Triển Khai Chính Sách Phát Triển Thủy Sản, Hỗ Trợ Ngư Dân

Ngày 12-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7 về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-8 tới đây, có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới,…
Đây được coi là động lực mạnh mẽ phát triển ngành thuỷ sản mà trọng tâm là phát triển đội tàu đánh cá xa bờ.
Nhằm bảo đảm chính sách đi ngay vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 cần được hoàn thành trước khi Nghị định có hiệu lực.
Tinh thần xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm “khuyến khích đánh bắt xa bờ, không khuyến khích đánh bắt gần bờ và đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên trên hết” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách, Phó Thủ tướng nêu rõ, không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể; các đối tượng phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu.
Việc đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần được thực hiện thí điểm ở cấp cơ sở, từ đó, chính quyền địa phương sẽ quyết định nhân rộng ra toàn tỉnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, minh bạch chính sách cho vay ưu đãi tới tận cơ sở, tránh tình trạng ngư dân không nắm hết chính sách, bị “cò mồi” lợi dụng để trục lợi. Cần có giải pháp để ngư dân tham gia thiết kế mẫu tàu, tránh việc cán bộ ngồi ở văn phòng thiết kế tàu nhưng không phù hợp nhu cầu ngư dân.
Khi thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm thuyền viên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính xây dựng theo hướng Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả trực tiếp cho doanh nghiệp bảo hiểm thay vì ngư dân phải mất thời gian, thủ tục tự chi trả bảo hiểm như hiện nay.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tăng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá cho những năm tiếp theo để hỗ trợ hoạt động đánh bắt xa bờ, trong đó lựa chọn hoàn thành dứt điểm một số cảng cá quan trọng.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, trong khi hàng nghìn hộ chăn nuôi trên cả nước bị thua lỗ do giá lợn, gà giảm quá thấp, thì những hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai vẫn có lãi nhờ tỷ lệ lợn chết và hiệu số tiêu tốn thức ăn thấp.

Hiện nay, do làm lúa lợi nhuận thấp, nhiều nơi đã chuyển đổi 1 hoặc 2 vụ trồng lúa sang trồng màu các loại như bắp, đậu nành, mè… Dưới đây là một số biện pháp cải tạo đất sau khi trồng màu để trồng lúa thu đông có hiệu quả.

Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có chiều dài bờ biển trên 50 km, ngoài chú trọng trồng rừng phòng hộ ven biển huyện còn triển khai thí điểm nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản để phát triển kinh tế. Trong đó chủ trương nuôi hến ở địa bàn xã Sơn Bình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nam bộ bao gồm 21 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, hiện có diện tích cây ăn trái 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn, chiếm 53,2% về diện tích và 57% về sản lượng trái cây trong nước. Gần đây, sản xuất trái cây ở Nam bộ có những bước tăng trưởng khá nhanh về cơ cấu và sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Giá củ mì nguyên liệu tăng cao đột biến trong khoảng 5 tháng gần đây có nguyên nhân do thiếu hụt nguyên liệu nên nhiều nhà máy tranh nhau mua, đẩy giá thu mua lên cao.