Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Bị Máy Câu Cá Ngừ Cho Ngư Dân

Trang Bị Máy Câu Cá Ngừ Cho Ngư Dân
Ngày đăng: 02/07/2014

UBND tỉnh Bình Định vừa trao 5 hệ thống thiết bị, công nghệ câu cá ngừ đại dương cho 5 tàu cá huyện Hoài Nhơn. Thiết bị này giúp chất lượng cá câu được tăng cao gấp nhiều lần so với trước.

Lâu nay ngư dân câu cá ngừ đại dương khơi xa (chủ yếu ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), khi cá mắc câu thường giãy giụa trong thời gian khá lâu dưới biển, sau đó mới được vớt lên tàu, đập chết. Cộng vào đó là tàu gỗ, có hầm lạnh, công nghệ làm lạnh không đảm bảo tiêu chuẩn.

Do đó chất lượng cá đạt không cao, giá bán thấp. Để cải thiện tình trạng này, đã có nhiều giải pháp đưa ra, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương trong nghề câu tay kết hợp với ánh sáng và dùng thiết bị giết cá nhanh.

Đây là đề tài cấp tỉnh, nhằm hạn chế dùng đèn đánh bắt làm chất lượng cá giảm sút. Đề tài thực hiện từ tháng 9/2013 đến tháng 7/2014 và chưa có kết luận chất lượng đánh bắt theo đề tài được cải thiện thế nào. Tuy vậy theo ông La Phải, xã Tam Quan Bắc, áp dụng giải pháp của đề tài, chất lượng cá có tăng, giá bán cao hơn 7 lần so với câu truyền thống.

Được sự giúp đỡ của Hội hữu nghị Nhật Việt, UBND tỉnh tổ chức gửi 4 cán bộ ngành thủy hải sản qua Nhật Bản học cách khai thác, tiếp thu công nghệ, sử dụng công cụ câu cá ngừ đại dương. Sau đó, tỉnh đầu tư 1,5 tỷ đồng, mua 5 bộ thiết bị câu cá của Nhật Bản (200 ngàn đồng/bộ) và cải hoán, sửa chữa hầm cá cho 5 tàu cá của huyện Hoài Nhơn. Bộ thiết bị gồm máy thu câu và máy tạo xung, do Nhật Bản sản xuất.

Máy thu câu MSW-1DR 130, dùng động cơ điện 24 V - 130 W, gồm 5 bộ phận chính: hộp điện điều khiển, thân máy, hộp số, tang thu câu và thanh định hướng.

Máy có tốc độ quấn dây nhanh, chậm khác nhau, 22 - 36 m/phút hay 32 - 53 m/phút, theo 2 chế độ thu và giữ dây; tự thả dây khi lực kéo của cá dính câu lớn và tự thu dây khi cá có xu hướng đến gần tàu; khi cần thì giữ chặt dây như bộ thắng của tang quay, với nhiều mức độ khác nhau. Như vậy cũng thỏa mãn với điều kiện như câu tay “mềm nắn, rắn buông”. Máy này có thể sử dụng đến 10 năm.

Máy tạo xung Tuna Shocker, gồm các bộ phận chính: bộ biến đổi điện, từ 24 V - DC thành 100 V - AC, bộ tạo xung, hộp cung ứng điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và vòng điện.

Khi cá mắc câu được máy thu câu kéo gần thuyền khoảng 25 - 35 m, thì vòng xung điện được đưa xuống theo dây câu và khi vòng xung điện chạm vào mỏm đầu cá, thì lập tức bấm nút công tắc điện, giữ trong khoảng 3 - 5 giây, lúc này cá bị ngất, thì ngắt nguồn điện, và đưa cá lên tàu (Tùy khối lượng cá, nếu trọng lượng từ 35 - 100 kg thì điều chỉnh dòng điện ở mức có cường độ 15 A, cá lớn hơn 100 kg thì sử dụng mức 20 A).

