Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Trại Nhỏ, Doanh Thu Không Nhỏ

Trang Trại Nhỏ, Doanh Thu Không Nhỏ
Ngày đăng: 08/05/2014

Khu vực chăn nuôi theo mô hình khép kín bằng công nghệ sinh học của Hợp tác xã (HTX) Quý Long, xã Thái Long, TP.Tuyên Quang (Tuyên Quang) chỉ vỏn vẹn 400m2, nhưng doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng/năm.

Nuôi lợn trên đệm sinh học

Nếu không có biển báo ở cổng chắc mọi người sẽ nhầm tưởng khu vực chăn nuôi của HTX Quý Long là khuôn viên của một gia đình. Dẫn chúng tôi đến các chuồng nuôi, anh Trần Hồng Hải - Chủ nhiệm HTX, niềm nở: “Để có sản phẩm sạch, trước tiên phải có khu chăn nuôi thân thiện với môi trường”.

Điều anh Hải nói chúng tôi đã thấy ở các dãy chuồng lợn nằm san sát nhau mà không có mùi hôi thối, ẩm mốc. Hiểu thắc mắc của mọi người, anh Hải giải thích: “Lợn được sống trên đệm sinh học, chất thải đã được phân hủy hết”.

Thành lập tháng 3.2010, HTX có 13 thành viên, với nguồn vốn rất khiêm tốn, các anh, các chị đã tập trung vào chăn nuôi lợn đen địa phương theo công nghệ sinh học do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chuyển giao kỹ thuật. Lợn ăn cám đã được lên men lớn nhanh, tuy nhiên việc xử lý phân và nước tiểu rất phức tạp, hệ thống chuồng trại ẩm thấp, từ đó mà xảy ra dịch bệnh.

Nguồn vốn ban đầu cạn kiệt, sự hào hứng của các xã viên đã chìm xuống, Ban chủ nhiệm HTX bàn và quyết định vay thêm tiền ngân hàng và đi học hỏi kinh nghiệm xử lý chất thải chăn nuôi ở Trường Đại học Nông nghiệp I. Rồi chiếc đệm bằng mùn cưa, bột gỗ trộn với men vi sinh ra đời.

Sự thành công của việc sản xuất đệm đã giúp cho mô hình nuôi lợn đen địa phương đạt hiệu quả cao. Tận dụng những chiếc đệm sau khi bỏ đi, các xã viên HTX tiếp tục xây dựng và thực hiện dự án nuôi cá trạch sông trong bể xi măng bằng thức ăn giun quế; nuôi ngỗng bằng thức ăn tự chế biến.

Vòng tròn khép kín

Chúng tôi tới khu chế biến thức ăn chăn nuôi, lúc đó là ca làm việc của chị Trần Thị Phú. Sau khi cho nguyên liệu với tỷ lệ thích hợp (50% ngô, 30% sắn, 10% cám gạo, 10% khoai) vào máy đảo đều với men vi sinh, chị cho cám ra các bao tải, sau 36 tiếng sẽ đem cho lợn và ngỗng ăn.

Chị Phú cho biết: “Với số lượng vật nuôi như hiện nay, 36 con lợn nái, 3 lợn đực, 170 lợn thương phẩm, 162 lợn con, 500 con ngỗng, hằng ngày chúng ăn hết gần 400kg cám. Nhưng nuôi theo phương pháp ủ cám, người chăn nuôi sẽ nhàn hơn, không bị độc hại, chi phí thấp”.

Nuôi theo phương pháp ủ cám lên men còn có thêm cái lợi đó là nguồn chất thải của lợn, của ngỗng lại được bắt đầu ở một quá trình chăn nuôi mới, tạo thành vòng tròn khép kín. Đó là, sau khi chiếc đệm sinh học ngấm kỹ được dỡ ra và trộn với phân ngỗng nuôi giun quế làm thức ăn cho cá chạch sông. Nuôi giun đất theo phương pháp này giun lớn nhanh, đẻ trứng dày, chỉ sau 7 ngày là cho thu hoạch.

Cũng chính có nguồn thức ăn giun quế nhiều chất, phù hợp với môi trường nên cá chạch sông tăng trưởng mạnh, từ lúc tách bể bằng ngón tay chỉ sau 3 tháng đã cho thu hoạch từ 0,4-0,6kg/con.

Dừng lại khá lâu bên chuồng nuôi lợn đực phối giống, anh Hải chỉ cho tôi xem con lợn lông dựng ngược, có màu đen đỏ, mõm dài, nanh nhọn, rất hung giữ, anh cho hay: Đó là con lợn đực giống địa phương thuần chủng của vùng Chiêm Hóa (Tuyên Quang), được đồng chí Hà Phúc Mịch - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng HTX trong dịp đồng chí về thăm khu chăn nuôi năm 2012.

Chúng tôi được biết, con lợn này cũng như 2 con lợn đực của HTX đều là giống rất quý, nhờ chúng mà 36 con lợn nái đen “sản xuất” lợn con rất tốt, trung bình một lứa đẻ từ 10-14 con, các xã viên HTX phải sắp xếp lịch phối giống phù hợp để có lợn gối nhau trong chăn nuôi.

