Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăn Trở Cánh Đồng Mẫu Lớn

Trăn Trở Cánh Đồng Mẫu Lớn
Ngày đăng: 05/07/2013

Mặc dù lợi nhuận tăng trên 40%, nhưng cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa thể làm thỏa mãn được kỳ vọng của người dân về hiệu quả đích thực mà mô hình kiểu mẫu này mang lại sau một năm thực hiện.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 5 điểm chỉ đạo thực hiện cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích khoảng 1.314ha. Trong đó, cánh đồng tại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) là 2 mô hình điểm của tỉnh, còn lại do các huyện, thị xã đảm nhận gồm CĐML thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ), xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) và phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy).

Sau khi triển khai thực hiện, tỉnh đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống đê bao khép kín khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa cho người dân. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân canh tác trong khu vực CĐML. Chẳng hạn, ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh, mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm... để phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng.

Đặc biệt là từng bước tạo nên bước đột phá trong sự phối hợp giữa doanh nghiệp với người dân thông qua hình thức cung ứng vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa tại 2 CĐML xã Vị Thanh và Trường Long Tây. Qua đó, giúp cho người dân giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất nhưng vẫn thu được lợi nhuận cao so với trước đây.

Đáng ghi nhận là hình thành quy trình canh tác tập trung, với quy mô diện tích lớn, góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, khẳng định: Sau một năm triển khai, mô hình CĐML của tỉnh đạt 3/6 tiêu chí theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Đáng kể là đạt tiêu chí số 2 về quy mô diện tích 300 - 500ha liền canh và có khả năng phát triển rộng ra xung quanh thành vùng nguyên liệu 3.000 - 5.000ha.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, các biện pháp đầu tư về cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ bước đầu được tiến hành khá đồng bộ. Tuy nhiên, do khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự gắn kết giữa người dân với các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo. Nhất là chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đứng ra đầu tư khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa cho người dân một cách thỏa đáng nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện mô hình CĐML.

CĐML xã Vị Thanh tưởng chừng sẽ trở thành mô hình điểm thực thụ của người trồng lúa tỉnh nhà ngay trong vụ lúa Đông xuân 2012 - 2013, khi mà Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang cùng các doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, giải quyết nỗi lo đầu ra hạt lúa cho người dân.

Thế nhưng, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa HTX Vị Thanh và công ty thiếu chặt chẽ và tính ràng buộc lẫn nhau, dẫn đến công tác thu gom, giao nhận sản phẩm bế tắc giữa chừng. Vì doanh nghiệp bất ngờ thay đổi phương thức thu mua từ lúa sang gạo. Trong khi kinh nghiệm, năng lực thu gom, vận chuyển, giao nhận sản phẩm của HTX rất hạn chế.

Theo đại diện của HTX Vị Thanh, hơn một nửa diện tích lúa trong hợp đồng đã bị thương lái bên ngoài thu mua với mức giá cao hơn khoảng 30 đồng/kg lúa tươi cùng thời điểm. Vì thế, HTX chỉ thu gom được 245 tấn, kể cả 101 tấn lúa sấy khô bóc vỏ trước khi giao cho công ty trong tổng sản lượng khoảng 600 tấn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao mà vụ Hè thu vừa rồi, không ít người dân trong khu vực CĐML xã Vị Thanh thay vì trồng lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì lại chuyển sang gieo sạ giống IR 50404.

Chung số phận, hầu hết diện tích 30ha lúa OM 4900 của người dân trong CĐML xã Trường Long Tây được sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang buộc phải bán cho thương lái bên ngoài cũng vì phương thức thu mua sản phẩm không được thực hiện như giao ước lúc đầu. Ông Lê Văn Hiện, Chủ nhiệm HTX Trường Thọ, xã Trường Long Tây, cho hay: “Có khoảng 90% diện tích đất lúa của HTX nằm trong vùng quy hoạch CĐML gieo sạ giống IR 50404 trong vụ Hè thu vừa qua”.

