Trang Trại Quýt Hồng Trên Nóc Nhà Miền Tây
Ông Trần Thanh Tùng, một nông dân ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) là người đầu tiên trồng thành công quýt hồng trên núi Cấm – nơi được mệnh danh là “nóc nhà miền Tây”.
Bằng tinh thần, ý chí và nghị lực của một nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó, ông Tùng đã trồng thành công quýt hồng trên đỉnh núi Cấm. Sự thành công sau hàng chục năm kiên trì của ông không chỉ giúp cho gia đình ông thóat nghèo mà còn mở ra một triển vọng về mô hình trồng cây có múi trên núi cho nhiều nông dân vùng Bảy Núi.
Quýt hồng… hơn cả giấc mơ
Ở vào độ cao trên 720m (so với mặt nước biển), vùng đất núi này trước đây không ai dám nghĩ rằng có thể trồng được cây ăn trái, “huống gì cây đặc sản khó tính như quýt hồng, nằm mơ cũng không thấy”.
Vườn quýt hồng của ông Tùng đã cho trái từ nhiều năm nay rồi nhưng mỗi lần đi dạo ra vườn, chủ nhân khu vườn vẫn bảo rằng “Cứ ngỡ như là trong mơ”. Chúng tôi những người viết bài này, lần đầu nhìn thấy cũng không khỏi ngỡ ngàng.
Được nếm mùi vị của quýt, chúng tôi lại càng thêm ngỡ ngàng vì vị ngọt lạ thường của nó; không ngọt lịm như quýt Thái, không ngọt gắt như quýt đường, một vị ngọt thanh thao, rất riêng, có thể chỉ diễn đạt được như cái tên mà bà con nông dân xứ núi nơi đây gọi là “Quýt Ba Tùng”.
Quýt hồng vốn là loại cây đặc sản, khó trồng, trước nay chỉ được trồng ở những vùng đất phù sa màu mở của vùng đồng bằng sông Cửu Long như Lai Vung, Sa Đéc (Đồng Tháp). Quýt hồng trồng thành công trên núi quả là một bước đột phá của nông dân Trần Thanh Tùng. “Chính gia đình chúng tôi cũng không ngờ, mỗi độ vào mùa thu hoạch, nhìn vườn quýt một màu vàng hồng rực mà trong người cứ lân lân một cảm giác khó tả, còn hơn cả trong mơ” – ông Ba Tùng tâm sự.
1 may mắn cộng 9 kiên trì
Nhiều người bảo rằng “Ba Tùng gặp hên đó thôi”. Bản thân ông Ba Tùng cũng không phủ nhận điều đó. “Thật sự là cũng có phần hên. Nhưng trong mười phần thành công thì chỉ có một phần hên thôi; còn lại tới chín phần kiên trì, can trường và nhẫn nại” – ông Tùng bộc bạch.
Người đầu tiên trồng quýt là vợ ông Ba Tùng chứ không phải ông. Yếu tố “hên” chính là ở đây. Từ một cây quýt “trồng chơi” của vợ sau nhà, ông Ba Tùng mới có ý định thử trồng quýt xem sao. Sau khi “bắt chước vợ” thử trồng thêm vài cây thấy “có khả năng” nên ông Tùng xuống núi, lặn lội khắp các vùng chuyên canh cây ăn trái ở miệt các cù lao sông Tiền, sông Hậu để điều nghiên, sưu tầm các giống quýt… Tuy nhiên, vốn liếng kinh nghiệm ông thu thập được ở các nơi này cũng đều là “câu chuyện cây quýt ở dưới đồng bằng; “Còn lên núi thì nó lại khác”, lại phải vận dụng thêm sự trải nghiệm của nông dân trên vùng đất núi này.
Sau nhiều năm lặn lội, vừa tìm kiếm giống vừa trồng thử nghiệm, so sánh, đối chiếu với điều kiện đất đai thổ nhưỡng nhiều vùng trồng quýt khác nhau, ông Tùng quyết định chọn giống quýt hồng Lai Vung.
Về lý do chọn giống quýt hồng Lai Vung, ông Tùng cho biết: Quýt hồng Lai Vung rất sợ thiếu nước nhưng cũng rất sợ nước dư; Cho nên bên cạnh nguồn nước tưới đầy đủ thì hệ thống tiêu nước cũng phải đảm bảo. Với độ nghiên lớn của sườn núi như núi Cấm thì hệ thống tiêu nước coi như đã có, không phải lo. “Độ nghiên trên núi này thì mưa cỡ nào cũng tiêu được hết. Bản thân mặt nghiên của đất trồng nơi đây được xem như là một hệ thống tiêu nước thiên nhiên hiệu qủa nhất” – ông Tùng phân tích.
