Triển Vọng Cây Măng Cụt Ở Đạ Huoai (Lâm Đồng)
Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2010, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã bắt đầu đưa cây măng cụt vào trồng thí điểm tại một số xã. Kết quả cho thấy, cây măng cụt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Dự kiến trong tương lai không xa, cây măng cụt sẽ là một trong số giống cây ăn quả chủ lực được trồng trên địa bàn toàn huyện.
Từ năm 2010, Trung tâm Nông nghiệp (TTNN) huyện Đạ Huoai đã tiến hành nhiều đề án chuyển đổi cây trồng; trong đó, có Đề án chuyển đổi cây điều và cải tạo cây ăn quả. Măng cụt là cây ăn quả mới được huyện lựa chọn để trồng xen dưới những diện tích điều, chôm chôm, mít già cỗi năng suất thấp, ít mang lại hiệu quả kinh tế. Theo TTNN huyện, cây măng cụt chống chịu sâu bệnh rất tốt, dễ chăm sóc, chu kỳ sống từ 30 - 50 năm.
Loại cây này lúc nhỏ ưa bóng mát nên trồng dưới tán điều là thích hợp. Sau 3 năm, toàn huyện đã trồng mới được trên 273 ha, nâng tổng diện tích cây măng cụt của huyện lên 384 ha. Hiện nay, 34 ha măng cụt bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do sản lượng còn thấp nên chưa tính toán được cụ thể hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này. Theo nhận định của TTNN huyện Đạ Huoai, dù mới bắt đầu thu hoạch với năng suất và sản lượng còn thấp, nhưng thực tế cho thấy cây măng cụt sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh là những “tín hiệu” tích cực để phát triển loại cây này.
Xã Hà Lâm là một trong những xã tiên phong và trồng nhiều cây măng cụt trên địa bàn huyện. Hiện, người dân trong xã đã trồng được khoảng 76 ha măng cụt; trong đó, có khoảng 10 ha do người dân tự trồng trước đây đã cho thu hoạch, với năng suất bình quân 7,5 tạ/ha. Ông Ngô Ngọc Biển (thôn 3, xã Hà Lâm) cho biết: “Từ năm 2007, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 500 cây măng cụt trên diện tích hơn 3 ha.
Đến nay, năng suất bình quân thu được từ 10 - 15 kg trái/cây. Tuy nhiên, do chưa am hiểu về kỹ thuật, nên chất lượng trái chưa đồng đều. Thêm vào đó, nguồn tiêu thụ vẫn chưa ổn định, giá cả còn bấp bênh. Do đó, trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tập trung chăm sóc diện tích hiện có để nâng cao năng suất và chất lượng. Một khi diện tích này đã đạt yêu cầu và đầu ra ổn định thì gia đình mới tính đến chuyện phát triển thêm diện tích”.
Tương tự gia đình ông Biển, bà Tăng Thị Đỗ (thôn 4, xã Hà Lâm) lo lắng: “Nhà tôi có hơn 1 ha măng cụt, năm nay bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, hiện chất lượng trái không cao, số bị sượng chiếm gần 30%. Vấn đề tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn, có ít thương lái tới mua, nên chủ yếu bán lẻ là chính. Năm nay, măng cụt loại 1 có giá khoảng 30 ngàn đồng/kg, loại 2 từ 18.000 - 20.000 đồng/kg”.
Còn ông Triệu Quang Biểu (thôn 1, xã Hà Lâm) mong muốn: Nhà nước đã hỗ trợ người dân về cây giống để phát triển măng cụt, thì cũng nên giúp nông dân tìm “đầu ra” ổn định cho loại trái cây này, để người dân yên tâm sản xuất. Ông Phạm Văn Thanh, khuyến nông viên xã Hà Lâm, cho biết: Hiện, toàn xã Hà Lâm có khoảng 300 hộ tham gia Đề án trồng cây măng cụt theo Đề án chuyển đổi cây điều và cải tạo cây ăn quả. Hầu hết các hộ đều được hỗ trợ 60% chi phí cây giống và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc măng cụt.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, toàn huyện Đạ Huoai sẽ có 500 ha măng cụt. Để đạt được diện tích này, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển đổi diện tích chôm chôm, mít kém hiệu quả sang trồng măng cụt và tiếp tục mở rộng diện tích măng cụt từ điều chuyển sang. Dự kiến, sẽ có 65 ha măng cụt chuyển từ chôm chôm, 29 ha măng cụt chuyển từ diện tích điều, còn lại 22 ha sẽ chuyển đổi từ diện tích mít. Nếu tạo được sự liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm, thì hy vọng cây măng cụt sẽ trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Đạ Huoai.
Có thể bạn quan tâm
Được tổ chức tại Hà Nội chiều qua (22/10) bởi Cty Yến sào Khánh Hòa, hội thảo khoa học “Phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo hướng bền vững” đã được nhiều nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cho ý kiến.
Có 28 đại biểu đến từ Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp và nông thôn châu Á Thái Bình Dương (APRACA) và đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đến dự. Tọa đàm do Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đăng cai tổ chức.
Để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su vào ngày 28/10 sắp tới, nhiều công ty và công đoàn cao su đã thưởng “nóng” cho những tập thể, công nhân hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2014.
Giá mía năm nay tiếp tục giảm khiến bà con trồng mía trong vùng quy hoạch tập trung tại các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch của huyện Thới Bình (Cà Mau) thua lỗ...
Hậu Giang là tỉnh có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL với 12.600 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, hơn 8.300 ha và đây cũng là địa phương có diện tích mía đang bị nước lũ đe dọa nhiều nhất do nền ruộng trũng, thấp.