Trồng quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Hà Văn Hương bên vườn quýt của gia đình.
Đến thăm vườn quýt của gia đình ông Hà Văn Hưởng, nhìn khu vườn sai trĩu quả chúng tôi không khỏi cảm phục về công sức đầu tư, bàn tay chăm sóc của chủ nhân vườn quýt.
Ngoài bản tính cần cù chịu thương chịu khó, bà con nơi đây còn nể phục ý chí vươn lên làm giàu, nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển kinh tế của ông...
Ông Hà Văn Hưởng chia sẻ: Gia đình có hơn 3ha đất canh tác, ngày trước chỉ biết trồng sắn, trồng ngô, năng suất, sản lượng thấp nên thu nhập chẳng đáng là bao.
Cuộc sống gia đình bấy giờ gặp nhiều khó khăn.
Trong một lần đến chơi ở xã Quang Thuận (Bạch Thông), ông được giới thiệu về mô hình trồng quýt.
Thấy có tính khả thi cao, ông đã bỏ thời gian để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm.
Năm 1997 ông vay ngân hàng số tiền 1 triệu đồng mua 200 cây quýt giống về trồng thử.
Để lấy ngắn nuôi dài, ông còn nuôi gà thả đồi ngay tại vườn quýt của mình.
Đàn gà của gia đình luôn duy trì 40 - 50 con, chủ yếu để bán trong vùng và tự cung cấp thức ăn cho gia đình.
Đất không phụ công người, sau 3 năm chăm sóc, cây quýt bắt đầu bói quả và cho thu hoạch.
Mới đầu, mỗi cây cho thu hoạch từ 10 - 15kg quả, đến năm 2005 gia đình ông bắt đầu có nhiều quýt để bán, mỗi năm 2 - 3 tấn.
Từ đó, ông Hưởng đã nhân rộng mô hình trồng quýt của gia đình lên gần 3ha, đến nay đều đã cho thu hoạch ổn định.
Hàng năm gia đình ông Hưởng đưa ra thị trường 15 - 20 tấn quýt.
Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng.
Ông còn trồng xen 200 cây cam tại vườn quýt, hiện nay, hàng năm cho khoảng 4 tấn quả, đem lại khoản thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Về kỹ thuật trồng và chăm sóc quýt, ông Hưởng chia sẻ: Để vườn quýt phát triển tốt, đạt năng suất cao như mong muốn, đòi hỏi người chăm sóc cần tỉ mỉ, áp dụng theo đúng quy trình tổng hợp từ khâu làm đất, chọn giống, ngừa bệnh.
Quýt cần được trồng hàng cách hàng 4m, cây cách cây 4m.
Một năm làm cỏ ba lần vào đầu năm, giữa và cuối năm.
Tỉa cành một lần vào tháng 12 âm lịch và bón phân một lần vào tháng chạp.
Cũng theo ông Hưởng, quýt thuộc cây có múi, nhiều sâu bệnh hại như: nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, ruồi vàng, sâu hại hoa, các loại bệnh nấm trên lá, thân, cành...
Nếu muốn tránh rủi ro thì người làm vườn cần phải thường xuyên thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng tránh phù hợp để quản lý tốt cho vườn cây.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Hưởng cho biết thêm: “Tuy trồng quýt cần vốn đầu tư cao, dày công chăm sóc, nhưng với lòng kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì viêc thu hồi vốn và khả năng làm giàu là không khó”.
Nhờ xác định được những tiềm năng, lợi thế của cây quýt trong việc phát triển kinh tế, nên đời sống của gia đình ông Hưởng từng bước được ổn định.
Một điều đáng ghi nhận nữa ở ông Hưởng là ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực trong việc hỗ trợ cho bà con nông dân trong xã về kỹ thuật trồng và chăm sóc quýt.
Theo bà con nơi đây đánh giá, chất lượng quýt của gia đình ông ngon không kém gì các loại quýt đang bán trên thị trường được nhập về từ các tỉnh bạn, nên hiện mô hình trồng quýt của ông Hưởng là địa chỉ để người dân trong vùng đến tham quan học tập, có thể kể đến là các hộ Nông Văn Túy ở thôn Khau Tổng, hộ Đào Văn Ba ở thôn Nà Điếng.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã Mai Lạp đã phát triển được khoảng 45ha quýt, chủ yếu trồng tại các thôn Khau Ràng, Khau Tổng và thôn Bản Rả.
Đồng chí Nông Thế Bích- Chủ tịch UBND xã Mai lạp đánh giá: Hộ ông Hà Văn Hưởng là một trong những hộ gia đình đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế ở địa phương.
Đây là mô hình tiêu biểu đáng để bà con học tập.
Kết quả đạt được chính là tiền đề để gia đình ông Hưởng nói riêng, bà con nông dân xã Mai Lạp nói chung mở rộng diện tích và tiến tới xây dựng vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao.
Hy vọng, trong tương lai, cây quýt sẽ trở thành cây chủ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhân dân ở xã Mai Lạp.
Có thể bạn quan tâm
Cũng theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị NK mặt hàng thủy sản tháng 2 đạt 72 triệu USD, đưa giá trị NK 2 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường NK chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).
Mồng 6 Tết Ất Mùi, trong ngày đầu cả nước ra quân làm việc, các xã Glar, A Dơk, Ia Băng, Trang, Ia Pếch… thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, thủ phủ cây cao su trên Tây Nguyên vắng lặng lạ thường. Không phải vì những vườn cao su đã trơ trụi mùa thay lá, không phải người dân lên nương làm rẫy, mà bởi 2 loại cây đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây sắn và cao su, năm qua giá rớt thê thảm, tác động đời sống bà con.
Theo các tiểu thương, lượng hàng tại chợ quá ít trong khi thời điểm này đang là trái vụ của nhiều loại trái cây nhưng sức mua lại mạnh do sắp tới rằm tháng Giêng. Họ dự báo giá có thể tăng lên nữa trong vài ngày tới và phải đến tận 17 - 18 tháng Giêng âm lịch mới khả năng hạ nhiệt.
“Muối SX ra không sợ bị ứ đọng, vì có hợp đồng với nhiều thương lái thu mua. Điều lo là giá muối quá thấp. Bước vào đầu vụ, các chi phí đầu tư SX đều tăng cao. Trong đó công lao động tăng mạnh nhất, hiện có giá từ 110-130 ngàn đ/công, tăng 20-30 ngàn đ/công so với năm ngoái. Vì vậy để SX muối có lãi thì giá muối thu mua phải dao động ở mức 800-1.000 đ/kg”, ông Hiến nói.
Bộ Công Thương cho biết, giá muối trên thị trường trong nước năm 2014 tương đối ổn định, với muối trắng tại miền Bắc dao động quanh mức 1.600 – 2.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 1.000-1.400 đồng/kg. Giá muối giảm khá mạnh (khoảng 30- 40%), trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến diêm dân khốn khổ. Ngay tại Ninh Thuận – một trong hai “thủ phủ” muối của cả nước giảm từ mức 900- 1.000 đồng/kg hồi đầu năm 2014 xuống 500- 550 đồng/kg vào giữa năm và vẫn duy trì thấp cho đến nay.