Trái Ổi Khốn Đốn Bởi Tin Đồn
Tin đồn "Bao xốp bọc ổi gây ảnh hưởng sức khỏe" đang gây khốn đốn cho người trồng ổi.
Trong vài năm gần đây, nhà vườn Kế Sách (Sóc Trăng) dường như không thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa bài toán trồng - chặt cây ăn trái trước những tác động của kinh tế thị trường. Khi cây mận An Phước không còn sức hấp dẫn thì hàng loạt vườn mận ở các xã An Lạc Thôn, Xuân Hòa, Thới An Hội…, được thay bằng những vườn ổi lê Đài Loan phát triển ngày càng nhanh. Nhưng rồi lại...
Thời gian gần đây, giá ổi trên thị trường từ mức 6.000 - 7.000 đ/kg, giờ giảm xuống chỉ còn 1.500 - 2.000 đ/kg (tùy loại và chất lượng). Với giá ổi như hiện nay, người trồng ổi thu hoạch không đủ chi phí đầu tư, nhiều hộ hiện đang băn khoăn tính đến chuyện nên giữ lại hay chặt bỏ. Và trước mắt, bài toán trồng - chặt với nhà vườn Kế Sách lại trở về.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Kế Sách, hiện có khoảng 1.000 ha đất vườn trồng ổi. Nhiều xã như: Nhơn Mỹ, Thới An Hội, An Lạc Tây, Trinh Phú có diện tích trồng ổi lớn. Riêng một số vùng khác, bà con làm vườn cũng chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng ổi với diện tích ít hơn.
Ổi được xem là cây “xóa nghèo” của địa phương này, bởi thời gian sinh trưởng ngắn, cây cho trái nhanh và ổn định trong thời gian dài nên đủ chi tiêu trong gia đình hàng tháng. Cùng với việc “dội chợ” làm cho giá ổi xuống thấp như hiện nay, một phần còn có sự xuất hiện của tin đồn: Bao xốp bọc ổi gây ảnh hưởng sức khỏe.
Trước những tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhà vườn, chúng tôi đã liên hệ với ngành Nông nghiệp huyện Kế Sách đi khảo sát và cho thấy: Việc bọc ổi bằng bao xốp sản xuất tại Việt Nam, các bao xốp này có giấy tờ chứng từ xuất xưởng hẳn hoi, trái với những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, dẫn đến việc giá ổi rớt thê thảm. Nhiều nhà vườn ở Kế Sách đã sử dụng hoàn toàn bằng bao xốp do Việt Nam sản xuất.
Riêng bao xốp trôi nổi, được xác định là bao xốp bọc hoa quả do Trung Quốc sản xuất không rõ chất lượng, nguồn gốc chỉ được sử dụng ở vài hộ nhỏ lẻ. Hiện những hộ này đã ngừng sử dụng từ lâu, vì khi bọc xốp Trung Quốc trái ổi thường bị hỏng, không bán được, làm giảm năng suất và chất lượng trái.
Theo ông Huỳnh Hoàng Nhu- Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Kế Sách, hiện ngành chức năng huyện đang tích cực làm rõ những tin đồn và sẽ sớm có thông tin cho bà con về vấn đề này, để họ không hoang mang, ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ và quy hoạch chung của huyện trong việc phát triển cây ăn trái trên địa bàn. Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cũng đang đề nghị kiểm tra các loại bao xốp để sớm thông tin chính xác cho người dân về chất lượng.
Cô Nguyễn Thị Hồng Khanh, nhà vườn có diện tích trồng ổi khá lớn trên địa bàn xã Thới An Hội cho biết: “Bao xốp bọc ổi mà gia đình tôi mua có chất lượng đàng hoàng và do Việt Nam mình sản xuất. Do đó, khi có thông tin về việc ăn ổi sẽ ảnh hướng đến sức khỏe đã khiến cho nhà vườn chúng tôi rất lo lắng và mong ngành chức năng sớm kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời thông tin trên để bảo vệ chất lượng ổi”.
Với 3 công ổi, hàng tháng anh Tưởng Văn Phi Hồng, ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách thu được hàng tấn trái. Sau khi trừ chi phí và với giá bán 5.000 - 6.000 đ, số tiền còn lại gia đình ổn định cuộc sống và có phần dư dả.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, giá ổi chỉ còn 2.000 đ/kg, nếu tính chi phí thu hoạch, vận chuyển ra điểm bán buôn thì anh không có lời, thậm chí là bị lỗ. Theo anh nhận định, giá giảm so với trước nhiều và giảm so với mọi năm do trái cây bị dội chợ.
Khi được chúng tôi đề cập đến việc một số người tung tin đồn về bao xốp bọc ổi gây ảnh hưởng sức khỏe thì anh Tưởng Văn Phi Hồng cho rằng chưa chắc. Vì vậy, với thông tin trên, nhà vườn trồng ổi trên địa bàn huyện Kế Sách rất cần được ngành chức năng huyện, tỉnh quan tâm và chấn chỉnh kịp thời, qua đó giúp nhà vườn tiếp tục phát triển cây ổi.
Không chỉ riêng gì giá ổi thấp khiến nhà vườn phải lao đao mà giá các loại mặt hàng nông sản trên địa bàn cũng đang đi vào ngõ cụt: Từ bắp cải, cà chua, ớt, dưa hấu cho đến xoài, mận đều lâm vào tình trạng khó khăn. Điều đặt ra trước những tin đồn thất thiệt, giá cả giảm sâu, liệu người dân trong vùng có tránh được điệp khúc “chặt trồng - trồng chặt”.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày công tác ở vùng trung du huyện Hoài Ân (Bình Định), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đẹp về những tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng. Một trong số đó là ông Mai Văn Rõ (52 tuổi), Trưởng thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện ngành Thú y đang phối hợp với địa phương để thực hiện các biện pháp khống chế, bao vây và dập dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Ngày 4-12, giá heo hơi tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ tăng thêm 2.000 đồng, lên 49.000 đồng/kg so với cách nay khoảng một tuần. Trong khi gà tam hoàng cũng vọt lên 50.000 đồng/kg và đang có hiện tượng khan hiếm.
Biển hiệu “Thu mua vịt đẻ” như thế này đã thu hút sự chú ý của không ít người dân qua lại. Loài thủy cầm có ích, khả năng cho trứng cao giúp phát triển kinh tế bền vững lại được kêu gọi thu mua tại một lò giết mổ!?!
Từ mô hình nuôi lợn thịt, chị Bùi Thị Phương ở thôn Đông Xuân, xã Thượng Ninh (Như Xuân - Thanh Hóa) đã thoát nghèo, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Chính vì vậy, người dân trong làng đặt cho chị tên gọi thân mật: “Phương nữ tướng”.