Treo thưởng cho người phát hiện chất cấm
Chính vì vậy, Bộ NNPTNT tuyên bố sẽ treo giải thưởng và công bố đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về tình trạng nhập lậu, buôn bán kháng sinh, chất cấm cho người nuôi tôm.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị về kiểm soát chất lượng an toàn thủy sản xuất khẩu diễn ra ngày 29.10 tại TP.HCM.
Nhiều lô hàng bị trả về Việt Nam
Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong 9 tháng đầu năm, dù giá trị xuất khẩu giảm, số lô hàng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ, bị các nước nhập khẩu cảnh cáo, trả về tăng cao đột biến.
Số lô hàng tôm xuất khẩu bị nước ngoài nhập khẩu trả về tăng cao trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có gần 32.000 tấn hàng thủy sản các loại bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác.
Riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có 582 lô hàng thủy sản bị 38 nước nhập khẩu trả về, trung bình mỗi doanh nghiệp (DN) có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về.
Cá biệt, có 1 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản đã bị trả về đến 54 lô hàng và 1 DN khác cũng bị trả về tới 70 lô hàng nhiễm kháng sinh, chất cấm trong thời gian qua.
Giải thích lý do hàng thủy sản Việt Nam bị các nước trả về nhiều, ông Đặng Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc cho rằng, đây là hệ quả của cách làm ăn không bền vững, “hớt bọt” của một số đông DN chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện nay.
Theo đó, tôm Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất dữ dội bởi tôm Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… Tỷ lệ nuôi thành công thấp, chi phí giá thành cao, giá bán tôm Việt Nam cao hơn từ 20% so với đối thủ, do đó, để giảm giá thành, nhiều DN tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm nước lợ.
Kết quả, dù giảm được một phần nhỏ giá thành nhưng lại khiến chất lượng tôm Việt Nam giảm đi rất nhiều, rủi ro bị trả về lớn hơn, thậm chí DN mất nhiều thị trường quan trọng.
Còn theo ông Hồ Quốc Lực – Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), từ đầu năm đến nay, bệnh vi bào tử trùng bùng phát dữ dội tại các vùng nuôi tôm.
Người nuôi do đó bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại.
“Môi trường nuôi trồng thủy sản trong nước chưa tốt, ô nhiễm tràn lan trong khi phía cơ quan chức năng không công bố được đâu là mô hình nuôi tôm an toàn, chất lượng, hiệu quả cao.
Hơn nữa, các sản phẩm thuốc thú y thì được quảng cáo, bán tràn lan, người nuôi không biết đâu là thứ sử dụng được mà không tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm” - ông Lực bày tỏ.
“Đòn chí tử” xử lý kháng sinh
Phân tích nguyên nhân tình trạng tồn dư kháng sinh, chất cấm trong thủy sản xuất khẩu vẫn tăng cao, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho rằng, phương pháp quản lý của cơ quan nhà nước thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
Do đó, từ nay đến cuối năm, Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan sẽ tập trung xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh kháng sinh cấm tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Minh Thạnh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ thừa nhận rằng, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nỗ lực kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên các biện pháp đưa ra là chưa đủ, chưa kịp thời, thậm chí chưa hợp lý.
Theo đó, năng lực kiểm nghiệm của Việt Nam hiện nay chỉ mới đạt ở mức 600 hoạt chất trong tổng số 3.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường.
Do đó, cần nâng cao hơn nữa năng lực phát hiện các hoạt chất thì việc kiểm tra, kiểm soát kháng sinh mới đạt hiệu quả.
Trước tình hình căng thẳng như hiện nay, để đảm bảo giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ NNPTNT chính thức phát động đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm xuất khẩu.
Ông Tám cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa họp bàn phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Bộ NNPTNT và Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), tiến hành xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm ở các địa phương.
“Bộ NNPTNT sẽ treo giải thưởng cho tổ chức, cá nhân góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý tình trạng kinh doanh, phân phối kháng sinh cấm tại các ao nuôi ở địa phương, đồng thời sẽ công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về những đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm, kháng sinh ở cơ sở” - ông Tám nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị Nafiqad, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản gấp rút đề ra mục tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị từ trung ương đến cấp trưởng thôn, DN, hiệp hội… trong việc ngăn chặn kháng sinh cấm từ nay cho đến cuối năm, tập trung trước hết vào tôm nước lợ.
Đồng thời, lập danh mục những DN bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài để phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với DN vi phạm nhiều lần.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh (Trung tâm KN - KN tỉnh) đã tiến hành thử nghiệm giống đậu phụng mới tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Kết quả bước đầu cho thấy, giống đậu phụng mới cho năng suất cao, có thể nhân rộng mô hình.
Nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã từng là nghề hái ra tiền đối với một bộ phận người dân nơi đây. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, cũng chính con tôm lại đang đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay, nợ nần khi liên tiếp xảy ra dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt.
Hơn 3 tuần qua, dưa hấu tại Tiền Giang đã mất giá tới 7.000 - 8.000 đồng/kg, từ mức khá cao là 11.000 - 12.000 đồng/kg xuống 4.000 - 5.000 đồng/kg. Người trồng dưa vô cùng lo lắng vì khó tiêu thụ và đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Theo Sở NN - PTNT tỉnh Bình Định, hiện các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên 1.560 ha mặt nước, chiếm 71% diện tích hiện có, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, môi trường nuôi bị ô nhiễm, đầu tư chăm sóc chưa đúng mức nên nhiều vùng nuôi tôm đã xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.
Những ngày này, đến vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Giao Phong (Giao Thủy) thấy ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Bởi vụ tôm xuân hè năm nay mặc dù gặp khó khăn đầu vụ do dịch bệnh, nhưng nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được mùa, được giá.