Trang Trại Ở Rú Đưng
Giữa năm 2010, ông Lê Văn Thắng ở thôn An Sơn, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắt đầu ra Rú Đưng, một khu rừng tự nhiên rộng 16 ha nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thạch để phát triển kinh tế. Đem tiền tỷ đầu tư vào một khu rừng nguyên sinh là chuyện lạ đối với nhiều người quen biết ông Thắng lúc bấy giờ.
Bản lĩnh làm giàu
Khởi nghiệp từ nghề mộc, những sản phẩm từ gỗ như bàn ghế, sập gụ... do tay nghề điêu luyện của ông Thắng làm trong 17 năm qua được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ thành công với nghề mộc, ông Thắng còn rất năng động trong lĩnh vực kinh doanh khi mở dịch vụ thu mua mủ cao su tiểu điền.
Khác với nhiều hộ kinh doanh mủ nhỏ lẻ trong xã, ông Thắng sắm xe ô tô, thuê nhân công và lập 12 điểm thu mua mủ lẻ ở các cụm điểm trồng cao su để gom mủ trước khi đưa xe đi vận chuyển mủ về nhập cho nhà máy.
Với cách làm này, ông Thắng gần như bao trọn việc tiêu thụ sản phẩm mủ cao su trên địa bàn xã và một số vùng lân cận. Đang làm ăn khấm khá với nghề mộc và dịch vụ thu mua mủ cao su, ông Thắng xoay sang dồn hết vốn liếng, đầu tư vào Rú Đưng để phát triển trang trại và kinh doanh dịch vụ nhà hàng.
Để chinh phục Rú Đưng trước mắt cần có điện, nhưng khu rừng nguyên sinh này nằm cách xa khu dân cư trên 1 km, địa hình đồi dốc, nhiều cây cối rậm rạp vì vậy việc kéo điện đảm bảo an toàn không hề dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, ông Thắng đã thuê nhân công đào đường ống từ trung tâm dân cư đến Rú Đưng để chôn dây dẫn điện ngầm dưới đất. Ngoài việc chi phí khá tốn kém cho việc dẫn điện ra rú, ông Thắng còn làm đường đi lại, cải tạo mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng… cộng các khoản chi phí đã tiêu tốn trên 1,5 tỷ đồng.
Đang ở nhà cao cửa rộng, cuộc sống sung túc ông Thắng lại đem một khoản tiền lớn đổ vào rừng rồi tháng ngày sống giữa màn trời, chiếu đất, hàng xóm cho rằng ông không biết tính toán, người thân trong gia đình cũng hết sức ngăn cản. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn quyết làm vì ông cho rằng rừng sẽ không phụ người.
Vốn từ nhỏ đã gắn bó với Rú Đưng, sau này làm nghề mộc ông Thắng tiếp xúc nhiều với gỗ nên rất hiểu về cây cối, ông tin rằng nếu biết cách bảo vệ và khai thác Rú Đưng quê ông sẽ là tài sản vô giá. Nắm rõ đặc trưng của Rú Đưng là giữa rừng nguyên sinh cây cối rậm rạp có diện tích mặt nước rộng khoảng 4 – 5 ha, ngày trước người dân trong làng thường tận dụng diện tích này làm ruộng một vụ.
Sau khi trúng thầu Rú Đưng, ông Thắng liền tiến hành san ủi, cải tạo khu ruộng một vụ này thành 3,5 ha mặt nước ao hồ để nuôi cá; trên 1 ha ở mé rừng gần biển ông cho người phát quang, dọn dẹp làm trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm: nuôi lợn rừng, nhím, gà thả, ong, bồ câu… đồng thời ở những khu đất trống không có cây ông cho dựng lều, mắc võng làm thành một nhà hàng sinh thái.
Rừng không phụ người
Với phương châm “vừa khai thác vừa bảo vệ”, sau 3 năm ra sinh sống ở Rú Đưng, ông Thắng không chỉ tạo được nguồn lợi kinh tế cho bản thân (thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm) mà cây cối, động vật trong khu rừng nguyên sinh cũng ngày một xanh tươi, phát triển nhờ bàn tay chăm sóc, bảo vệ của ông.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh Rú Đưng, ông Thắng cho biết: “Năm đầu tiên sau khi đào ao nuôi cá, tôi đã thả trên diện tích 3,5 ha mặt nước cá để chăn nuôi theo hình thức công nghiệp (cho ăn bột công nghiệp) nhưng vụ cá ấy tôi lỗ nặng vì tiền thức ăn đầu tư quá nhiều.
Quá trình thu hoạch vụ cá này tôi phát hiện ra các loại cá tự nhiên như cá lóc, phát lát, cá chép… sống tự nhiên ở trong lòng hồ rất nhiều nên vụ sau tôi không mua cá giống về thả nữa mà thu mua các phụ phẩm nông nghiệp như khoai, sắn, tấm cám, cá tạp về thả xuống hồ làm thức ăn cho cá tự nhiên. Nuôi cá tự nhiên vừa không tốn tiền giống, chi phí thức ăn thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao vì cá tự nhiên luôn bán được giá”.
Dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào giữa Rú Đưng, ông Thắng còn nuôi hàng nghìn con gà thả, ong rừng lấy mật, lợn rừng sinh sản, nhím… Ngoài việc nhập sản phẩm của trang trại cho tư thương như trước đây, hiện nay ông Thắng thuê đầu bếp, thành lập một nhà hàng sinh thái để chế biến các sản phẩm từ chính trang trại tự nhiên của mình.
Khách đến nhà hàng sinh thái Rú Đưng không chỉ được thưởng thức các sản phẩm tươi sống, chăn nuôi dựa vào tự nhiên mà còn được đắm mình trong không khí trong lành, mát dịu của một khu rừng nguyên sinh.
Nói về ý tưởng kinh doanh nhà hàng sinh thái của mình, ông Thắng cho biết thêm: “Hiện nay, khách đến nhà hàng sinh thái Rú Đưng chủ yếu vẫn là khách quen vì một phần quán mới mở, thực phẩm là sản phẩm cây nhà, lá vườn, tự cung tự cấp nên cần có thời gian để đa dạng hóa sản phẩm.
Tuy nhiên, với lợi thế của Rú Đưng vừa gần biển Cửa Tùng lại nằm sát tuyến đường du lịch địa đạo Vịnh Mốc, nên tôi đang định hướng để kết nối khu du lịch sinh thái Rú Đưng vào tour du lịch này, lúc đó nhà hàng sinh thái sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch.”
Từ ngày ra Rú Đưng sinh sống, ông Thắng trở thành người bảo vệ của khu rừng này. Ngoài công việc của trang trại, ông Thắng luôn dành thời gian vào rừng để ngăn chặn người dân khi họ vào rừng đốn cây lấy củi, lấy gỗ, hoặc đặt bẫy bắt thú rừng, chim muông.
Không dừng lại ở việc bảo vệ rừng, thời gian qua ông Thắng còn trồng 1.000 cây sưa, hàng trăm cây mưng, xoan… vào những khoảng đất trống trong khu rừng nguyên sinh với mong muốn Rú Đưng sẽ ngày càng xanh tươi, phát triển để không chỉ là lá phổi che chắn cho dân làng mà còn là một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa.
Có thể bạn quan tâm
Tại các huyện miền núi của tỉnh An Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là vùng Bảy Núi.
Nuôi trồng thủy sản vốn nhiều rủi ro, có thể khiến nhiều người tán gia bại sản nhưng cũng giúp cho nhiều người trở nên giàu có. Vậy nguyên nhân do đâu?
Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) vừa quan trắc môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Mùa mưa bão đã cận kề, với đội tàu cá 6.862 chiếc, trong đó có gần 3.100 chiếc chuyên đánh bắt khơi xa, tỉnh Bình Định lo rủi ro thiên tai gây thiệt hại cho ngư dân.
Hơn 50km bờ biển cùng 4 sông lớn chảy qua đã tạo thuận lợi cho Thái Bình phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển thủy hải sản.