Gỡ vướng nghề nuôi tôm hùm
Sản lượng tăng ít, giá cả bấp bênh
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, tôm hùm ở nước ta phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Tôm hùm có giá trị kinh tế cao, hiện nay đang được chú trọng phát triển và chủ yếu được nuôi lồng. Nghề tôm hùm lồng thực sự phát triển từ năm 2000. Đến nay, số lượng lồng nuôi ước tính hơn 53.000 lồng, trong đó Phú Yên có trên 23.627 lồng, Khánh Hòa 28.455 lồng với khoảng 8.000 - 10.000 hộ nuôi, sản lượng đạt khoảng 1.600 tấn/năm, đem lại nguồn thu gần 4.000 tỷ đồng/năm.
Trên thực tế, nghề nuôi tôm hùm từng một thời đem đến cho người dân các vùng biển có cuộc sống ấm no, nhiều “làng tỷ phú” từ nghề tôm hùm. Với những con số như trên, có thể nói Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong khu vực về sản xuất tôm hùm. Tuy nhiên, đến thời điểm này các vùng nuôi tôm hùm vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, việc quản lý lỏng lẻo.
Tuy có giá trị cao, nhưng thực tế nghề tôm hùm bộc lộ những yếu kém, thiếu bền vững. Cụ thể, đối với nguồn giống tôm hùm hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên, ước tính hàng năm khai thác được từ 7 đến 9 triệu con giống. Năm 2014, do khan hiếm tôm giống, nên mỗi con tôm hùm con có giá lên đến 400.000 - 450.000 đồng, cao gấp 10 - 15 lần trước đây. Dịch bệnh trên tôm tùm vẫn xảy ra thường xuyên, với bệnh lý như đỏ thân, long đầu, bệnh sữa. Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) dẫn chứng, ngoài đại dịch năm 2007 khiến 2/3 diện tích tôm hùm bị bệnh thì chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, tỷ lệ tôm hùm bị bệnh sữa, sữa đỏ chiếm khoảng 25% - 30%, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Những dịch bệnh này vẫn chưa giải quyết được gốc rễ. Còn theo ông Nguyễn Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, năm 2005, sản lượng tôm đạt 1.500 tấn, nhưng 10 năm sau, sản lượng chỉ nhích một chút. Trong khi đó, chi phí nuôi tôm hùm hiện nay đã cao gấp nhiều lần so với 10 năm trước nhưng giá bán có khi thấp hơn.
Cần một chương trình tổng thể
Theo định hướng, đến năm 2020 sản lượng tôm hùm nước ta đạt 2.000 - 2.500 tấn, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nếu không giải quyết được những tồn tại hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh, thì giá trị và thương hiệu tôm hùm nước ta bị thu hẹp dần. Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cho biết, để phát triển tôm hùm bền vững, trước tiên chúng ta cần phải quy hoạch vùng nuôi, tiếp đến là con giống. Bởi hiện nay con giống phục vụ cho người nuôi rất bị động và chưa sản xuất được. Thế nhưng nguồn tôm giống trong nước đang cạn kiệt dần do mất môi trường sống. Tại Khánh Hòa, hiện nay con giống khai thác tự nhiên chỉ đáp ứng được 30% - 40%, còn lại chủ yếu nhập khẩu con giống từ nước ngoài như Singapore, Malaysia. Do vậy mà tôm giống từ chỗ 30.000 - 40.000 đồng/con, nay tăng gấp 10 - 15 lần nên giá tôm hùm thương phẩm bán ra phải cao, dẫn đến khó cạnh tranh và ít thị trường tiêu thụ.
Với nguồn thu 200 triệu USD/năm, nghề tôm hùm đã chứng minh được thế mạnh và thương hiệu, nhưng đến nay vẫn chưa có một chương trình phát triển cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy, nguyên cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, trong mấy năm qua đã có khá nhiều đề tài nghiên cứu về nuôi tôm hùm, nhưng những nghiên cứu này chỉ dừng ở quy mô nhỏ, nghiên cứu xong rồi thôi. Nhiều kết quả công trình nghiên cứu trước không ai kế thừa, tiếp tục chắp nối nên không phát huy hiệu quả. “Ở Nhật, tuy nghề tôm hùm không mạnh nhưng họ có đến 7 đời nghiên cứu về phát triển tôm hùm. Còn ta, một nước đứng đầu về khai thác tôm hùm nhưng nghiên cứu khoa học mới bước vào thế hệ thứ 3” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy phân tích thêm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nghề tôm hùm Việt Nam đã có tiếng trên thế giới, nhưng những ý kiến tại hội nghị này đưa ra, cho thấy còn có nhiều vấn đề bất cập. Trước mắt, Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị chuyên trách tháo gỡ những tồn tại bấy lâu nay. Ngoài việc nghiên cứu để áp dụng khoa học vào nuôi tôm, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu kỹ thị trường đầu ra để khuyến cáo dân có hướng nuôi phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Rời TP Hồ Chí Minh khi đang có công việc ổn định, anh Nguyễn Văn Đảm đã lên Tây Nguyên tìm đất phù hợp để sản xuất bưởi da xanh theo hướng hữu cơ.
Trồng lan bán hoa cắt cành cho lợi nhuận cao gấp 1,5 lần thâm canh quất cảnh cùng diện tích.
Người dân ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đều ngưỡng mộ ông Nguyễn Văn Hùng, bởi ông đã nuôi thành công 2 giống gà quý hiếm.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (34 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang, được xem là người đầu tiên đưa giống xoài cát hồng về trồng thành công ở xã này,
Đó chính là chị Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyên Châu Thành A (Hậu Giang) khi nuôi cua đinh và ba ba cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.