Khánh Thành Nhà Máy Chế Biến Giống Cây Trồng Trà Vinh
Chiều ngày 30/01/2015, tại Lô C, đường Số 1, Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến giống cây trồng Trà Vinh. Tham dự lễ khánh thành có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phía Nam), lãnh đạo các sở, ngành tỉnh;
UBND và đại diện một số nông dân của các huyện có triển khai trồng bắp giống: Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần, Duyên Hải và Trà Cú. Ông Oporto Calderonjorge Daniel, đại diện Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) cùng tham dự.
Theo ông Hàn Phi Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Nhà máy chế biến hạt giống cây trồng Trà Vinh tại Khu Công nghiệp Long Đức (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) được khởi công xây dựng ngày 04/09/2014, sau 4 tháng thi công hoàn thành ngày 31/12/2014.
Nhà máy có văn phòng làm việc với diện tích 128m2; khu sấy 780m2 với 04 máy sấy công suất 200 tấn bắp trái/mẻ; kho và xưởng chế biến hạt giống với diện tích 1.080m2, lắp đặt hệ thống thiết bị chế biến, xử lý hạt giống hiện đại có công suất 03 tấn hạt giống/giờ. Tổng giá trị đầu tư cho nhà máy là 11,6 tỷ đồng, trong đó hệ thống thiết bị trị giá 2,98 tỷ đồng.
Hiện nay, ngoài nhà máy vừa được khánh thành, Công ty còn có Nhà máy sấy vệ tinh tại HTX Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đã được xây lắp hoàn chỉnh, có công suất sấy 40 tấn bắp trái/mẻ hoặc 10 tấn lúa/mẻ là mô hình hợp tác, chuyển giao hoàn toàn mới với thiết bị gồm máy sấy, máy lảy hạt bắp, băng tải do SSC và VBCF đầu tư, bảo dưỡng, HTX quản lý, vận hành, sau 03 năm chuyển giao toàn bộ máy sấy cho HTX.
Việc khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến hạt giống cây trồng Trà Vinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm góp phần thực hiện Dự án Kinh doanh cùng người thu nhập thấp: Chuyển đổi cơ cấu bắp giống-lúa giúp nông dân Khmer Trà Vinh thoát nghèo, do Quỹ VBCF đã thỏa thuận tài trợ cho SSC triển khai dự án với tổng kinh phí 37,5 tỷ đồng, trong đó VBCF tài trợ 7,8 tỷ đồng.
Tại Trà Vinh, từ kết quả sản xuất thắng lợi trong những vụ trước, được sự hưởng ứng của nông dân, vụ đông-xuân 2014 - 2015, SSC đang triển khai 600ha sản xuất hạt giống bắp lai và mở rộng thêm 58,5ha hạt giống đậu xanh, 34,7ha hạt giống lúa thuần, 1,7ha hạt giống rau (đậu đũa, đậu bắp) trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để nhà máy của Công ty sản xuất giống, phục vụ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, giảm giá thành-thay vì phải vận chuyển nguyên liệu về Thành phố Hồ Chí Minh chế biến như trước đây.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 20 hộ nông dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận tiêu thụ với hệ thống siêu thị Sài Gòn. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức “kỷ luật” tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…
Tuy chưa có thống kê của ngành chức năng nhưng hiện bà con trồng mía ở một số xã: Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã bắt đầu thu hoạch mía chục để bán cho thương lái đi tiêu thụ ở các nơi.
Chư Prông (Gia Lai) là một trong những huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai. Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện hiện có khoảng 13.500 ha cà phê, trong đó, 95% diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh. Niên vụ cà phê năm nay, ước tính năng suất cà phê trung bình của huyện đạt khoảng 36 tạ nhân/ha. So với mọi năm, con số này không có nhiều biến động.
Mặc dù cơn bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, nhưng những trận mưa trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều diện tích rau, hoa màu ở ngoại thành. Ngay sau khi bão tan, bà con nông dân đã tích cực ra đồng tháo nước, chăm sóc, bón phân cho cây trồng.
Trước tình hình dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) đang ngày càng bùng phát và gây hại nặng cho cây cam sành ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh vừa ra quyết định công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành.