Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Trại Ở Rú Đưng

Trang Trại Ở Rú Đưng
Publish date: Saturday. July 27th, 2013

Giữa năm 2010, ông Lê Văn Thắng ở thôn An Sơn, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắt đầu ra Rú Đưng, một khu rừng tự nhiên rộng 16 ha nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thạch để phát triển kinh tế. Đem tiền tỷ đầu tư vào một khu rừng nguyên sinh là chuyện lạ đối với nhiều người quen biết ông Thắng lúc bấy giờ.

Bản lĩnh làm giàu

Khởi nghiệp từ nghề mộc, những sản phẩm từ gỗ như bàn ghế, sập gụ... do tay nghề điêu luyện của ông Thắng làm trong 17 năm qua được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ thành công với nghề mộc, ông Thắng còn rất năng động trong lĩnh vực kinh doanh khi mở dịch vụ thu mua mủ cao su tiểu điền.

Khác với nhiều hộ kinh doanh mủ nhỏ lẻ trong xã, ông Thắng sắm xe ô tô, thuê nhân công và lập 12 điểm thu mua mủ lẻ ở các cụm điểm trồng cao su để gom mủ trước khi đưa xe đi vận chuyển mủ về nhập cho nhà máy.

Với cách làm này, ông Thắng gần như bao trọn việc tiêu thụ sản phẩm mủ cao su trên địa bàn xã và một số vùng lân cận. Đang làm ăn khấm khá với nghề mộc và dịch vụ thu mua mủ cao su, ông Thắng xoay sang dồn hết vốn liếng, đầu tư vào Rú Đưng để phát triển trang trại và kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Để chinh phục Rú Đưng trước mắt cần có điện, nhưng khu rừng nguyên sinh này nằm cách xa khu dân cư trên 1 km, địa hình đồi dốc, nhiều cây cối rậm rạp vì vậy việc kéo điện đảm bảo an toàn không hề dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, ông Thắng đã thuê nhân công đào đường ống từ trung tâm dân cư đến Rú Đưng để chôn dây dẫn điện ngầm dưới đất. Ngoài việc chi phí khá tốn kém cho việc dẫn điện ra rú, ông Thắng còn làm đường đi lại, cải tạo mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng… cộng các khoản chi phí đã tiêu tốn trên 1,5 tỷ đồng.

Đang ở nhà cao cửa rộng, cuộc sống sung túc ông Thắng lại đem một khoản tiền lớn đổ vào rừng rồi tháng ngày sống giữa màn trời, chiếu đất, hàng xóm cho rằng ông không biết tính toán, người thân trong gia đình cũng hết sức ngăn cản. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn quyết làm vì ông cho rằng rừng sẽ không phụ người.

Vốn từ nhỏ đã gắn bó với Rú Đưng, sau này làm nghề mộc ông Thắng tiếp xúc nhiều với gỗ nên rất hiểu về cây cối, ông tin rằng nếu biết cách bảo vệ và khai thác Rú Đưng quê ông sẽ là tài sản vô giá. Nắm rõ đặc trưng của Rú Đưng là giữa rừng nguyên sinh cây cối rậm rạp có diện tích mặt nước rộng khoảng 4 – 5 ha, ngày trước người dân trong làng thường tận dụng diện tích này làm ruộng một vụ.

Sau khi trúng thầu Rú Đưng, ông Thắng liền tiến hành san ủi, cải tạo khu ruộng một vụ này thành 3,5 ha mặt nước ao hồ để nuôi cá; trên 1 ha ở mé rừng gần biển ông cho người phát quang, dọn dẹp làm trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm: nuôi lợn rừng, nhím, gà thả, ong, bồ câu… đồng thời ở những khu đất trống không có cây ông cho dựng lều, mắc võng làm thành một nhà hàng sinh thái.

Rừng không phụ người

Với phương châm “vừa khai thác vừa bảo vệ”, sau 3 năm ra sinh sống ở Rú Đưng, ông Thắng không chỉ tạo được nguồn lợi kinh tế cho bản thân (thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm) mà cây cối, động vật trong khu rừng nguyên sinh cũng ngày một xanh tươi, phát triển nhờ bàn tay chăm sóc, bảo vệ của ông.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh Rú Đưng, ông Thắng cho biết: “Năm đầu tiên sau khi đào ao nuôi cá, tôi đã thả trên diện tích 3,5 ha mặt nước cá để chăn nuôi theo hình thức công nghiệp (cho ăn bột công nghiệp) nhưng vụ cá ấy tôi lỗ nặng vì tiền thức ăn đầu tư quá nhiều.

