Trái Cây Giá Rẻ Dồn Ứ Chợ Sài Gòn
Thanh long ruột đỏ trước đây 30.000-35.000 đồng một kg nay chỉ còn 12.000 đồng, thơm thay vì 10.000 đồng một trái thì nay mua được 4 trái.
Khảo sát của VnExpress.net tại các chợ ở TP HCM như Thị Nghè, Bà Chiểu, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1), Bàn Cờ (quận 3) giá nhiều loại trái cây giảm tới 50% so với 2 tuần trước.
Tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) thơm (dứa) và thanh long rớt giá mạnh nhất. Thanh long ruột đỏ 2 tuần trước rất ít xuất hiện trên kệ, giá 30.000-35.000 đồng một kg, nay còn 12.000-15.000 đồng một kg. Thanh long ruột trắng trước đây cũng 15.000-20.000 đồng một kg, nay còn 6.000 đồng. Thơm tuần trước giá một trái 9.000-10.000 đồng, nay giảm mạnh còn 4 trái 10.000 đồng.
Không chỉ thanh long và thơm rớt giá, ngay cả những trái cây luôn giữ giá ổn định như măng cụt, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc cũng giảm giá từ 5.000 đến 10.000 đồng.
Tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), măng cụt từ 30.000 đồng giảm còn 25.000 đồng một kg. Xoài cát Hòa Lộc cũng giảm 10.000 đồng một kg. Dưa hấu còn 6.000-8.000 đồng một kg.
Lý giảm việc trái cây rớt giá mạnh, anh Hòa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho hay, hiện nay trái cây vào mùa nên giá rẻ hơn so với trước. So với cùng kỳ năm trước, trái cây năm nay rớt giá mạnh hơn nhiều, đặc biệt là những loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Thời gian trước, thanh long ruột đỏ được các thương lái cũng như các nhà nhập khẩu Trung Quốc thu gom mạnh, nhưng gần đây họ đã ngưng mua. Vì vậy hàng ùn ứ tại các chợ đầu mối nhiều hơn so với trước, trong khi đó sức mua thì không mấy cải thiện”, anh Hòa nói.
Anh Thanh, tiểu thương tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) cũng cho biết, ngoài việc trái cây được mùa, năm nay lượng trái cây ở khu vực phía Bắc cũng đổ dồn vào TP HCM với số lượng lớn. Đặc biệt là vải thiều, giá giảm mạnh cộng với tâm lý đám đông đua nhau mua khiến các loại trái cây khác muốn bán được phải đồng loạt giảm theo để kích cầu.
Tại chợ Bà Chiểu, lượng trái cây về chợ cũng tăng 20-30% so với bình thường, nhiều tiểu thương không chỉ bán ở sạp cố định mà còn bán cả ngoài trời.
Tại các hệ thống siêu thị, một số mặt hàng giảm từ 5.000-10.000 đồng một kg. Nhiều siêu thị hỗ trợ nông dân bằng cách thu gom với số lượng lớn và bán với giá ưu đãi.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết, năm nay lượng trái cây đổ về chợ tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Một đêm có hơn 2.000 tấn đổ về, đặc biệt thời gian gần đây 40% vải để xuất khẩu sang Trung Quốc quay đầu đổ dồn về TP HCM khiến lượng trái cây tăng đột biến. Thông thường, lượng trái cây và rau củ tại chợ này luôn cân bằng ở mức 50/50. Nhưng nay trái cây chiếm tới 70%.
“Nếu năm ngoái giá vải 30.000-40.000 đồng một kg thì nay chỉ còn 20.000-25.000 đồng một kg. Vì giá rẻ nên người dân cũng như tiểu thương đổ xô mua vải khiến cho một số mặt hàng trái cây khác ế ẩm nên dội chợ”, bà Hà nói.
Mặt khác, trái cây Việt Nam không dùng chất bảo quản như trái cây ngoại nên dễ hư hỏng. Vì vậy, khi sức tiêu thụ của các loại trái cây khác lép vế so với vải, buộc tiểu thương phải “bán đổ bán tháo” để tránh hư hỏng.
“Chưa có năm nào trái cây lại giảm mạnh như năm nay. Ngay cả một số trái cây ngon, lạ và hiếm cũng giảm giá mạnh”, bà Hà cho biết.
Bà Hà dẫn chứng, trước đây bòn bon luôn ở mức giá trên 50.000 đồng một kg, nay đã xuống còn 20.000 đồng. Chôm chôm Thái giá từ 20.000 đồng rớt xuống còn 11.000 đồng một kg. Xoài cát Hòa Lộc loại một thay vì 40.000-45.000 đồng, nay còn 30.000 đồng một kg. Ngay cả măng cụt cũng rớt 10.000 đồng xuống còn 20.000 đồng một kg.
Có thể bạn quan tâm
Dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng… lắng xuống nhưng nếu không kịp thời khắc phục những hạn chế, nguy cơ tái dịch sẽ xảy ra. Đó là nhận định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại Hội nghị sơ kết phòng chống dịch cúm gia cầm các tỉnh phía Nam vừa được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM.
Những ngày qua bất chấp những căng thẳng trên Biển Đông, giao thương tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc vẫn tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt là mặt hàng gạo.
Công trình cải tạo đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa 36 ha đất ruộng tại thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) chính thức khởi công vào năm 2010. Nhưng đến thời điểm này, sau 4 lần gia hạn, UBND xã Nghĩa Lâm mới chỉ cải tạo được 4,7 ha.
Gần 5 tháng nay, giá trứng gà luôn nằm dưới giá thành khiến các trang trại nuôi gà đẻ trứng luôn trong tình trạng thua lỗ. Trong thời gian tới, nếu giá trứng không tăng, có khả năng nhiều trang trại sẽ phải đóng cửa.
Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) và tỉnh Quảng Bình vừa thống nhất xây dựng vùng trồng 3.635ha cao su trên địa bàn bốn huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Trạch.