Mùa Cá Mòi
Với lợi thế giáp sông Hồng, nhiều người dân ở xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) đã lựa chọn nghề chài lưới để làm kế sinh nhai. Nghề đánh bắt cá của các hộ chài lưới diễn ra quanh năm, thế nhưng sôi động nhất có lẽ chính là vào vụ cá mòi.
Cá mòi có ở nhiều nơi nhưng cá được đánh bắt từ sông Hồng vẫn là ngon nhất. Trên khúc sông Hồng đoạn chảy qua địa phận thành phố Hưng Yên, sau dịp Tết Nguyên đán, các hộ làm nghề chài lưới đều tất bật chuẩn bị thuyền, lưới… để đánh bắt cá mòi. Với vị trí địa lý nằm trải dài ven sông Hồng, các “ngư dân” của xã Hoàng Hanh đã coi việc đánh bắt cá mòi là nghề truyền thống mang lại thu nhập cao.
Theo những hộ làm nghề đánh bắt cá mòi lâu năm, khi hoa gạo nở rộ ấy là lúc cá mòi vào chính vụ, bởi đó là thời điểm ấm áp phù hợp để cá mòi ngược dòng về sinh sản. Năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài, đến đầu tháng 2 âm lịch cá ở vùng nước lợ mới ngược dòng về, vụ cá mòi vì thế cũng bị co ngắn lại. Sản lượng cá mòi chỉ bằng 60 – 70% của năm 2013.
Bác Trần Văn Nghiên (thôn An Châu 2, xã Hoàng Hanh), một hộ làm nghề chài lưới đã nhiều năm cho biết: “Nghề chài lưới trên sông của gia đình được ông cha truyền lại. Chúng tôi đánh bắt quanh năm, mùa nào thì loại cá đó, nhưng mùa cá mòi thì sôi động nhất và thu nhập cũng cao nhất.
Để bắt được nhiều mòi, người làng chài phải dựa vào kinh nghiệm bắt con nước, canh đúng thời điểm con nước lên để thả lưới. Đây chính là thời điểm đánh bắt được nhiều cá. Vụ này do ảnh hưởng của thời tiết nên lượng cá mòi giảm hẳn, mỗi thuyền chỉ kéo được khoảng 40 – 50kg cá/ngày, giảm gần một nửa so với năm ngoái.”
Cá mòi rất “tinh”, để bắt được loại cá này cần phải có lưới chuyên dụng, gọi là “lưới mòi”. Lưới mòi có mắt lưới nhỏ, sợi mảnh phù hợp với kích cỡ của con cá mòi. Vào vụ cá mòi, người làm nghề thường chia thành hai ca: Ca đêm người dân xuống thuyền từ chiều, đi tới sáng;
Ca sáng đi từ sáng tới trưa hoặc tới đầu giờ chiều. Ca đêm tuy vất vả nhưng bù lại là những mẻ lưới nặng. Đêm đến, những chiếc thuyền nan, thuyền tôn, thuyền sắt, cái chèo chân, cái dùng máy, thắp đèn nhấp nháy, dập dờ trôi theo từng nhịp sóng sông Hồng.
Vào thời gian sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, trên bến Vũ Điện (thôn An Châu 2) tấp nập người mua buôn đón đợi các thuyền đánh cá mòi trở về. Ngày thường bến đò Vũ Điện là bến khách ngang sông khá vắng, phục vụ nhu cầu, đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân sang huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Thế nhưng vào vụ cá mòi, bến sông đã trở thành chợ cá ven sông để bán lẻ và bán buôn đi các chợ ở trong và ngoài tỉnh.
Xuống bến vào thời điểm thuyền cập bến, chúng tôi nhận thấy niềm vui của nhiều ngư dân. Thuyền chài của bác Đỗ vừa cập bến ít phút đã bán hết số cá mòi đánh được. Một ngày chài lưới có hiệu quả cao, bác phấn khởi: “Đúng mùa cá mòi, ra khơi gặp thời tiết thuận lợi mới đánh được nhiều. Những hôm động trời, mỗi mẻ lưới chẳng được bao nhiêu.
