việc tiêm chủng đúng lịch khuyến cáo của cơ quan Thú y trong phòng, chống dịch bệnh".
Còn anh Đoàn Minh Sơn (ấp Gò Chuối, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Trước đây, tôi nuôi bò đẻ nhưng từ năm 2010 đến nay thì chuyển qua nuôi bò vỗ béo do lợi nhuận cao hơn, mau thu hồi vốn.
Mua bò từ Campuchia chưa qua tiêm chủng nên tôi cũng lo. Được tham gia các lớp tập huấn, tôi có thể nhận biết được các biểu hiện của 2 bệnh nguy hiểm trên trâu, bò là bệnh toi (tụ huyết trùng) và LMLM cùng cách phòng bệnh.
Trước đây, tôi cũng như những hộ xung quanh ai cũng e ngại việc tiêm ngừa trên bò đang mang thai, sợ bị sẩy thai hoặc bò con chậm lớn. Thế nhưng, khi được cán bộ ngành Thú y giải thích, chúng tôi đã hiểu và yên tâm về sức khỏe của đàn gia súc nếu được tiêm phòng đầy đủ”.
Theo Trưởng Trạm Thú y huyện Đức Huệ - Trần Văn Thống, ngoài truyền thông bằng xe máy, phát thanh và tổ chức lớp tập huấn của Chi cục Thú y thì trạm cũng tổ chức thêm 20 lớp tương tự trong huyện, đặc biệt ở những xã, ấp tập trung số lượng trâu, bò nhiều.
Do tập quán chăn nuôi từ trước đến giờ, người dân vẫn rất “e dè” với việc tiêm phòng trâu, bò đang mang thai nên công tác vận động, tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có người còn yêu cầu cán bộ Thú y cam kết phải chịu trách nhiệm nếu gia súc sẩy thai. Tuy nhiên, qua những lớp tập huấn này, người dân dần thay đổi nhận thức và sẵn sàng hợp tác trong công tác phòng dịch trên đàn vật nuôi của gia đình.
Có thể nói, tuyên truyền, dù dưới hình thức nào thì cũng chính là biện pháp căn cơ, để người dân thay đổi nhận thức, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Việc tổ chức các lớp tập huấn, ngoài cung cấp các kiến thức cần thiết, giải đáp thắc mắc cho người dân, cán bộ Thú y còn nắm được số điện thoại của từng nông dân để thỉnh thoảng gọi hỏi thăm, tư vấn trong chăn nuôi.
Qua những nỗ lực trên, hy vọng rằng nhận thức của người dân sẽ dần thay đổi, không còn thờ ơ, ỷ lại, sẵn sàng phối hợp cùng cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, để dịch bệnh không còn là nỗi lo “đến hẹn lại lên”!
Có thể bạn quan tâm

Thẩm quyền công bố dịch bệnh thủy sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y. Trong trường hợp không công bố dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận về loại dịch bệnh thủy sản xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ.

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ sau khi tham quan Cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp của doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên và nghe doanh nghiệp này báo cáo về Dự án đầu tư cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa vào ngày 5.8.

Mặc dù, năm nay, trên các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã thu hoạch được 70% tổng sản lượng, tôm sú đang thu hoạch, năng suất đạt khá cao song người dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu và chưa mạnh dạn đầu tư ở vụ tới do đang là cao điểm của mùa mưa, bão.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tại hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Bến Tre và các giải pháp phát triển ca cao bền vững cho khu vực ĐBSCL” vừa tổ chức tại tỉnh Bến Tre…

Theo ông Trần Tự, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), toàn thị xã hiện có khoảng 1.700ha mía bị bệnh trắng lá, tăng mạnh so với năm ngoái, tỷ lệ phổ biến 5% - 10%, có nơi trên 50% và đang lan rộng.