Thành Công Nhờ Chọn Giống Cây Trồng Phù Hợp
Biết chọn giống cây trồng phù hợp, anh Nguyễn Kiến Văn (sinh năm 1971 ở ấp 16, xã Long Trung, huyện Cai Lậy - Tiền Giang) đã vươn lên khá giả.
Anh còn nhạy bén ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế vườn, tạo sản phẩm sạch, chất lượng. Nhiều năm liền, anh Văn đạt giải cao tại Hội thi trái ngon - an toàn do các tỉnh lân cận tổ chức.
7,5 công đất vườn của gia đình anh Văn hiện cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm, trong đó có 4 công anh chuyên canh nhãn Ido (giống nhãn Thái Lan), 2,5 công chuyên canh bưởi da xanh và 1 công đất quanh nhà được tận dụng trồng kiểng lá để bán kiểng nguyên liệu.
Anh cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình không dư dả, vườn tạp, cây trồng già cỗi nên không cho thu hoạch gì đáng kể, vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo sinh sản. Qua nhiều năm chăn nuôi, đối diện với rủi ro do biến động giá cả thị trường và dịch bệnh, anh Văn quyết định cải tạo vườn, chuyên tâm với nghề trồng trọt.
Năm 2001, sau khi tham quan vườn một người quen ở tỉnh Bến Tre, anh đốn bỏ diện tích nhãn tiêu quế kém hiệu quả trồng thử nghiệm 100 gốc nhãn Ido trên 4 công vườn và chuyên canh bưởi da xanh trên 2,5 công vườn còn lại. Khi vườn cây chưa cho thu hoạch, anh Văn tận dụng diện tích đất quanh nhà trồng kiểng lá để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chuyên cần và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác nên 4 năm sau đó, vườn nhãn và bưởi da xanh bắt đầu cho trái, luôn đạt năng suất cao.
Lý giải về việc chọn hai giống cây trồng chuyên canh, anh Văn cho biết, nhãn Ido sinh trưởng tốt, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, năng suất vượt trội và kháng bệnh chổi rồng mạnh hơn các giống nhãn khác nên kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản. Hiện nay ở giai đoạn cho trái ổn định, vườn cây cho thu hoạch khoảng 8 tấn trái/năm, giá bán dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Riêng bưởi da xanh có nhược điểm là dễ bị bệnh vàng lá và tuổi thọ không cao nếu chăm sóc không đúng cách.
Để khắc phục, anh trồng cây nơi đất cao ráo, cung cấp đủ nước tưới vào mùa khô và thoát nước tốt vào mùa mưa. Khi cây ra trái, anh ước lượng số trái theo sức cây để tỉa bỏ bớt, đồng thời sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây đủ dinh dưỡng. Sau khi thu hoạch, anh vệ sinh vườn, bón phân, tưới nước đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để cây phát triển, cho năng suất ổn định đợt sau.
Nhạy bén chọn giống cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều năm liền anh Nguyễn Kiến Văn được bình chọn là "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh", vườn cây của anh trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trong khu vực. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 16, anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hội viên để cùng canh tác hiệu quả.
Đặc biệt với kỹ thuật canh tác hướng đến đầu ra nông sản sạch, anh Văn đã nhiều lần đưa sản phẩm tham dự Hội thi Trái ngon - An toàn tổ chức tại tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long, đạt thứ hạng cao. Gần đây nhất, tại Hội thi Trái ngon - An toàn tỉnh Bến Tre lần thứ XIII được tổ chức vào tháng 6/2013, mẫu nhãn Ido và bưởi da xanh của vợ chồng anh tham gia dự thi đạt giải nhì và giải ba. Kết quả hội thi đã đánh giá trình độ canh tác và khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của anh nông dân cần cù, ham học hỏi và khích lệ anh tiếp tục phát huy thế mạnh kinh tế vườn.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình ông Lê Quốc Hùng ở thị trấn Bút Sơn huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa đã triển khai mô hình nuôi lợn rừng được ba năm nay. Hiện nay, trại lợn rừng của ông Hùng đã có tới hàng chục cặp lợn rừng bố mẹ tham gia sinh sản, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Đến nay trại lợn rừng của gia đình ông đã ngày một phát triển, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng trăm con giống, mang lại nguồn thu đáng kể so với một số ngành nghề khác.
Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành rất kính trọng ông Bùi Xuân Danh, 55 tuổi, công an thôn bởi ông là người biết tính toán làm ăn, đi lên từ mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn và làm giàu chính đáng ngay tại địa phương vốn nghèo khó này.
Đã có không ít hộ nông dân thất bại khi đầu tư vào phát triển sản xuất, bởi do họ đã áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm hay chưa đổi mới tư duy, cách làm mới... Ở xóm Mỹ Triều xã Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại có một mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa cây cho hiệu quả khá cao.
Người dân quanh vùng đào ao để thả cá, còn bác Dương Văn Lê ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc lại đào ao thả vịt. Ai cũng nghĩ bác quẩn. Vậy mà chỉ vài năm cách làm này đã giúp gia đình bác thoát nghèo, trở thành triệu phú, được cả làng làm theo.
Đó là mô hình kinh tế vườn của chàng trai dân tộc Nùng Cháng Thừa Lù - một tấm gương sáng điển hình của thôn Thanh Long xã Thanh Vân huyện Quản Bạ trong việc vươn lên thoát nghèo. Mới 27 tuổi Cháng Thừa Lù đã có trong tay hơn 3 ha cây ăn quả gồm hồng không hạt, quýt, chanh và 2 hồ nước rộng nuôi thả cá cùng số lượng lớn đàn ong nuôi lấy mật… báo hiệu một vụ mùa bội thu, khiến mọi người đến thăm thầm cảm phục.