Quá trình thu hoạch vụ cá này tôi phát hiện ra các loại cá tự nhiên như cá lóc, phát lát, cá chép… sống tự nhiên ở trong lòng hồ rất nhiều nên vụ sau tôi không mua cá giống về thả nữa mà thu mua các phụ phẩm nông nghiệp như khoai, sắn, tấm cám, cá tạp về thả xuống hồ làm thức ăn cho cá tự nhiên. Nuôi cá tự nhiên vừa không tốn tiền giống, chi phí thức ăn thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao vì cá tự nhiên luôn bán được giá”.

Dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào giữa Rú Đưng, ông Thắng còn nuôi hàng nghìn con gà thả, ong rừng lấy mật, lợn rừng sinh sản, nhím… Ngoài việc nhập sản phẩm của trang trại cho tư thương như trước đây, hiện nay ông Thắng thuê đầu bếp, thành lập một nhà hàng sinh thái để chế biến các sản phẩm từ chính trang trại tự nhiên của mình.

Khách đến nhà hàng sinh thái Rú Đưng không chỉ được thưởng thức các sản phẩm tươi sống, chăn nuôi dựa vào tự nhiên mà còn được đắm mình trong không khí trong lành, mát dịu của một khu rừng nguyên sinh.

Nói về ý tưởng kinh doanh nhà hàng sinh thái của mình, ông Thắng cho biết thêm: “Hiện nay, khách đến nhà hàng sinh thái Rú Đưng chủ yếu vẫn là khách quen vì một phần quán mới mở, thực phẩm là sản phẩm cây nhà, lá vườn, tự cung tự cấp nên cần có thời gian để đa dạng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, với lợi thế của Rú Đưng vừa gần biển Cửa Tùng lại nằm sát tuyến đường du lịch địa đạo Vịnh Mốc, nên tôi đang định hướng để kết nối khu du lịch sinh thái Rú Đưng vào tour du lịch này, lúc đó nhà hàng sinh thái sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch.”

Từ ngày ra Rú Đưng sinh sống, ông Thắng trở thành người bảo vệ của khu rừng này. Ngoài công việc của trang trại, ông Thắng luôn dành thời gian vào rừng để ngăn chặn người dân khi họ vào rừng đốn cây lấy củi, lấy gỗ, hoặc đặt bẫy bắt thú rừng, chim muông.

Không dừng lại ở việc bảo vệ rừng, thời gian qua ông Thắng còn trồng 1.000 cây sưa, hàng trăm cây mưng, xoan… vào những khoảng đất trống trong khu rừng nguyên sinh với mong muốn Rú Đưng sẽ ngày càng xanh tươi, phát triển để không chỉ là lá phổi che chắn cho dân làng mà còn là một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa.


Related news

Xuất Khẩu Hạt Tiêu Sắp Vượt Mốc Một Tỷ USD Xuất Khẩu Hạt Tiêu Sắp Vượt Mốc Một Tỷ USD

Lý giải giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ, VPA cho hay, nguyên nhân chủ yếu là giá tiêu trên thị trường thế giới tăng mạnh, trung bình giá tiêu đen 6.885 USD một tấn, tăng khoảng 707 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tiêu trắng giá năm nay 9.716 USD, tăng 851 USD một tấn so với cùng kỳ.

Friday. August 1st, 2014
VietGAP Thủy Sản Hưởng Lợi Từ Chương Trình Nông Thôn Mới VietGAP Thủy Sản Hưởng Lợi Từ Chương Trình Nông Thôn Mới

Thời gian qua, Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của vùng. Đặc biệt, các địa phương đã chú trọng khai thác các thế mạnh để phát triển (trong đó có lĩnh vực thủy sản).

Friday. August 1st, 2014
Người Dân Vĩnh Long Ồ Ạt Trồng Cam Người Dân Vĩnh Long Ồ Ạt Trồng Cam

Giá cao, lợi nhuận nhiều nên thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đã ồ ạt lên liếp để trồng cam. Giờ đây, huyện Trà Ôn đã đứng đầu về diện tích cam trong tỉnh. Tuy nhiên, theo ngành chức năng của địa phương, cách trồng của người dân chưa bền vững.

Friday. August 1st, 2014
GAP Vẫn Còn Là Mô Hình GAP Vẫn Còn Là Mô Hình

Qua 10 năm, ngành nông nghiệp khu vực Nam bộ triển khai thực hiện mô hình “Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GAP” thì đến nay mới có 29 mô hình được chứng nhận. Và tất cả những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã đạt thì vẫn chưa thể nhân rộng.

Friday. August 1st, 2014
Được Mùa Đậu Xanh Xuân Hè Được Mùa Đậu Xanh Xuân Hè

Cuối tháng 3, ông Trần Văn Thanh ở thôn Vân Quật (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) mua hạt giống đậu xanh về tỉa trên một sào đất nằm ven vườn nhà. Nhờ nguồn nước tưới dồi dào, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm nên ruộng đậu xanh của ông Thanh phát triển rất tốt.

Friday. August 1st, 2014