Cá mòi sinh trưởng và được đánh bắt tự nhiên lại chỉ có theo mùa nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích, luôn bán được giá cao và đắt hàng hơn các loại cá khác. Vào vụ cá mòi, mỗi thuyền cho thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 – 4 lần các tháng khác trong năm”.
Việc mua bán cá mòi tại bến diễn ra rất nhanh chóng. Chị Nguyễn Thị La (xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên), một người mua buôn cá mòi trên bến, cho biết: “Từ nhiều năm nay, tôi đều muôn buôn cá mòi tại bến đò Vũ Điện (xã Hoàng Hanh).
Bến là điểm đầu mối quy tụ thuyền chài của người dân trong xã và thuyền chài bên tỉnh Hà Nam. Năm nay, giá cá mòi “nhỉnh” hơn so với năm trước. Giá mua buôn tại thuyền từ 13 – 18 nghìn đồng/kg, tùy từng thời điểm, giá cá mòi bán lẻ ở các chợ khoảng 20 - 40 nghìn đồng/kg”.
Hiện toàn xã Hoàng Hanh có khoảng trên 20 thuyền đánh bắt cá hoạt động thường xuyên trong năm, tập trung ở thôn An Châu 2, thôn Phù Sa…. Ông Dương Văn Chuyến, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hanh cho biết: Vào vụ cá mòi, số thuyền đánh cá tăng lên 30 thuyền.
Mặc dù sản lượng đánh bắt không nhiều, hoạt động thủ công song nghề đánh bắt cá cũng như đánh bắt cá mòi vẫn luôn được người dân duy trì, coi đây là nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định.
Mỗi dịp xuân sang, khi con nước sông Hồng chảy êm ái cũng là lúc từng đàn cá mòi tìm về sông Hồng đẻ trứng. Cá mòi được sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ đến mùa sinh sản chúng mới quay về nơi mình sinh ra. Do vậy, cá mòi đánh bắt tại sông Hồng trở thành đặc sản. Thân cá dài từ 15 - 20cm, vảy bạc mềm, khối lượng trung bình từ 0,8 - 1,2 lạng/con, có con to tới 1,5 - 2 lạng.
Cá mòi có đặc điểm là sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay chứ không giữ lâu được như các loại cá khác. Với dân chài lưới, cá mòi là một thứ “lộc trời” mang lại thu nhập cao trong thời vụ ngắn ngủi. Từ tháng Giêng cho đến hết tháng Ba, tháng Tư âm lịch, các thuyền tập trung cao độ cho mùa cá mòi.
Cá mòi được bày bán nhiều ở các chợ thuộc khu vực thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu… Nó không chỉ là đặc sản của người dân Hưng Yên mà còn được nhiều thực khách ở các nơi khác tìm đến mua và mang đi làm quà.
Có thể bạn quan tâm
Đã thành lệ, cứ đến tháng 5, tháng 6, khi vào mùa thu hoạch nghêu, hàng ngàn người dân ở các huyện Bình Đại, Thạnh Phong (Bến Tre) lại rủ nhau đi cào nghêu giống. Tuy nhiên, thay vì được hưởng niềm hạnh phúc thu lợi từ biển, năm nay, nông dân nơi đây phải mang tiếng là “nghêu tặc”.
Người nuôi tôm sú và nuôi nghêu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đang “nháo nhào” vì tôm, nghêu đồng loạt chết do dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thời tiết
Hơn nửa tháng nay, nhiều nhà vườn ở các xã Tân Phú, Tiên Thủy, Tiên Long (Châu Thành) và Phú Phụng, Vĩnh Bình, Vĩnh Thành, Sơn Định (Chợ Lách)… vào vụ thu hoạch chôm chôm. Chôm chôm trúng mùa, nhưng mang nhiều vị “đắng”…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5-2012 đạt 310.000 tấn, đưa sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 5 tháng đầu năm đạt 1.016.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011.
Hiện nay, để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu, thu mua cạnh tranh, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn đang ngày càng có xu hướng “tự cấp”.