Trải Nghiệm Và Thử Thách
Tập trung lực lượng tài công, anh em bạn ghe giàu kinh nghiệm, các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến khai thác ngư trường vùng biển Trường Sa.
Kiểm tra các chi tiết thân tàu trong quá trình đóng mới.
Ghe lớn, bạn ghe giỏi mới dám đi xa
Tại căn nhà của chủ ghe Nguyễn Sáu (462/2, Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu), không khí mấy ngày trước khi ra khơi khá nhộn nhịp. Ông Sáu và con rể là anh Trần Văn Cùng làm bữa cơm gia đình đãi bạn ghe. Đây cũng là lúc chủ ghe trao đổi, giao việc cho bạn ghe, vừa là lúc chuyện trò tâm giao giữa chủ với bạn trước khi bước vào chuyến biển quan trọng của mùa biển tháng 10 âm lịch, mùa mà theo kinh nghiệm của ngư dân là đánh cá ngừ đại dương, câu mực rất có ăn.
“Vì sao nói nó là quan trọng? Vì ghe nhà tui chuyến này ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa theo chương trình đăng ký với phường. Vừa là tìm luồng cá mới, vừa hưởng ứng chương trình đánh bắt hải sản xa bờ, bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển. Nhưng mà ghe phải lớn, bạn ghe phải giỏi mới dám đi xa” - ông Nguyễn Sáu giải thích.
Bà Bạch Thị Cự, vợ ông Sáu cho hay, năm 2012, được sự hỗ trợ về xăng dầu theo chương trình của Nhà nước, ghe của ông bà mạnh dạn tìm ngư trường và vươn ra đánh bắt hải sản ở vùng biển DK1, Trường Sa, thu hoạch khá hơn mọi năm, nhất là loại cá bò gù (cá ngừ đại dương), mỗi con nặng từ 80kg tới 1 tạ. Ông Nguyễn Sáu nói: “Nghề làm biển cũng không nói trước ai hay ai dở đâu. Chuyến này khá phải dành dụm, bù cho chuyến khác ít cá, lỗ cả tiền tổn (chi phí dầu, nước đá, thực phẩm - PV). Chịu khó đi xa cũng vất vả nhưng có ăn”. Trong 10 chuyến biển năm 2012 của gia đình ông Sáu, có 4 chuyến đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến trúng được hơn 10 tấn cá ngừ đại dương, 5 tấn cá ngừ sọc dưa và các loại khác. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, vợ anh Cùng cho biết, đợt tháng 8, ghe nhà chị trúng cá ngừ đại dương loại 80kg-1 tạ/con, giá thu mua tại vựa là 70-80.000 đồng/kg. Cá sọc dưa chừng 2-4 kg/con, 30.000 đồng/kg.
Nằm trong diện chuyển đổi ngành nghề đánh bắt hải sản (từ giã cào sang lưới rê) theo chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ ghe Lê Hoàng Khanh (187/55, Lê Lợi, phường 6, TP.Vũng Tàu) cho hay, anh được vay vốn Nhà nước và gom góp đầu tư đóng mới chiếc ghe 500 CV, trị giá khoảng 3,8 tỷ đồng. Trong đó phần ghe chừng 2,3 tỷ đồng, ngư lưới cụ gần 1,5 tỷ đồng. “Nói thiệt là nhờ 2 năm nay tui mạnh dạn đi vùng biển Trường Sa và quanh khu nhà giàn DK1 nên cũng được mùa cá ngừ đại dương, mực ống xuất khẩu. Năm 2012, ghe nhà tui nhận được 120 triệu đồng tiền hỗ trợ cho 2 chuyến đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa. Năm nay, chiếc ghe 500CV vừa hạ thủy là tui đăng ký đánh bắt xa bờ luôn. Tôi tập họp được đội 15 bạn ghe giỏi, làm ăn bền chắc với tôi được 5 năm nay rồi. Năm nay ghe mới đã đi được 5 chuyến rồi, chuyến nào cũng có cá” - anh Khanh nói.
Phải giàu kinh nghiệm
Bà Cự hân hoan với chuyện 4 chuyến đi đánh bắt hải sản ở Trường Sa của con rể năm 2012 thu hoạch cả chục tấn cá ngừ đại dương, lại được hỗ trợ tiền xăng dầu 36 triệu đồng. Năm 2013 cũng đã đi được 2 chuyến. Anh Trần Văn Cùng, con rể bà Cự cho hay, mùa cuối năm là mùa khấm khá của nghề câu mực, cá thu, cá ngừ. Trước khi ghe ra khơi, anh em thường hỏi thăm nhau tình hình con nước, dòng chảy, các loại cá đang di chuyển theo hướng nào. Với mỗi loại cá phải trang bị lưới, lưỡi câu, mồi câu phù hợp.