Ngoài ra, việc nuôi ngỗng, cá chạch cũng được sắp xếp khoa học để đảm bảo việc thu hoạch được liên tục. Nhờ chủ động trong việc tạo con giống và tích cực chăn nuôi mà tháng nào HTX cũng xuất chuồng hơn 4 tấn lợn thịt, gần 2 tấn lợn giống, hơn 300kg ngỗng, 600kg chạch sông, 100kg giun quế thương phẩm và giun giống…

Để làm được điều đó, 13 xã viên HTX thực hiện việc chăn nuôi theo ca, mỗi ca một ngày, gồm 3 người, mỗi tuần tập trung toàn thể hợp tác một lần vào thứ Bảy để giải quyết công việc chung.

Tận tình giúp dân

Do sản phẩm sạch, ngon, bán với mức giá hợp lý nên người mua rất đông. Thời điểm chúng tôi tới đây, nhiều gia đình có tiệc cưới, hỏi trên địa bàn đến đặt mua, một số khách sạn, nhà hàng ở xa cũng gọi điện đặt trước.

Bởi vậy doanh thu HTX tăng nhanh, từ việc phải vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi thì đến cuối năm 2011, HTX thanh toán xong nợ, từ đầu năm 2012 tới nay chăn nuôi đã có lãi. Hằng tháng trừ các khoản chi phí, và đầu tư tái sản xuất, tiền lãi thu được HTX trả lương cho xã viên ở mức hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trần Hồng Hải - Chủ nhiệm HTX Quý Long tâm sự: “Thời gian tới HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và sẽ nghiên cứu chế biến thêm các dạng thức ăn để giảm giá thành sản phẩm, phấn đấu thu nhập của xã viên đạt 6 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015, và trở thành HTX tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang trong việc giúp dân chăn nuôi ổn định cuộc sống”.

Thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả nên ngày càng nhiều người dân trong tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm. Các anh, các chị đều tận tình tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật và cung cấp con giống cho bà con với giá thành thấp. Nhiều hộ áp dụng mô hình chăn nuôi của HTX đã cho thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chúng tôi rời khu vực chăn nuôi của HTX Quý Long khi trời đã sẩm tối, nhưng anh Hải, chị Phú vẫn hào hứng tiếp chuyện bà Nguyễn Thị Ngân, xóm 13, xã Tràng Đà, và ông Phạm Quốc Đạt, xóm 6, xã Nông Tiến, TP.Tuyên Quang tới hỏi về kinh nghiệm trộn cám với men vi sinh và phương pháp làm đệm sinh học.

Nói về công tác chăn nuôi của HTX Quý Long, ông Trịnh Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Thái Long khẳng định: “Mô hình chăn nuôi theo công nghệ sinh học của HTX Quý Long đã được nhiều người dân trong xã học tập và làm theo. Nhờ phương pháp chăn nuôi này và sự tận tình giúp đỡ của các xã viên HTX mà nhiều hộ nghèo trong xã đã vươn lên thành hộ khá, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.


Có thể bạn quan tâm

Việt Nam Đứng Đầu Thế Giới Về Xuất Khẩu Hạt Điều 8 Năm Liền Việt Nam Đứng Đầu Thế Giới Về Xuất Khẩu Hạt Điều 8 Năm Liền

Còn về nhập khẩu nguyên liệu, khách hàng quốc tế có cam kết của các nước Tây Phi thì năm 2014, các nước này sẽ dành nguyên liệu điều thô bán cho Việt Nam, đủ để cân đối nguyên liệu chế biến của các nhà máy.

21/02/2014
Khuyến Cáo Nông Dân Không Thả Giống Giai Đoạn Này Khuyến Cáo Nông Dân Không Thả Giống Giai Đoạn Này

Theo dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 4 diễn biến rất phức tạp, đây là giai đoạn tôm thiệt hại cao nhất đã được thống kê, rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua. Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh không nên thả giống để tránh thiệt hại mà tập trung vào khâu xử lý ao nuôi, thận trọng hơn trong chọn giống để hạn chế thấp nhất rủi ro cho vụ nuôi năm 2014

18/03/2014
Nông Dân Xuống Đồng Sản Xuất Đầu Năm Mới Nông Dân Xuống Đồng Sản Xuất Đầu Năm Mới

Tuy không khí ngày xuân đang tràn ngập ở các địa phương trong tỉnh nhưng để đảm bảo tiến độ thời vụ, ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, nông dân xã Hùng Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tiếp tục xuống đồng chăm sóc cây lúa và hoa màu.

21/02/2014
Nông Dân Bỏ Tiền Túi Ra Nước Ngoài Học Trồng Cà Chua Nông Dân Bỏ Tiền Túi Ra Nước Ngoài Học Trồng Cà Chua

Tới ngã ba Liên Khương (Đức Trọng) còn phải đi thêm một đoạn đường hơn 10km mới đến trang trại của các anh Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Phú Quốc. Con đường dẫn vào trang trại được trải nhựa phẳng, hai bên là vườn cà phê đang chín.

21/02/2014
Cà Mau Thả Hơn 600.000 Con Giống Thủy Sản Xuống Biển Cà Mau Thả Hơn 600.000 Con Giống Thủy Sản Xuống Biển

Thực hiện Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thủy sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau”, ngày 15/3, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức thả hơn 600.000 con giống thủy sản tại cửa biển Sông Đốc.

18/03/2014