Có Thể Thương Mại Hóa Cây Biến Đổi Gen Vào Cuối 2015
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành công nhận giống cây trồng biến đổi gen, và việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen có thể diễn ra sớm nhất là vào cuối năm 2015.
Thông tin trên được ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đưa ra tại hội thảo “Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gen” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) tổ chức chiều ngày 3-2.
Theo ông Clive James, Chủ tịch danh dự ISAAA, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đi thận trọng và vững chắc trong việc đánh giá, nghiên cứu và khảo nghiệm tính an toàn của cây trồng biến đổi gen (BĐG). Năm 2014, bốn giống bắp biến đổi gen được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam đã đưa Việt Nam là quốc gia thứ 29 tham gia trồng các loại cây biến đổi gen.
Năm 2014, nhiều loại cây trồng BĐG mới được đưa vào canh tác ở các nước và dự kiến tiếp tục triển khai trong thời gian tới như cà tím Bt (Bangladesh), khoai tây Innate và cỏ alfalfa (Mỹ), mía chịu hạn (Indonesia), đậu kháng virus (Brazil).
Ông Clive James cho hay, từ năm 1996 đến năm 2014, tổng diện tích cây trồng BĐG đã tăng từ 1,7 triệu héc ta tới 181,5 triệu héc ta, tức tăng hơn 100 lần và đây cũng là mức tăng mạnh nhất đối với các loại giống cây trồng từ trước tới nay. “Công nghệ này mang lại năng suất cao hơn, sử dụng ít phân bón, thuốc trừ sâu hơn, giảm tác động tới môi trường và chống biến đổi khí hậu” – ông Clive James nói.
Đặc biệt, vừa qua châu Âu, khu vực thường xuyên phản đối cây BĐG cũng đã có một quyết định quan trọng là cho phép các quốc gia thành viên có thể lựa chọn việc trồng hoặc không trồng cây BĐG.
Đánh giá về hiệu quả của cây BĐG tại Việt Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp cho hay, những giống bắp mà chúng ta đang sử dụng cũng rất tốt, nếu đặt giống bắp BĐG cạnh các giống bắp truyền thống thì không thể phân biệt được giống nào tốt hơn giống nào. Tuy nhiên, trong trường hợp bị sâu hại, nhất là sâu đục thân, hoặc mọc nhiều cỏ thì cây BĐG có ưu việt hơn vì kháng sâu và kháng cỏ.
“Năm nay tôi rất mong cây BĐG có thể được trồng thử nghiệm rộng rãi hơn, không chỉ ở miền Bắc, để có cơ sở đánh giá tốt hơn về các giống cây này. Nói chung chúng ta vẫn đi chậm hơn các nước như Trung Quốc, Philippines. Riêng Philippines đã trồng 400.000 héc ta, đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân” – ông Xuân nói.
Tuy nhiên, ông Xuân cũng thừa nhận, Việt Nam sẽ khó sản xuất được các giống cây BĐG và phải phụ thuộc vào các công ty sản xuất giống nước ngoài vì nếu muốn sản xuất được giống cây BĐG sẽ tốn rất nhiều kinh phí nghiên cứu .
Hơn nữa, trồng cây BĐG, đặc biệt là bắp và đậu nành, không thể thay thế được bắp và đậu nành nhập khẩu như mọi người kỳ vọng. Hiện nay, chúng ta đang nhập 90% lượng bắp và đậu nành phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho người (dầu thực vật sản xuất từ đậu nành) chủ yếu từ các thị trường như Mỹ, Brazil và Argentina.
Thực tế, để thay thế nhập khẩu, năng suất sản xuất bắp, đậu nành trong nước phải tương đương hoặc thấp hơn một chút so với năng suất của các nước nhập khẩu. Nhưng thực tế, năng suất lại không phụ thuộc hoàn toàn vào giống cây mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, điều kiện tự nhiên, và máy móc…
“Mọi người cứ nói tại sao ở Đồng bằng sông Cửu Long không trồng bắp, đậu nành thay cho trồng lúa nhưng thực tế rất khó vì cấu trúc để trồng hai loại cây này khác nhau. Vì vậy, trồng bắp trên đất lúa theo đề án chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sẽ không khả thi. Đậu nành cũng vậy, ở miền Nam nhiều sâu bệnh, khi trồng đậu nành thì hàng tuần phải phun thuốc diệt vì nếu không thì sâu ăn hết” – ông Xuân nói.
Chính vì vậy, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước như Nhật Bản, Indonesia…vẫn phải phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu bắp, đậu nành nhập khẩu.
Về vấn đều này, ông Clive James cho hay, mỗi quốc gia có điều kiện sản xuất khác nhau nhưng chí ít, nếu Việt Nam sử dụng cây BĐG thì sẽ cho năng suất cao hơn các giống cây trồng truyền thống và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng còn lại đều giảm: Nhóm hàng nông sản mới xuất khẩu đạt 3,42 triệu USD (giảm gần 30% so cùng kỳ), nhóm hàng hóa khác đạt 20,26 triệu USD (giảm 5,72% so cùng kỳ).
Tại hội thảo về Chiến lược phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, ông Lê Phong Hải - nguyên Giám đốc Sở đánh giá cao mô hình nuôi tôm - lúa của ba huyện biển.
Đi vào hoạt động từ tháng 8/2013, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam đã ổn định sản xuất và tăng cường công tác xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Bờ biển Phú Yên dài 189km, có nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo, đầm, vịnh lớn như đầm Cù Mông (2.600ha), vịnh Xuân Đài (13.800ha), đầm Ô Loan (1.570ha), vịnh Vũng Rô (1.640ha).
Hiện nay, Đồng Nai có tổng đàn chim cút, chim yến khá nhiều và một lượng bồ câu lớn nuôi rải rác. Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, nhiều cơ sở, trang trại nuôi đang lo lắng tìm biện pháp phòng, chống dịch cho đàn chim cút và chim yến.