Bởi theo ông Hiện, người dân cảm thấy trồng lúa chất lượng cao chưa thực sự mang lại hiệu quả tương xứng với công sức, tâm huyết mà mình đổ xuống đồng ruộng. Vì vậy, muốn người dân “nhảy vào” CĐML thì cần phải tạo niềm tin cho người dân. Trước hết là tạo sự khác biệt về hiệu quả kinh tế, đảm bảo giá cả, đầu ra hạt lúa sau mỗi mùa vụ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Vị Thanh Mai Văn Bình đề nghị: Bên cạnh công tác quản lý quá trình cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào thì Nhà nước cần quan tâm giải quyết đầu ra sản phẩm một cách thỏa đáng cho người dân.

Cũng không thể phủ nhận rằng, giá cả, thị trường xuất khẩu lúa gạo diễn biến thất thường đã khiến cho các đơn vị thu mua, chế biến gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói đến hệ thống kho chứa chưa đảm bảo yêu cầu thu mua, tạm trữ lúa gạo.

Ông Lê Văn Đời kiến nghị, doanh nghiệp cần tham gia ngay từ đầu vụ sản xuất trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu để nông dân an tâm sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các kho dự trữ lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện mô hình CĐML mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục kiến nghị đối với Bộ NN&PTNT sớm có giải pháp xử lý thỏa đáng hơn trong vấn đề tiêu thụ lúa chất lượng cao trong thời gian tới.

Đồng thời, định hướng cho nông dân về cơ cấu giống thích ứng trong từng mùa vụ và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, các địa phương sớm bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho chứa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn quản lý…

Kết quả từ vụ Đông xuân vừa qua cho thấy, năng suất lẫn giá thành sản xuất lúa trong 2 CĐML chỉ đạo điểm của tỉnh cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năng suất đã tăng gần 5,5%, còn giá thành sản xuất giảm 19%, ước tính trên 4,5 triệu đồng/ha so với bên ngoài.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Bằng Sông Cửu Long Phấn Đấu Đạt 2,55 Tỷ USD Kim Ngạch Xuất Khẩu Tôm Đồng Bằng Sông Cửu Long Phấn Đấu Đạt 2,55 Tỷ USD Kim Ngạch Xuất Khẩu Tôm

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu nâng giá trị tôm xuất khẩu, chủ yếu là tôm sú lên 2,55 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với năm trước đó, trong đó tỉnh Cà Mau dẫn đầu toàn vùng với chỉ tiêu xuất khẩu 1,1 tỷ USD.

10/03/2014
Sản Lượng Thủy Sản Phú Tân (Cà Mau) Đạt Gần 9.000 Tấn Sản Lượng Thủy Sản Phú Tân (Cà Mau) Đạt Gần 9.000 Tấn

Để khai thác biển có hiệu quả, huyện Phú Tân đang khuyến khích ngư dân tích cực bám biển, đẩy mạnh sản xuất, tập trung quản lý tốt số tàu khai thác, giảm dần số tàu nhỏ, khai thác ven bờ để chuyển sang khai thác xa bờ hoặc chuyển đổi ngành nghề sang nuôi thủy sản ven biển. Chú trọng đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

10/03/2014
Cá Cá "Vàng Vi" Về Từ Hoàng Sa

Kết thúc phiên biển đầu năm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, nhiều ngư dân Quảng Ngãi trở về với cá ngừ vi vàng chật ních khoang tàu. Đây chính là một trong hai loại cá ngừ đại dương xuất khẩu, nhưng với ngư dân Quảng Ngãi, họ vẫn quen gọi là cá “vàng vi” Hoàng Sa…

10/03/2014
Đầu Tư 1 Tỉ Đồng Triển Khai Thí Điểm Việc Đánh Bắt Và Xuất Khẩu Cá Ngừ Đại Dương Sang Nhật Bản Đầu Tư 1 Tỉ Đồng Triển Khai Thí Điểm Việc Đánh Bắt Và Xuất Khẩu Cá Ngừ Đại Dương Sang Nhật Bản

Ngày 8.3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết: Triển khai thí điểm việc đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, UBND tỉnh đã đầu tư 1 tỉ đồng cho 5 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh để mua sắm các thiết bị đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương theo kiểu của Nhật.

10/03/2014
Sóc Trăng Phát Triển Đàn Bò Sữa Sóc Trăng Phát Triển Đàn Bò Sữa

Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng triển khai Dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2013-2020; Đây là một trong những dự án chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

10/03/2014