Anh Cùng kể, muốn câu được cá ngừ đại dương cần phải có 1 giàn câu bủa rất độc đáo với dây triên dài chừng 20km, làm bằng cước 2,2 ly. Đầu giàn câu là 1 cái phao có gắn cờ hiệu, trên giàn câu treo các thẻo câu. Mỗi thẻo gồm có 3 đoạn: đoạn trên là “dây bill” bằng nhựa PE, đoạn giữa là cước 1,8 ly và đoạn cuối là cước 1,4 ly. 3 đoạn dây này đều có móc khóa xoay được để thẻo câu không xoắn vào nhau. Lưỡi câu được làm bằng inox loại 4,8mm. Mỗi giàn câu có từ 500-700 lưỡi câu tùy theo thuyền lớn hay nhỏ, mỗi thẻo câu cách nhau 30m. Dọc theo dây triên có gắn hàng chục “dọi cờ”. Dọi cờ là 1 phao có gắn 1 bóng đèn chạy bằng 2 pin đại. Khi trời tối thì bóng đèn tự động nhấp nháy. Tới ngư trường, việc đầu tiên ngư dân phải làm là bủa lưới để đánh bắt cá nục, mực - loại mồi mà cá ngừ đại dương rất thích, cao hơn nữa là dùng mồi mực. 3 giờ chiều bắt đầu thả giàn câu. Bạn ghe lần lượt móc cá nục, mực vào lưỡi câu, gài thẻo câu vào dây triên rồi thả xuống biển. Do số lượng lưỡi câu nhiều nên việc này được tiến hành đến 7 giờ tối mới xong. Lúc này người câu có thể nhìn suốt giàn câu nhờ những dọi cờ nhấp nháy giữa khơi.
Anh Cùng nói: “Làm nghề câu cá ngừ đại dương cũng bấp bênh lắm, vì chi phí lớn quá. Máy bộ đàm 14 triệu đồng, máy định vị giá gần 10 triệu đồng. Nếu có máy tầm ngư 20 triệu đồng thì tốt.Chuẩn bị lương thực cho 8-10 người dùng trong 20 ngày, gần 350 cây nước đá được xay ướp vào khoang trữ lạnh”.
Chủ ghe Lê Hoàng Khanhthì cho rằng, đánh bắt hải sản ở ngư trường các nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa không phải dễ ăn. Vì khu vực này nước vừa sâu, vừa quá trong, cá rất khó cắn câu. Gió ở đây thường xoáy mạnh và xoáy đều từng đợt từ dưới lên, dòng hải lưu thay đổi liên tục, phải giàu kinh nghiệm mới xử lý được. Anh Khanh cho biết, sau khi xác định được các khoảng vĩ độ khai thác trên hải đồ, bản đồ đánh bắt, tài công phải tiến hành khoanh tròn và quyết định ngay những điểm câu. Thường thì địa hình dưới đáy biển không đồng đều, chỗ cao chỗ thấp, chỗ lồi chỗ lõm là vùng biển lý tưởng cho sự sống của các loài cá ngừ đại dương. Nhưng tại những vùng biển này, do sự chênh lệch quá lớn về độ nông – sâu gây nên những đợt sóng mạnh cuộn từ dưới lên, tài công phải giỏi, bạn ghe phải có sức khỏe và ghe tàu phải đủ lớn mới đánh bắt hiệu quả. Có đợt, nhiều ghe tàu cô gắng bám biển gần cả tháng mà chỉ bủa được dăm tấn cá ngừ sóc.
Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Hải Quân, năm 2010 có trên 5.600 lượt tàu, năm 2011 trên 8.800 lượt tàu, năm 2012 có 17.782 lượt tàu và 7 tháng đầu năm 2013 gần 13.000 lượt tàu của ngư dân trong cả nước tham gia đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa.
Có thể bạn quan tâm
Những thế mạnh, tiềm năng của xã đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung khai thác, biến những lợi thế thành động lực để thúc đẩy mặt bằng kinh tế chung trong toàn xã phát triển đi lên.
Ở Hậu Giang, kinh tế tập thể đã thể hiện một phần vai trò tích cực trong cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện còn nhiều hợp tác xã yếu kém, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ ngành chức năng.
Ngày 6-10, Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công thương đã công bố cảnh báo của Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) với “tối hậu thư” cảnh báo hàng hoa quả xuất khẩu của VN.
Đó là một trong ba nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vùng nuôi tôm ở ĐBSCL đang bị tác động giảm giá sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố danh sách các DN XK tôm của VN bị kiện chống bán phá giá.