Lập tức sau đó dùng dao, thiết bị chuyên dụng chọc tiết, chọc não, chọc tủy sống, moi lấy hết ruột, cắt vây đuôi... và đưa vào hầm ngâm lạnh chuyên biệt. Hầm này có tỷ lệ đá lạnh trên nước biển là 80/20. Ngâm lạnh trong vòng 4 tiếng đồng hồ để cá hạ nhiệt, sau đó đưa cá vào hầm đá lạnh thông thường.

Theo tính toán của các chuyên gia khai thác hải sản, nếu sử dụng máy câu, quy trình làm lạnh như vậy, thì từ khi câu được cá đến khi tới tay người tiêu dùng là chỉ trong vòng khoảng 10 ngày. Như vậy chất lượng cá mới đảm bảo theo tiêu chuẩn Nhật Bản, hoặc châu Âu và giá trị kinh tế gấp nhiều lần cá đánh bắt theo cách truyền thống lâu nay

Ông La Phải, 1 trong 5 ngư dân Hoài Nhơn tiếp nhận hệ thống máy câu cá ngừ đại dương cho biết, tàu của ông công suất 450 CV thường câu cá ngừ đại dương ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Lâu nay khi cá câu được vùng vẫy thời gian khá lâu dưới nước, cả trên tàu, chất lượng cá kém, bán ít được giá.

Thiết bị câu mới của Nhật Bản này tuy chưa sử dụng nhưng biết rằng nhờ xung điện làm cá bị ngất, và tiến hành các thao tác giết nhanh sau đó, thì chất lượng cá đạt cao hơn, giá bán cũng cao gấp nhiều lần, đó là điều mơ ước của ngư dân. Tháng 6 này tàu ông sẽ vươn khơi, bắt đầu sử dụng máy câu mới trang bị.

Theo ông Lê Hữu Lộc - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đầu tư hệ thống câu cá ngừ của Nhật Bản, thí điểm cho 5 tàu cá, có 2 chuyên gia Nhật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách sử dụng cho ngư dân. Nếu mô hình thành công sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng cá xuất khẩu, tăng thu nhập cho ngư dân. Công ty CP thủy sản Bình Định sẽ là đầu mối mua xuất qua Nhật.


Có thể bạn quan tâm

Đừng Ham Lợi Trước Mắt Mà Gánh Chịu Thiệt Hại Về Sau Đừng Ham Lợi Trước Mắt Mà Gánh Chịu Thiệt Hại Về Sau

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Phong và nhiều thương lái ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vất vả chạy ngược, chạy xuôi nộp đơn tố cáo các đầu mối thu mua trái thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc giựt tiền

28/06/2012
Sản Lượng Vải Quả Giảm Sản Lượng Vải Quả Giảm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm nay, sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 45 nghìn tấn, giảm khoảng 21 nghìn tấn so với vụ vải năm ngoái.

28/06/2012
Giúp Nông Dân Nâng Cao Thu Nhập Giúp Nông Dân Nâng Cao Thu Nhập

Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đã thí điểm mô hình Cánh đồng mẫu mía (CĐM) tại 2 địa điểm là ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp và ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh tỉnh Hậu Giang.

29/06/2012
Cây Trôm Trong Xu Thế Phát Triển Cây Trôm Trong Xu Thế Phát Triển

Hiện nay, cây trôm đã trở thành cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao tại các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân… (Tuy Phong - Bình Thuận). Qua đó, giải quyết nhiều việc làm cho địa phương…

29/06/2012
Thị Trường Cao Su Dần Sáng Sủa Thị Trường Cao Su Dần Sáng Sủa

Cuối năm 2011, từ chỗ giao dịch cao su có lúc gần như “tê liệt”, chỉ còn ở mức khoảng 68 triệu đồng/tấn, nhiều Cty cao su lo ngay ngáy vì lượng cao su tồn kho khá lớn do tiêu thụ khó khăn, có Cty tồn tới 7.000 tấn. Thế nhưng, sang quí 1/2012 và đến nay tình hình sáng sủa hẳn lên, giá cao su tăng mạnh trở lại gần 30%.

02/05/2012