Triển Khai Mua Tạm Trữ Gần 3 Triệu Tấn Gạo
Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, cho biết, đến ngày 24/2, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 270.000 ha lúa đông xuân 2011-2012. Với năng suất bình quân trên diện tích đã thu hoạch là 6,24 tấn/ha, lượng lúa đã thu hoạch là 1,684 triệu tấn. Dự kiến đến hết tháng 2, sẽ có khoảng 300.000 ha được thu hoạch, sản lượng 1,872 triệu tấn. Trong tháng 3 tới, nhất là nửa cuối tháng 3 và mấy ngày đầu tháng 4, ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ lúa đông xuân, với diện tích khoảng 700.000-800.000 ha. Với năng suất bình quân dự tính cũng ở mức 6,24/ha, trong tháng 3 và mấy ngày đầu tháng 4, sẽ có khoảng 4,368-4,992 triệu tấn lúa được thu hoạch.
Trong bối cảnh xuất khẩu gạo vẫn đang gặp khó khăn, việc tiêu thụ lượng lúa hàng hóa như trên đang là một bài toán khó. Chính vì thế, theo ông Trần Bảy, Trưởng phòng Kế hoạch TCty Lương thực Miền Nam (VINAFOOD II), từ tháng 2 này, TCty đã triển khai cho 24 doanh nghiệp thành viên công tác thu mua tạm trữ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân 2011-2012. Theo đó, lượng thu mua tạm trữ quy ra gạo sẽ là 1,9 triệu tấn. Giá thu mua được thực hiện theo giá thị trường, nhưng không thấp hơn mức 5.000 đ/kg (giá quy ra lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu). Sở dĩ đặt ra mức thu mua quy ra lúa khô không thấp hơn mức 5.000 đ/kg như trên là vì giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay đã được tính ở mức 3.400 đ/kg. Vì thế với giá tối thiểu 5.000 đ/kg, đã đủ đảm bảo lợi nhuận cho nông dân theo yêu cầu của Chính phủ (từ 30% trở lên).
Cũng theo ông Bảy, 24 đơn vị thành viên của VINAFOOD II được giao chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ, hiện đang đứng chân trên 13 tỉnh, TP của ĐBSCL. Do đó, việc thu mua tạm trữ sẽ được thực hiện ở tất cả các vùng sản xuất lúa ở khu vực này. Hệ thống kho bãi hiện tại của VINAFOOD II đảm bảo dư sức chứa được lượng gạo nói trên trong thời gian dài. Để chuẩn bị nguồn vốn thu mua tạm trữ, VINAFOOD II đã đàm phán với một số ngân hàng lớn và được các ngân hàng này đồng ý ủng hộ. Lúa thơm, lúa chất lượng cao sẽ được các doanh nghiệp của VINAFOOD II ưu tiên thu mua tạm trữ. Với lúa IR 50404, các đơn vị cũng sẽ thu mua, nhưng chỉ mua lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tất cả 24 đơn vị đều đã khẩn trương bắt tay vào tổ chức mạng lưới thu mua lúa gạo hàng hóa ở các chốt, trạm…
Song song với chương trình thu mua tạm trữ của VINAFOOD II, Hiệp hội Lương thực Miền Nam (VFA) cũng đang chuẩn bị kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, thời gian dự kiến bắt đầu từ 15/3, và dự kiến kết thúc vào 30/4. Các đơn vị thành viên của VFA sẽ thu mua tạm trữ theo giá thị trường, nhưng không thấp hơn mức 5.000 đ/kg (lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu). Thời gian tạm trữ là 3 tháng. Hiện VFA đã kiến nghị Chính phủ phê duyệt kế hoạch thu mua tạm trữ này.
Những thông tin về việc thu mua tạm trữ lúa gạo hàng hóa đã có tác động tức thì tới thị trường lúa gạo ở ĐBSCL. Theo ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), từ hôm chủ nhật (26/2), giá gạo nguyên liệu các loại đã nhích lên khoảng 100-200 đ/kg. Cụ thể, tới ngày 27/2, giá gạo nguyên liệu loại 1 đã lên mức 7.200 đ/kg, gạo nguyên liệu loại làm ra gạo 25% tấm ở mức 6.900-7.000 đ/kg.
Mặt khác, cũng theo ông Trần Bảo Toàn, việc Trung Quốc mua mạnh gạo hàng hóa Việt Nam từ sau Tết Nhâm Thìn đến giờ, cũng đang giúp cho giá lúa vụ đông xuân đứng vững ở mức trên 5.000 đ/kg (lúa khô) – là mức giá vẫn đảm bảo lợi nhuận khá cho người nông dân. Ông Toàn cho biết hiện nay, ở các cảng lớn thuộc ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp…, ngày nào mỗi cảng cũng có chừng 15-20 tàu chờ chực để mua gạo chở ra Bắc xuất sang Trung Quốc. Tính ra, mỗi ngày, có chừng khoảng 10.000 tấn gạo ở ĐBSCL được chở ra Bắc để xuất sang bên kia biên giới. Theo ông Toàn, thị trường Trung Quốc đang trở thành “cứu tinh” cho hạt gạo Việt Nam vì nếu không có sức mua lớn từ thị trường này, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đã có thể bị giảm xuống thêm từ 1.000-2.000 đ/kg.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19/3, Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra mô hình sản xuất giống lúa ĐS1, Akita Komachi, Hananomai, có nguồn gốc từ Nhật Bản và mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Mấy ngày gần đây, nhiều thông tin báo, đài về giá sương sáo giảm mạnh trong mùa vụ năm nay đã làm cho bà con xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vô cùng lo lắng và bức xúc.
Đến thời điểm này, người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã tiến hành thu hoạch được hơn 70% tổng diện tích tiêu trên toàn huyện. Tuy nhiên, niên vụ hồ tiêu năm nay, tiếp tục là một năm buồn đối với người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện, bởi sản lượng tiêu năm nay đều giảm mạnh so với năm trước.
Thời điểm hiện nay ở Phú Yên rất thuận lợi về nguồn nước nên các loại thức ăn cho cá ao rất dồi dào, người nuôi trồng thủy sản có thể tận dụng để chế biến thức ăn cho cá. Việc làm này bảo đảm cho cá đủ dinh dưỡng và phát triển tốt, đồng thời cũng giảm được một khoản chi phí không cần thiết do phải mua thức ăn.
Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.