Triển Khai Đề Án Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Thời gian qua, tuy số lượng sản xuất tôm giống trong tỉnh Cà Mau có tăng lên đáng kể nhưng chất lượng còn hạn chế, kết quả kiểm tra tôm sú giống sản xuất hàng năm trên địa bàn cho thấy, có khoảng 150 triệu con tôm giống không đạt chất lượng, trong đó, bệnh còi chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đây là khó khăn và cũng là một trong những mục tiêu chính được nêu ra tại hội nghị triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống tỉnh Cà Mau do Sở NN&PTNT tổ chức diễn ra vào sáng 18/12.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Cà Mau có gần 1.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống với năng lực sản xuất hàng năm đạt từ 8 đến 9 tỷ con tôm sú giống, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thả nuôi của bà con nông dân trong tỉnh, số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh lân cận.
Theo đó, mục tiêu của Đề án nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2016 đảm bảo 60% tôm giống thả nuôi đạt tiêu chuẩn quốc gia; 90% số lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh và nhập từ các tỉnh về được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng; trong đó, tôm giống sản xuất trong tỉnh đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thả nuôi. Mặt khác, đảm bảo 90% kỹ thuật viên cơ sở sản xuất tôm giống nắm vững quy trình kỹ thuật; 90% cơ cở sản xuất tôm giống nằm trong quy hoạch.
Đề án còn định hướng đến năm 2020 ngoài tiếp tục nâng cao tỷ lệ các mục tiêu vừa nêu từ 75% đến 100%, Cà Mau sẽ xây dựng từ 2 khu sản xuất giống tập trung trở lên, đảm bảo đầy đủ về cơ sở hạ tầng thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh hơn 264 tỷ đồng. Trước mắt, ngành chuyên môn sẽ từng bước nâng cao nhận thức cho người dân cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; năng lực sản xuất tôm giống; cơ chế chính sách và tổ chức lại sản xuất để thực hiện đạt được các mục tiêu Đề án nêu ra.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện dự án cánh đồng mẫu lớn nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP giai đoạn 2011- 2014, trong năm 2014, TX Bình Minh (Vĩnh Long) có kế hoạch sản xuất gần 1.000ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Đông Thạnh.
Nông dân 2 xã Tân Trung và Tân Hòa (Phú Tân - An Giang) đang vào vụ thu hoạch khoai cao – một trong những cây chủ lực của các loại hoa màu tại xứ cồn.
Càng vào cuối vụ thu hoạch, diện tích mía còn lại trên toàn vùng phía Đông Nam tỉnh lại càng thêm khô, nhiều diện tích mía đã bị cháy khiến cho không ít nông dân lo lắng. Để giảm thiệt hại và đốn mía theo đúng lịch, toàn thể công nhân-lao động tại Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) đang cho nhà máy hoạt động hết công suất.
Từ thị trấn Prao (huyện Đông Giang, Quảng Nam) dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Avương, Bhalêê, Atiêng, Lăng... đã thấy mây được tập kết trước nhà của người dân trong các bản làng...
Đây là số tiền mua bò được trích từ nguồn quyên góp ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An để giúp đỡ các xã nghèo biên giới phát triển kinh tế.