Vấn đề còn lại là làm sao có được nguồn nước tưới. Đặc biệt, khi trồng với diện tích lớn thì nguồn nước tưới phải có tính ổn định cho cả mấy tháng mùa khô.
“Bài toán” đau đầu này đã được nông dân Ba Tùng hóa giải bằng đáp án: tích trữ nước. “Bằng cách dẫn nước từ các suối nhỏ trên núi vào mùa mưa, tôi làm nhiều hồ nhỏ để trữ lại rồi bơm tưới dần. Cũng bằng cách lấy ngắn nuôi dài, hoa lợi từ quýt được dùng để đầu tư làm thêm hồ, tăng thêm nguồn nước tưới rồi tăng thêm diện tích trồng” – ông Tùng cho biết.
Những năm đầu, sản lượng không nhiều do diện tích đất trồng giới hạn trong tính chất thăm dò, thử nghiệm… Theo từng năm, diện tích trồng quýt của ông Ba Tùng tăng dần. Từ vài chục gốc lên vài trăm gốc… Một công, hai công, rồi chục công… cho đến hiện nay là gần 4 ha.
Những năm gần đây ông Ba Tùng cùng các con tập hợp kinh nghiệm và công sức cũng như hùn vốn để tiếp tục thử nghiệm thêm mô hình trồng cam trên núi. Việc trồng cam trên núi cũng cam go không kém gì quýt nhưng “đã có kinh nghiệm quýt thì chuyển qua cam không khó”.
Theo nhận xét của tập thể gia đình ông Tùng thì bước đầu mô hình cam đã cho kết quả khả quan. Mặc dù đi sau qúyt nhưng cam cũng đã có thể khẳng định sự thành công trên núi qua vụ mấy vụ thu họach gần đây. Tổng hợp mô hình cam quýt, ông Ba Tùng thu nhập được trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng trên một công đất (1.000m2) mỗi năm.
Giờ đây, có thể khẳng định rằng mô hình trồng quýt trên núi của ông Trần Thanh Tùng đã thật sự thành công và có cơ sở để nhân rộng cho nông dân trong xã. Ông Ba Tùng đã có kế họach mở rộng sản xuất, tạo nguồn nhân giống để có thể sang bán giống cho nông dân trong vùng.
Điều đặc biệt quan trọng là ông Ba Tùng cũng sẵn sàng sang sẻ kinh nghiệm cùng những bí quyết nghề nghiệp được ông tích lũy cả chục năm qua cho tất cả những người đến mua giống quýt của ông. Mong ước của ông là làm sao mô hình của ông ngày càng được nhân rộng, có thêm nhiều nông dân thóat nghèo như ông.
“Mô hình trồng quýt của ông Ba Tùng đã chứng minh là có thể phát triển cây có múi trên vùng núi nơi đây. Hội nông dân đang tích cực tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ, vốn vai để giúp nông dân có cơ hội đầu tư trống cam, quýt như ông Trần Thanh Tùng” – ông Chau Ra Nắk, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hảo, huyện Tịnh Biên”.
Có thể bạn quan tâm
Các ao, đầm nuôi không đảm bảo điều kiện kỹ thuật theo quy định, thường xuyên bị dịch bệnh chỉ nên thả nuôi một vụ trong năm, thời gian thả giống trong tháng 4/2014 để hạn chế dịch bệnh.
Năm 2013, công tác thú y được tăng cường, nhất là công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, long mồm lở móng trên gia súc, bệnh tai xanh trên heo... Trong năm, trên đàn gia súc, gia cầm có xuất hiện các loại bệnh thông thường như: đậu, e.coli, tiêu chảy, viêm phổi, phó thương hàn, tụ huyết trùng..., nhưng không xảy ra dịch bệnh lớn.
Ông Phạm Công Kiệt (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là một nông dân chuyên nuôi gà ta với quy mô công nghiệp, nhưng lại chọn hướng chăn nuôi di động. Trang trại của ông rất đơn giản, thường là khu vườn tràm rộng lớn được quây lưới xung quanh.
Không chỉ có giá vài trăm nghìn đồng như các loại gà bình thường khác, để mua được một chú gà người mua phải bỏ ra tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Mặc dù có giá “chát” như vậy, nhưng gà Đông Tảo năm nay vẫn đắt hàng, đặc biệt vào cuối năm.
Nông dân nuôi bò sữa Hà Lan là những chủ trang trại có nhiều kinh nghiệm trong nuôi và quản lý đàn bò sữa, nhất là về thức ăn, các bệnh phổ biến, kỹ thuật vắt sữa…