Trăn Trở Của Vua Sâm Ba Kích
Ông Bhríu Pố (thôn A Rớh, xã Lăng, Tây Giang) - người được mệnh danh là “vua sâm ba kích” của Quảng Nam bây giờ vẫn gắn chặt với núi rừng và những cây ba kích của mình. Trăn trở lớn nhất của ông là làm thế nào để giống cây quý hiếm này trở thành loại cây chủ lực giúp nhân dân địa phương thoát nghèo.
“Trồng ba kích dễ như khoai lang”
Cơn mưa xối xả khiến con đường đến với vườn sâm ba kích của già Bhríu Pố càng thêm trơn trượt khó đi. Vượt qua một con suối và ngọn đồi nhỏ, chúng tôi được già tiếp trong căn nhà duông trên đỉnh đồi. Chiêu ngụm trà nóng cho bớt cái lạnh, già Bhríu Pố nói: “Bây giờ thì tôi đã chứng minh cho mọi người thấy mình không “điên”. Vì hồi mới mang cây ba kích về trồng ai cũng bảo đó là cây của rừng tự nhiên nó mọc sao mà trồng được.
Còn giờ đây, với tôi trồng ba kích dễ như trồng khoai lang thôi. Cắt thân ra, giâm hom rồi trồng xuống đất là đợi ngày thu hoạch”. Già Bhríu Pố bảo trồng cây ba kích cũng chẳng khó khăn gì, quan trọng là khi lựa chọn phần thân để giâm hom thì chỉ nên chọn phần thân to khỏe và gần gốc rồi trồng nơi đất núi đồi râm mát.
Vừa nói, già vừa chỉ tay ra ngọn đồi có hơn 6.000 gốc ba kích của mình. Hôm chúng tôi lên, những cây ba kích của già Pố đã mọc lá xanh tốt, thân to bằng cọng đũa và dài từ 1 - 2m. Mỗi gốc ba kích bám lấy các cây lớn hoặc các khúc gỗ do già cắm xuống mà vin leo.
Nhanh nhẹn dùng chiếc xà beng đào, tay bươi đất rồi đưa lên một chùm rễ ba kích có kích thước to bằng ngón chân cái, già Bríu Pố chậm rãi giải thích: “Để cho cây ra rễ to và chất lượng thì chế độ nước và phân bón lúc giâm hom là cực kỳ quan trọng.
Muốn cây sinh trưởng tốt, lượng phân bón cần vừa phải, nước luôn đủ chứ chỉ cần một ngày thiếu nước là cây yếu hoặc chết ngay. Tốt nhất nên trồng ba kích vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau để tận dụng nước trời tưới cho cây dễ sinh trưởng. Đó là vài bí quyết của tôi sau nhiều năm nghiên cứu, trồng loại cây này”.
Với vua sâm ba kích, chính loại cây này đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định. “Mình trồng quanh năm suốt tháng, cứ thu hoạch xong là trồng cái mới. Mỗi lần thu hoạch thường khoảng 2.000 cây. Cứ 3 - 4 cây thì cho 1kg rễ ba kích tươi, giá mỗi ký ba kích tươi khoảng 400 ngàn đồng. Mà đắt hàng lắm, các lái buôn, người dưới xuôi gửi nhờ người thân quen ở đây lên mua hết.
Nhiều lúc phải đặt trước chứ không có hàng đâu” – già Pố nói. Chúng tôi hỏi già vì sao không trồng nhiều hơn nữa, ông thật thà bảo: “Trồng 6.000 cây là đủ ăn rồi chứ trồng nhiều để làm chi. Mình chỉ trồng kín trên ngọn đồi của mình thôi”.
Cây kinh tế
Bây giờ, già Bhríu Pố trồng ba kích cũng chuyên nghiệp hơn xưa khi có hẳn một vườn ươm tươm tất. Ông cho biết khâu ươm giâm hom giúp ông nhân giống nhanh hơn để cung cấp nguồn giống ba kích cho chính bản thân và nhiều hộ dân trồng ba kích ở địa phương. Theo già Pố, ai cũng trồng ba kích được khi tận dụng đất rừng đồi râm mát có sẵn. Già cho biết, ở xã Lăng bây giờ ngày càng có nhiều hộ trồng ba kích, cuộc sống khấm khá lên cũng dựa vào nguồn thu từ cây ba kích.
Già Bhríu Pố hóm hỉnh với chúng tôi rằng, chỉ vài năm nữa thôi danh hiệu “vua sâm ba kích” già sẽ tuột khỏi tay vì sẽ có người trồng ba kích giỏi hơn, số lượng nhiều hơn. “Nếu mất danh hiệu vua sâm ba kích thì tôi chẳng buồn gì mà đó lại là niềm vui lớn nhất cho người đầu tiên phát hiện, trồng thành công cây ba kích. Bởi khi ấy thành công riêng của tôi đã góp phần giúp bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập ổn định.” – già Pố cười nói vui vẻ.
Tuy nhiên ở thôn, ở xã của già Bhríu Pố không phải ai cũng thấy hết lợi ích kinh tế của cây ba kích. Số người hiểu được lợi ích của giống cây này, đến tham quan học hỏi già Pố cũng chưa nhiều. Chia tay chúng tôi già Pố trăn trở: “Sau nhiều năm nghiên cứu trồng ba kích thì loại cây này là cây thoát nghèo đây.
Cũng có nhiều bà con đến hỏi tôi cách trồng, tôi bày cả và đã có nhiều người thành công. Nhưng cái bụng cũng ưng phát triển trồng đại trà cây ba kích trên quê hương mình để nhiều người cùng thoát nghèo. Mong sao chính quyền nhanh chóng có đề án hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để bà con cùng nhau trồng cây thuốc quý hiếm của núi rừng Tây Giang”.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện Nghị định số 114/2009/NĐ/CP về phát triển và quản lý chợ, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ - xây dựng chợ Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, đã kinh doanh, khai thác và quản lý khá hiệu quả.
Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã đạt kết quả toàn diện, vững chắc, tạo tiền đề quan trọng để đặt ra chỉ tiêu, giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình trong giai đoạn 2016-2020.
Nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945-14/11/2015), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố 10 thành tựu nổi bật của ngành trong giai đoạn 2010-2015.
Sáng 13/11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn - Phó trưởng BCĐ Chương trình MTQG NTM tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
UBND tỉnh đã chính thức có văn bản đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) đầu tư trồng và quản lý bảo vệ, khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ và trồng cây dược liệu.